Không dễ để “nói không” với việc sử dụng rượu, bia trong đời sống hàng ngày, nhưng tạo dựng được ý thức sử dụng rượu, bia có chừng mực sẽ góp phần đẩy lùi TNGT...
Mỗi câu chúc, mỗi lời hỏi han đều kèm chén rượu
Lớp học hồi nhỏ chúng tôi có gần chục người bạn thường chơi với nhau, ở cùng xã nên khi trưởng thành vẫn gắn bó. Không cứ họp lớp, nhà ai có công việc hoặc thi thoảng cuối tuần mọi người lại tụ hội liên hoan. Giống bao nhóm bạn khác, trong các bữa liên hoan, hát hò đều không thể thiếu rượu, bia.
Có khi quà tặng trong cuộc vui lại chính là những chai rượu góp vui. Mỗi câu chúc, mỗi lời hỏi han đều kèm chén rượu, cốc bia chúc tụng. Người được mời nếu không cạn sẽ bị nài ép hoặc chê bôi. Vì thế, mọi người chỉ dừng uống khi đã hết rượu hoặc không thể uống thêm nổi nữa. Lần nào tiệc tan cũng có người đi đứng lảo đảo, thậm chí say mèm, sau đó đều tự đi xe máy về.
Vào buổi chiều cách đây hơn chục ngày, một người trong nhóm bất ngờ gọi điện báo một người bạn tên Đan đang cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức vì chấn thương sọ não do ngã xe.
“Anh ấy đi ăn tân gia, uống rượu buổi trưa ở huyện Hoài Đức, song không về nhà nghỉ mà đi làm ngay, tự lao xe máy vào ổ gà nên bị ngã trên đường 442. Bệnh viện huyện lấy điện thoại của anh ấy gọi cho em. Họ bảo anh ấy đi xe tự ngã, chấn thương sọ não nên đang được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức”, vợ Đan nước mắt lưng tròng kể khi chúng tôi vào viện thăm bạn. Hơn chục ngày sau, dù gia đình tốn gần 300 triệu để chữa trị nhưng bạn tôi vẫn không qua khỏi, để lại vợ trẻ và hai con thơ đang tuổi đến trường.
Một số người có mặt tại bữa tiệc kể, hôm đó Đan cũng như nhiều người khác uống khá nhiều. Hễ người lần đầu gặp đến làm quen, hỏi thăm cả hai đều cạn chén, sau đó còn mời qua mời lại nhau. “Nếu mọi người khuyên can, mời nghỉ ngơi một lúc cho tỉnh rượu rồi hãy đi thì Đan đâu chết oan uổng thế này. Anh ấy vẫn còn quá trẻ, giấc mơ cả đời vẫn còn dang dở...”, một người thân của Đan thở dài nói.
Xây dựng văn hóa “uống có chừng, dừng đúng lúc”
Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ lái xe ô tô gây tai nạn chết nhiều người sau khi đã uống rượu, bia cho thấy sự báo động, cần các giải pháp để ngăn chặn tình trạng “ma men” gây tai nạn. Tôi cho rằng, các giải pháp đã được cơ quan quản lý tính đến như: Tăng mức xử phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, hình phạt đối với người vi phạm nồng độ cồn là cần thiết. Tuy vậy, việc kiểm tra để phát hiện, xử lý lái xe vi phạm khó bao quát được hết, nhất là khu vực ngoại thành, vùng xa trung tâm.
Trên thực tế, thói quen uống rượu bia phổ biến ở khắp các vùng miền, đối tượng; vì vậy nên có các chương trình tuyên truyền về văn hóa sử dụng rượu, bia, cũng như ràng buộc trách nhiệm để nâng cao nhận thức, chuyển biến chung trong toàn cộng đồng, nhằm đẩy lùi thói quen sử dụng rượu, bia quá mức và lái xe (cũng như chở người khác) sau khi đã uống rượu bia.
Chẳng hạn, trong các quy chế của cơ quan, đoàn thể có nội dung về những trường hợp cấm sử dụng rượu bia, cấm người trong đơn vị hoặc khuyến cáo lái xe không lái xe sau khi uống rượu, bia. Ở các phường, xã, tổ dân phố đưa nội dung hạn chế sử dụng rượu bia vào chương trình xây dựng nếp sống văn hóa, hạn chế sử dụng trong các đám cỗ, liên hoan; khuyến nghị gia đình, người tổ chức tiệc cung cấp lượng rượu, bia nhất định, hợp lý để góp phần bảo đảm an toàn cho người uống.
Đối với các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, quán rượu, bia cũng cần có quy định để ràng buộc trách nhiệm xã hội như tham gia hoạt động tuyên truyền và ngăn cản (thậm chí hạn định mức bán tối đa) được sử dụng nếu người sử dụng trực tiếp điều khiển ô tô, xe máy.
Khi việc uống rượu, bia được tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi sẽ giúp thay đổi nhận thức của nhiều người trong văn hóa sử dụng rượu, bia và là giải pháp lâu dài để đẩy lùi “ma men” lái xe ngay từ khi nâng chén rượu, cốc bia.
Mỗi tuần trao 4 giải thưởng hấp dẫn
Bạn đọc có thể tham gia diễn đàn dưới nhiều hình thức như gửi bài, ảnh, video, chia sẻ câu chuyện của chính mình hoặc cung cấp ý tưởng, kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ngăn chặn hành vi sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Các tác phẩm đạt chất lượng, được đăng tải trên Báo Giao thông sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định của Báo. Nơi nhận tác phẩm tham gia diễn đàn: Trụ sở Báo Giao thông, số 2 đường Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; Email: thang.nguyen; Điện thoại đường dây nóng: 0914709.
Mỗi tuần Ban tổ chức sẽ trao: 1 giải Nhất tuần trị giá 2 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm đạt chuẩn có gắn logo Báo Giao thông; 1 giải Nhì trị giá 1 triệu đồng + 2 mũ bảo hiểm; 2 giải Khuyến khích mỗi giải 2 mũ bảo hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận