Thị trường

Giành giật lúc nửa đêm mua rau xanh, lo giá còn đắt từng ngày

11/09/2024, 13:08

Các tiểu thương cho biết, khi nguồn cung rau xanh tại các chợ đầu mối khan khiến, giá lên từng ngày, họ phải giành giật để lấy hàng lúc nửa đêm.

Hàng khan, giá lên từng ngày

Sáng sớm ra chợ Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mua một quả bí hết 120.000 đồng, chị Hương giật mình khi biết giá đã lên 45.000 đồng/kg từ mức cũ 20.000 đồng.

"Một bữa cơm rau đắt hơn thịt", là ví von của Chị Hương trong những ngày mưa bão vừa qua.

Thực tế, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số chợ dân sinh sáng 11/9 cho thấy, cửa hàng bán rau thưa thớt hơn vài ngày qua, các mặt hàng cũng giới hạn.

Giành giật lúc nửa đêm mua rau xanh, lo giá còn đắt từng ngày- Ảnh 1.

Giá rau xanh tăng gấp 2-3 lần. Ảnh: Hồng Hạnh.

Chị Lan, một tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ Cầu Giấy cho rằng, số người bán chỉ còn khoảng 40%, nguyên nhân do khó lấy hàng, giá đắt.

Tại sạp của chị Lan cũng chỉ có một số mặt hàng củ quả, thêm một ít các rau họ cải, thế nhưng theo chị Lan "lấy được từng này cũng là nhờ mối buôn thân tình lâu năm, chứ nếu buôn mới sẽ không lấy được gì".

Sở dĩ như vậy, chị Lan cho biết, chị phải có mặt ở chợ đầu mối Long Biên từ 1h sáng, trong khi trước đây chỉ cần đặt hàng qua điện thoại.

"Chúng tôi phải giành giật nhau cả đêm, mỗi người chỉ được một ít", chị Lan nói và cho hay, giá lên từng ngày.

Hiện, cà chua lên 40.000 đồng/kg; rau muống đã lên mức 20.000-22.000 đồng/bó, từ mức 10.000 đồng; mồng tơi tăng lên 17.000 đồng/mớ trong khi ngày thường chỉ 5.000-6.000 đồng; rau ngót tăng từ 13.000 đồng lên 20.000 đồng/mớ; cải ngọt và cải chíp giá 35.000-45.000 đồng/kg, tăng gấp đôi…

Các loại rau thơm cũng đồng loạt tăng: Hành lá có giá 60.000 đồng, thì là 100.000 đồng/kg; rau xà lách 60.000 đồng/kg… mức tăng từ 30-50%.

Giành giật lúc nửa đêm mua rau xanh, lo giá còn đắt từng ngày- Ảnh 2.

Tiểu thương phải đi cả đêm để lấy hàng, thay vì chỉ gọi điện thoại như trước đây. Ảnh: Hồng Hạnh.

Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Rau xanh khan hiếm, chủ yếu là các loại củ quả. Những mặt hàng này cũng đang tăng giá từ 10.000-20.000 đồng/kg.

Như bí xanh tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng/kg; dưa chuột tăng 15.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg; củ cải trắng có giá 35.000 đồng/kg; bắp cải giá 35.000 đồng/kg; khoai tây 40.000 đồng/kg…

"Tôi phải trực ở chợ đầu mối Minh Khai từ 1h sáng để lấy hàng, nhưng hôm nay sợ khó lấy hơn vì giá rất đắt, hàng cũng không có giờ cố định do phụ thuộc vào xe hàng từ Nam ra", chị Hà nói.

Các chợ đầu mối thường ưu tiên nhập hàng từ các vựa rau ở miền Bắc, nhưng hiện vùng này mưa ngập kéo dài, rau màu thối và hỏng hết nên phải mua hàng từ miền Trung và miền Nam để "tiếp tế", bà Thắm, một đầu mối rau tại chợ Long Biên cho hay.

Theo bà Thắm, việc cung ứng rau những ngày tới sẽ khó khăn, do thời tiết mưa xe vận chuyển chậm, nhưng sức mua của dân tăng mạnh.

Giành giật lúc nửa đêm mua rau xanh, lo giá còn đắt từng ngày- Ảnh 3.

Quầy rau tại siêu thị FujiMart Ngọc Khánh đắt hàng. Ảnh: Hồng Hạnh.

Nhiều kệ hàng siêu thị cũng trống trơn từ sớm

Không chỉ ở chợ, các siêu thị lượng người mua rau và thịt cá cũng tăng mạnh. Nhiều kệ hàng đã trống trơn từ sáng sớm.

Tại FujiMart Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) các bà nội trợ đều "quây" ở quầy rau ngay khi nhân viên vừa đặt hàng lên kệ.

Chọn mua cả xe hàng nào rau, thịt lợn, thịt gà, cá, gạo… chị Huyền Dịu cho biết, vì lo Hà Nội bị lũ chia cắt, khó đi lại nên chị phải mua thực phẩm phòng cho cả gia đình và nhà bố mẹ ở Long Biên trong một tuần.

Giành giật lúc nửa đêm mua rau xanh, lo giá còn đắt từng ngày- Ảnh 4.

Mặt hàng thịt lợn liên tục đưa hàng mới lên kệ. Ảnh: Hồng Hạnh.

Giành giật lúc nửa đêm mua rau xanh, lo giá còn đắt từng ngày- Ảnh 5.

Quầy kệ đồ khô trống trơn. Ảnh: Hồng Hạnh.

Giá cả ở siêu thị ổn định, tuy nhiên, ngoài một số mặt hàng được giảm giá thì mặt bằng chung giá đã cao hơn chợ.

Cụ thể, rau muống có giá 13.500 đồng/300 gram; rau ngót, cải ngọt khoảng 15.500 đồng/300 gram; cà chua 25.000 đồng/300 gram…

Ngoài ra, các mặt hàng khô, nước uống, sữa các loại cũng đắt hàng, giá cả ổn định.

Để giữ giá rau ổn định, đại diện WinEco cho biết, đơn vị đã phải thu hoạch, vận chuyển và phân phối nông sản từ miền Nam ra Bắc sau khi 80% sản lượng rau của đơn vị ở 4 nông trại tại miền Bắc đều bị thiệt hại nặng nề.

Giành giật lúc nửa đêm mua rau xanh, lo giá còn đắt từng ngày- Ảnh 6.

Nhiều kệ hàng tại siêu thị winmart Trần Tử Bình (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cũng cháy hàng từ sớm. Ảnh: Hồng Hạnh.

"Mỗi ngày gần 100 tấn rau củ thiết yếu như: Mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, bầu bí, mướp đắng đã được vận chuyển ra Bắc. Nhờ đó, giúp giữ giá các mặt hàng rau xanh ổn định, không tăng", đại diện WinEco cho biết.

Đại Central Retail Việt Nam cũng khẳng định, không tăng giá bán, vì đã có chuẩn bị nguồn hàng từ trước cùng các đối tác ở Đà Lạt.

Trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt (Lâm Đồng) giao hàng cho miền Trung và miền Bắc ngày thường chỉ chở 40 tấn/chuyến, nay tăng lên. Tính đến ngày 9/9, Central Retail Việt Nam đã vận chuyển đến các siêu thị GO!, Big C miền Bắc, với khoảng 150 tấn rau củ quả các loại, theo đại diện Central Retail Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.