Thị trường

Giá dầu lần đầu vượt mốc 100 USD kể từ năm 2014

24/02/2022, 15:31

Giá dầu Brent chạm mốc 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014 khi Nga phát động tiến công vào Ukraine.

Trưa nay 24/2 (theo giờ Việt Nam), theo CNBC, giá dầu tăng 5% khi Nga mở cuộc tấn công Ukraine; Brent giao sau có thời điểm vượt mức 102 USD/thùng, WTI lên mức gần 97 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu tăng vượt mốc 100 USD/thùng kể từ năm 2014.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, các tổ chức lớn tiếp tục kỳ vọng vào mốc giá 120 USD/thùng sẽ sớm đạt được vào giữa năm nay, khiến cho các nước tiêu thụ nhiều như Mỹ đang phải tìm cách giảm thiểu rủi ro trong trường hợp giá tăng.

img

Giá dầu tăng vượt mốc 100 USD/thùng kể từ năm 2014

MXV cho rằng, nếu cục diện giá dầu xảy ra như dự báo, sẽ khó tìm nguồn cung thay thế.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cán cân cung – cầu trên thị trường dầu thô thế giới vẫn đang ở trong tình trạng mất cân bằng từ nửa cuối năm 2020 đến nay.

Tính đến hết quý I/2022, thị trường luôn ở trong trạng thái nguồn cung không bắt kịp nhu cầu.

Hiện tại, tồn kho dầu tại các nước phát triển trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm, chỉ đạt xấp xỉ 2,7 tỷ thùng.

Với mức tiêu thụ khoảng 32,5 triệu thùng dầu/ngày dành cho 30 thành viên, mức tồn kho này chỉ đáp ứng nhu cầu trong chưa đầy 3 tháng.

Đây là một trong những nguyên nhân đã đẩy giá dầu lên cao lên mức đỉnh 8 năm.

Theo ông Phạm Thanh Dương, Phó Tổng giám đốc MXV, về lý thuyết, có 2 cách để giải quyết tình trạng thiếu hụt này.

Cách thứ nhất, là giảm bớt lượng dầu tiêu thụ. Tuy vậy, đây là phương án được đánh giá là không khả thi trong bối cảnh hiện nay do các hoạt động sản xuất cũng như các hoạt động kinh tế trên khắp thế giới đang trên đà phục hồi sau một thời gian chững lại vì đại dịch Covid-19.

Theo dự báo của cả 3 tổ chức năng lượng lớn như EIA, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ đạt mức kỷ lục trong cuối năm nay.

Mặc dù các nước đã đẩy mạnh đầu tư để tăng cường năng lượng sạch, tuy nhiên thực tế là chưa có gì thay thế được vai trò của các nhiên liệu hóa thạch.

Theo ước tính của công ty năng lượng BP, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm khoảng 84% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới.

Vì vậy, việc cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, hay cắt giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu là một phương án không khả thi.

Đây cũng là lý do tại sao các nước tiêu thụ lớn, như Mỹ, với lượng dầu tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng/ngày, phải tìm cách tăng sản lượng.

Hiện tại, Mỹ đang khuyến khích các nhà sản xuất trong nước tăng sản lượng để phục vụ cho nhu cầu đang ngày càng gia tăng trong nước, khi sản lượng vẫn chỉ đang duy trì ở mức 11,5-11,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn đáng kể so với con số kỷ lục 13 triệu thùng/ngày trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Cách thứ hai đó là thực hiện gợi ý mà các nhà phân tích tại công ty năng lượng Vitol đưa ra, đó chính là chính phủ Mỹ có thể tiếp tục mở kho dự trữ chiến lược (SPR).

Trong tháng 11/2021, chính phủ Mỹ đã tuyên bố sẽ mở bán khoảng 50 triệu thùng dầu thô trong kho để giảm sức ép cho thị trường. Tuy vậy, Bộ Năng lượng Mỹ vẫn đang để ngỏ khả năng mở bán nhiều hơn nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, cũng có lý do để kỳ vọng vào các quốc gia sản xuất dầu lớn như OPEC+. Theo kỳ vọng, trong cuộc họp sắp tới ngày 02/03 OPEC+ sẽ tiếp tục chính sách tăng sản lượng ở mức 400,000 thùng/ngày.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.