Cây cầu Oresund trở thành biểu tượng của hội nhập, gắn kết giữa các nước EU. |
Tuần qua, trước nguy cơ khủng bố, Thụy Điển quyết định siết chặt kiểm tra an ninh hành khách qua cây cầu đường sắt dài nhất châu Âu - Oresund nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn dẫn đến nhiều hệ lụy và bất cập.
Trở lại chính sách siết chặt biên giới sau 60 năm
Đây là lần đầu tiên trong hơn 60 năm nay, Thụy Điển quay trở lại chính sách siết chặt an ninh, chấm dứt chế độ lưu thông tự do không cần hộ chiếu và giấy thông hành như trước giữa nước này và Đan Mạch thuộc thuộc Liên minh châu Âu (EU) và cùng tham gia vào Hiệp ước Tự do đi lại Schegen.
Theo đó, mọi hành khách di chuyển bằng xe ô tô, tàu hỏa hay phà qua cầu Oresund đều phải có Thẻ căn cước (ID) hợp lệ. Hành khách đi tàu thì bị kiểm tra giấy tờ tại Ga Kastrup cạnh Sân bay quốc tế Copenhagen của Đan Mạch trước khi đi tiếp sang Thụy Điển. Hiện, một hàng rào được dựng tạm tại ga Kastrup để cơ quan chức năng dừng tàu kiểm tra, tránh nguy cơ người tị nạn trốn dưới đường ray. Bộ trưởng Bộ Tị nạn Thụy Điển Morgan Johansson khẳng định: “Tôi cho rằng, việc kiểm tra ID sẽ mang đến hiệu quả”.
Thụy Điển được biết là một nước rất phóng khoáng trong chính sách tị nạn đã nhận 160 nghìn người tị nạn riêng trong năm ngoái. Tuy nhiên, Chính phủ cảnh báo, dòng người tị nạn đã vượt quá khả năng cho phép và họ không đủ khả năng để cung cấp nhà ở cho tất cả mọi người.
Cũng trong nỗ lực hạn chế và kiểm soát dòng người tị nạn, tháng 12 vừa rồi, Quốc hội Thụy Điển buộc các công ty vận tải phải chịu trách nhiệm việc hành khách mang theo thẻ căn cước khi qua cầu Oresund. Bất cứ ai không đưa xuất trình được giấy tờ hợp lệ đều phải quay về và các công ty vận tải sẽ bị phạt tới 50 nghìn krona (hơn 131 triệu đồng).
Tan vỡ Hiệp ước Tự do đi lại giữa 15 nước châu Âu
Động thái trên kéo theo nhiều hệ lụy không nhỏ. Bộ trưởng Bộ Giao thông Đan Mạch Hans Christian Schmidt chỉ trích quy định này gây “phiền nhiễu” và Cơ quan Quản lý đường sắt nước này giảm số chuyến tới Thụy Điển, cảnh báo hành khách khả năng phải chịu cảnh chậm trễ đáng kể. Ngày đầu tiên áp dụng quy định, khoảng 8.000 hành khách tới Thụy Điển bị mắc kẹt tại Đan Mạch trong 45 phút. Đường đi đã vậy, họ lo ngại đường về sẽ mất thời gian hơn gấp đôi. Trong khi, phần lớn họ đều qua lại giữa hai nước để làm việc. Ước tính, mỗi ngày có 20 nghìn lượt di chuyển qua cầu Oresund.
Ông Hans Christian Schmidt cũng yêu cầu chính phủ Thụy Điển thanh toán chi phí kiểm tra ID. Công ty Quản lý đường sắt Đan Mạch (DBS) ước tính sẽ tiêu tốn khoảng 1 triệu krone (3,2 tỷ đồng)/ngày cho việc này. DBS đe dọa, nếu không được hỗ trợ, họ sẽ tính vào giá vé. Tập đoàn Phà HH của Đan Mạch cáo buộc Thụy Điển với EU vì cạnh tranh không công bằng khi bị Thụy Điển yêu cầu phải trả phí kiểm tra ID.
Không chỉ vậy, các chuyên gia e ngại quyết định này là “đòn giáng mạnh” vào dự án đầy tâm huyết của EU - hướng tới vận chuyển hành khách, hàng hóa tự do, xuyên biên giới giữa các nước trong khu vực. Bởi cầu Oresund trở thành biểu tượng của hội nhập, gắn kết giữa các nước EU. Các nước lớn trong khu vực cũng e ngại, động thái này sẽ dẫn tới hiện tượng domino - các nước khác cũng “khép chặt” biên giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer cảnh báo: “Tự do di chuyển là nguyên tắc quan trọng và cũng là một trong những thành tựu lớn nhất EU đạt được trong nhiều năm trở lại đây... Hiệp ước Tự do đi lại giữa 15 nước châu Âu - Schengen là hiệp ước quan trọng nhưng nay đang đối mặt nguy cơ tan vỡ”.Đan Mạch cũng thông báo quy định kiểm soát đột xuất tại biên giới với Đức trong vòng 10 ngày, sau đó có thể mở rộng thêm.
Trục xuất ngay nếu người tị nạn phạm tội Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ các quy định mạnh tay trục xuất người tị nạn phạm tội ra khỏi đất nước để lập lại trật tự xã hội, theo AFP ngày 10/1. Trước đó, ngày 9/1, những cuộc biểu tình của người Đức phản đối các vụ tấn công tình dục hàng loạt thời gian qua đã biến thành các vụ đụng độ. Người biểu tình tấn công cả cảnh sát vì cho rằng, họ không làm hết trách nhiệm, ngăn chặn các vụ việc. Đêm Giao thừa 2016, Đức choáng váng trước thông tin hàng trăm phụ nữ tham gia bữa tiệc năm mới tại Cologne bị tấn công tình dục, bị lăng mạ và cướp bóc. Hầu hết các nghi phạm đều là người Bắc Phi hoặc người Ả-rập và cảnh sát xác định danh tính những nghi phạm đều là người tị nạn, khiến người ta càng thêm chỉ trích chính sách người tị nạn tự do của bà Merkel - cho phép 1,1 triệu người Đức ồ ạt nộp đơn xin tị nạn tại Đức năm ngoái, trong đó có 400 nghìn người đến từ Syria. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận