Thị trường

Fed tăng lãi suất, không lo áp lực trả nợ

18/12/2015, 14:43

Đây là khẳng định của ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Fed-tang-lai-suat-khong-qua-lo-lang-ve-ap-luc-tra-
Theo ông Trương Văn Phước, hơn một nửa nợ của Việt Nam hiện nay là vay bằng tiền Đồng. Ảnh minh hoạ

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo Hoạt động quản lý, điều hành chính sách tiền tệ, giai đoạn 2011 - 2015 và những tác động đối với nền kinh tế được tổ chức ngày 17/12. Trước động thái Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, ông Phước cho rằng chúng ta không nên quá lo lắng về áp lực trả nợ.

Theo ông Trương Văn Phước, hơn một nửa nợ của Việt Nam hiện nay là vay bằng tiền Đồng. Khoảng 46%-48% vay bằng USD. Còn lại là ngoại tệ khác.

“Lãi suất USD nếu tăng cũng chưa ảnh hưởng ngay tới các hợp đồng vay nợ đã ký. Nếu USD lên giá thì các đồng tiền khác mất giá, bù qua sớt lại giữa các hợp đồng vay nợ cũng không thể kết luận ngay gánh nặng nợ nần gia tăng khi tỷ giá tăng”, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khẳng định.

Thêm nữa theo ông Phước, đó là chưa kể nguồn thu từ xuất khẩu và có thể sử dụng dự trữ ngoại hối để bù lại phần chênh lệch tỷ giá.

Có nhiều lý do khiến NHNN không điều chỉnh tỷ giá thời điểm này. Thứ nhất, theo lịch dương chỉ còn 2 tuần nữa. Thứ hai là vì lý do đã cam kết không phá giá tiền đồng nữa.

Thời gian còn lại của năm cũng sắp hết rồi nên điều chỉnh nhanh chậm vài ngày không có ý nghĩa lắm. Quan trọng hơn, đây không phải là giai đoạn cấp thiết của thị trường về nhu cầu ngoại tệ mà là do tâm lý thị trường. Điều hành tỷ giá, vấn đề tâm lý thị trường rất quan trọng. Nếu xuất hiện tin đồn thì tỷ giá sẽ tăng.

(PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Ông Phước phân tích, tại Việt Nam, thông tin lan truyền về việc Fed tăng lãi suất đã thẩm thấu vào thị trường từ sớm và cơ quan quản lý cũng đã có những phản ứng chính sách trong hai tháng qua.

Từ đầu năm đến nay, USD đã tăng giá 5% so với tiền Đồng. Ba lần tăng tỷ giá và hai lần nới biên độ từ đầu năm đến nay đã giúp xử lý phần nào những yêu cầu nội tại của nền kinh tế và dự phòng cho những diễn biến bên ngoài như Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và Fed tăng lãi suất.

“Vì vậy, Fed tăng lãi suất với mức không đáng kể thì không có lý do gì chính sách vĩ mô của chúng ta phải thay đổi, ít nhất là tới đầu năm sau”, ông Phước cho hay.

Đối với diễn biến trong thời gian gần đây tỷ giá đã được đẩy lên sát trần, ông Phước cho rằng nguyên nhân một phần là bởi nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao vào dịp cuối năm. Đến thời điểm này cộng thêm yếu tố tâm lý xuất phát từ động thái tăng lãi suất của Fed đã khiến tỷ giá được đẩy lên kịch trần.

Ông Phước cũng không loại trừ việc tỷ giá tăng mạnh những ngày qua là chủ yếu do tâm lý phòng thủ của tổ chức tín dụng, sau đó kéo theo tâm lý thận trọng, găm giữ của khu vực dân cư và thị trường cộng hưởng với hoạt động đầu cơ ngoại tệ luôn tồn tại trong thị trường tự do khi đến gần thời điểm Fed tăng lãi suất.

Nhận định về diễn biến trong ngắn hạn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, từ nay tới cuối năm 2015 cũng như đầu năm 2016 tỷ giá sẽ tiếp tục chịu áp lực. “NHNN đã khẳng định quyết tâm giữ tỷ giá từ nay đến đầu năm 2016 để đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, tỷ giá năm 2016 dự báo sẽ chịu nhiều áp lực do Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất một số lần nhỏ khác nữa. Và khi đó, các nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ giá, nhất là các nước có mối quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam”, TS. Cấn Văn Lực cho hay. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.