Đề xuất thêm cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn
Sáng 13/10, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong giai đoạn 2021-2023.
Đồng thời, đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) của các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 đã giải ngân 1.078 tỷ đồng, đạt 88,95% kế hoạch. Năm 2022 giải ngân hơn 14.468 tỷ đồng, đạt 42,49% kế hoạch.
Năm 2023, kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương đến tháng 6 hơn 1.131 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 đến 31/8/2023 hơn 10.139 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch.
Như vậy, nếu tính tổng vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đã được hơn 16.365 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.
Từ đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn NSNN của các chương trình MTQG chưa giải ngân hết trong năm 2023. Đồng thời, đề xuất thêm các cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khác.
Đoàn giám sát thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG.
Bởi tỷ lệ giải ngân vốn NSNN của các chương trình này còn tương đối thấp và thời gian thực hiện còn lại không nhiều, trong khi đời sống người dân là đối tượng thụ hưởng còn nhiều khó khăn.
"Việc chậm triển khai các chương trình MTQG có nguyên nhân từ việc chậm phân bổ vốn (đến tháng 5/2022) và chậm ban hành văn bản hướng dẫn, do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn NSNN chưa giải ngân hết đến năm 2023", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát nêu.
Thay đổi cách quản lý, phân cấp cho địa phương
Góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định, việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư và sự nghiệp của 3 chương trình MTQG từ năm 2022 sang năm 2024 là không phù hợp với quy định của Luật NSNN.
Tuy nhiên, qua báo cáo và các ý kiến, xem xét tình hình thực tiễn, ông bày tỏ thống nhất với đề xuất của đoàn giám sát để phát huy những tích cực của 3 chương trình MTQG đối với sự nghiệp giảm nghèo, hỗ trợ đời sống của những đồng bào còn khó khăn.
Nhất trí với những đề xuất mà đoàn giám sát đã đưa ra, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần phải thay đổi cách quản lý các chương trình này, nên đi theo hướng địa phương chịu trách nhiệm chứ cách hiện nay rất chậm trễ.
"Chú ý cân bằng vốn sự nghiệp và vốn đầu tư. Vốn sự nghiệp chặt chẽ về chi tiêu nên giải pháp là phải đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm cấp uỷ, chính quyền địa phương. Trên này chúng ta quản mục tiêu, quản hướng dẫn chứ không nên quản lý chi tiết", ông Hải phân tích.
Cũng ủng hộ những kiến nghị, đề xuất của Chính phủ và chia sẻ cùng những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, đây là những biện pháp ngắn hạn để xử lý tình huống trước mắt.
Thực tiễn giám sát, việc thực hiện các chương trình MTQG, việc tổ chức, triển khai, chỉ đạo, thực hiện các quy định, nghị định, thông tư, hướng dẫn không chỉ vướng ở một khâu này. Do đó, Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để những công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan có thể tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần nâng cao chất lượng của các công việc, tránh trường hợp giải ngân ồ ạt không đạt được hiệu quả, chất lượng như mục tiêu đã đề ra.
"Nếu giải ngân không có "van", có "khóa", không có kiểm tra, giám sát thì không đảm bảo phân bổ đúng mục đích, dễ dẫn đến thất thoát, tiêu cực, lãng phí, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả đầu tư", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Kết lại nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với 6 chính sách có tính đặc thù mà Chính phủ trình để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của 3 chương trình MTQG.
Đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh tờ trình, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, báo cáo đánh giá tác động, nêu một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để thực hiện các cơ chế này, sớm gửi các cơ quan của Quốc hội để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận