Kiểm soát đầu nhập, giảm phí lưu bãi
Theo thống kê của Cục Hải quan TP HCM, tính đến 15/11/2019, hơn 2.900 container vẫn đang tồn đọng tại khu vực cảng biển TP.HCM, trong đó Cát Lái là cảng có số container tồn đọng nhiều nhất với 2.778 container. Tuy nhiên, nếu so với đợt cao điểm năm 2018 (10.000 container) thì đây là một kết quả đáng ghi nhận. Tính chung trong cả nước tới tháng 9, số container khai báo trên E-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển khoảng 10.900 container, giảm khoảng 13.000 container so với thời điểm tháng 1/2019 (24.200 container).
Theo ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN), để có được kết quả trên, ngoài việc phối hợp với bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đưa về Việt Nam, Cục Hàng hải VN đã yêu cầu các DN cảng biển phải thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, đốc thúc hãng tàu biển báo cáo thông tin về chủ của các lô hàng phế liệu bị tồn tại cảng.
“Chúng tôi yêu cầu DN cảng biển thực hiện miễn giảm giá dịch vụ lưu kho, lưu bãi để tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu có thể rút hàng về. Để việc triển khai giải tỏa container phế liệu tại khu vực cảng liền mạch, không bị buông lỏng, ngày 20/9 vừa qua, Cục Hàng hải VN tiếp tục có văn bản thúc các cảng vụ hàng hải và các đơn vị cảng chủ động phối hợp với Cục Hải quan khẩn trương hướng dẫn các chủ hàng thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu. Kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định”, ông Cường nói.
Được biết, thời gian qua, Tân cảng Sài Gòn đã thực hiện chính sách giảm 80% phí lưu bãi đối với các container phế liệu nhập khẩu ở cảng Cát Lái nếu các tổ chức, cá nhân sớm đến làm thủ tục lấy kiện hàng container khỏi cảng. Tương tự, cảng Nam Hải (Hải Phòng) cũng đã áp dụng chính sách miễn phí lưu bãi từ 70 - 80%. Theo đó, nhiều container nằm tại cảng 2 - 3 năm, chi phí lưu bãi lên đến vài nghìn USD cũng được giảm “kịch sàn”.
Tháo gỡ bất cập trong quản lý
Tái chế phế liệu trong lĩnh vực sản xuất thép, nhựa, giấy góp phần đáng kể tận dụng nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm cũng như hạn chế chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số DN đã có hành vi gian lận thương mại, thậm chí thẩm lậu rác thải vào Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó, quy định pháp luật trong lĩnh vực này cũng còn không ít bất cập, từ khâu nhập khẩu, quản lý và sử dụng.
Trước tình trạng trên, mới đây, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016 quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó các quy định trong nhập khẩu phế liệu được bổ sung một số hành vi cho phù hợp với thực tế như: Thay đổi kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; thay đổi công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, công nghệ xử lý tạp chất đi kèm phế liệu mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đã bãi bỏ một số quy định không có kho hoặc bãi lưu giữ phế liệu nhập khẩu theo quy định và hành vi không có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật; bãi bỏ quy định về nhập khẩu ủy thác do không còn quy định; bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả…
Trước đó, Bộ TN&MT cũng đã ban hành Thông tư 01/2019 về việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường. Đây được coi là động thái tích cực nhằm giúp hàng phế liệu được thông quan nhanh chóng. Theo đó, Thông tư 01 quy định ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư số 08/2018 và Thông tư số 09/2018 như ngưng quy định trách nhiệm kiểm tra Nhà nước đối với chất lượng phế liệu nhập khẩu của cơ quan kiểm tra Sở TN&MT - nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu nhập khẩu tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu…
Thông tư cũng quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra có liên quan đến các hoạt động kiểm tra, tiếp nhận văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu nhập khẩu, thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước hoặc xử lý theo quy định đối với trường hợp phế liệu nhập khẩu không phù hợp quy chuẩn. Đồng thời, ngưng hiệu lực thi hành quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra có liên quan đến các hoạt động kiểm tra, tiếp nhận văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu nhập khẩu (chứng thư giám định), thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước hoặc xử lý theo quy định đối với trường hợp phế liệu nhập khẩu không phù hợp quy chuẩn, quyết định lấy mẫu phế liệu nhập khẩu.
Việc loại bỏ thủ tục thừa và bất cập của hai thông tư trên đã góp phần giúp giải phóng nhanh lượng container phế liệu được DN nhập khẩu làm nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận