Đô thị

Hà Nội: Bãi xe ngầm không “nằm trên giấy” thì… biến tướng

17/06/2022, 14:00

Sau rất nhiều năm, kế hoạch đầu tư các bãi xe ngầm của Hà Nội đều… “nằm trên giấy” hoặc bị biến tướng thành chung cư, trung tâm thương mại...

Bãi xe ngầm thành trung tâm thương mại

Năm 2003, TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay các dự án bãi đỗ xe này đều đang không được như kỳ vọng.

img

Bãi xe ngầm bị biến tướng thành Trung tâm tổ chức sự kiện tiệc cưới tại số 66 Lê Văn Lương

Việc phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ nhưng chỉ hoàn vốn qua phí trông giữ xe đã khiến dự án các bãi xe ngầm của Hà Nội bị “ghẻ lạnh”, không mấy doanh nghiệp mặn mà. Cũng từ đây, các dự án hoặc bị “đắp chiếu” hoặc “biến tướng” thành trung tâm thương mại, dịch vụ…

Trong số này, dự án xây dựng bãi đỗ xe sau cống hóa mương Nguyễn Khánh Toàn, Phan Kế Bính, Lê Văn Lương… là những ví dụ điển hình.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt cho Công ty Phương Đông đầu tư bãi đỗ xe tại địa chỉ số 66 Lê Văn Lương trên diện tích 4.350m2 (1 hầm, 2 tầng, 1 tum thang), tổng chiều cao công trình là 10,9m. Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến nay tại địa chỉ trên tồn tại một trung tâm tổ chức sự kiện - tiệc cưới có sức chứa tới vài nghìn người. Tầng hầm của công trình này cũng được sử dụng làm khu vực chứa đồ và bếp nấu. Phía bên phải trung tâm tiệc cưới có bãi đỗ xe, nhưng diện tích khiêm tốn.

“Bãi đỗ xe chỉ chứa khoảng 100 - 300 xe, còn không đủ chỗ khách tới dự tiệc gửi xe”, bảo vệ nơi đây thông tin.

Tương tự, trên đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), tại khu vực quy hoạch bãi đỗ xe ngầm, chỉ một phần đất được sử dụng làm bãi đỗ xe, còn lại đã thành nhà hàng phục vụ ăn uống.

Cũng như vậy, tại mương Phan Kế Bính, TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải dành 3.920m2/6.050m2 xây dựng bãi đỗ xe và giao thông nội bộ. Tuy nhiên, thay vì sử dụng làm bãi đỗ xe, chủ đầu tư lại dành phần lớn diện tích để làm nhà hàng, quán bia.

Doanh nghiệp không mặn mà

Năm 2017, Hà Nội đã đề xuất xây dựng 4 bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận nội thành Hà Nội. Đó là các bãi đỗ xe tại Công viên Nhân Chính (quận Cầu Giấy), Nhà thi đấu Quần Ngựa (quận Ba Đình), Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), Quảng trường cách mạng 19/8 và Vườn hoa Cổ Tân (quận Hoàn Kiếm).

Riêng đối với bãi đỗ xe trong Công viên Thống Nhất sẽ được xây dựng với quy mô 5 tầng hầm. Tuy nhiên, đến nay các bãi xe ngầm này đều mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu.

Một doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư bãi xe ngầm trong Công viên Thống Nhất chia sẻ: “Bỏ ra cả trăm tỷ đầu tư bãi đỗ xe mà với cơ chế hiện tại từ 30 - 50 năm mới thu hồi vốn. Như vậy, chúng tôi tính kinh doanh thứ khác để mang lại lợi nhuận chứ đầu tư bãi xe làm gì”.

Vị này cho rằng, nếu TP muốn xã hội hóa đầu tư bãi xe ngầm thì cần tạo cơ chế nhìn thấy lợi nhuận ngắn ngày cho chủ đầu tư, hoặc có các giải pháp để nhà đầu tư thấy được tiềm năng, có như vậy nhà đầu tư mới vào cuộc.

Đáng nói, trong khi những bãi xe ngầm của Hà Nội được quy hoạch trước đó còn đang chưa thấy đâu, Hà Nội lại vừa tiếp tục đưa 78 vị trí để làm bãi xe ngầm tại 4 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, nếu Hà Nội không có cơ chế để thu hút đầu tư, không biết bao nhiêu năm nữa mới có thể triển khai các bãi xe ngầm này.

Xây bãi đỗ xe ngầm được mở quán, làm dịch vụ khác?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết, thành phố đang kỳ vọng các bãi xe ngầm sớm có thể triển khai.

“Hiện, chúng tôi đang yêu cầu Sở GTVT Hà Nội, các quận, huyện trên địa bàn TP báo cáo về tình hình triển khai dự án bãi xe ngầm để có những giải pháp cụ thể. Mới đây nhất, chúng tôi đã đi khảo sát từng vị trí để có phương án tháo gỡ”, ông Quân nói và cho biết thêm, cơ chế, chính sách thu hút chủ đầu tư tham gia xây bãi xe ngầm đã được thể hiện ở một số Nghị quyết của HĐND TP, trong đó có Nghị quyết 04 về tăng cường quản lý phương tiện.

Nghị quyết này có đề cập tới việc các nhà đầu tư bãi xe ngầm được ưu đãi tăng diện tích sử dụng dịch vụ phụ trợ lên đến 30% để họ đủ điều kiện thu hồi vốn.

Tuy nhiên, theo ông Quân, chính sách vẫn chưa đủ mạnh. “Chúng tôi đang đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ từ Trung ương về thuế cũng như diện tích được phép xây dựng kinh doanh phụ trợ để thu hút nhà đầu tư”, ông Quân cho biết.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng đang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, đảm bảo tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

“Dự kiến sẽ đề xuất cho phép nhà đầu tư được lồng ghép chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại nhưng không làm thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất cũng như công suất đỗ xe.

Đồng thời, xem xét cho phép bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong, ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi về thuê đất, giao đất...”, ông Bảo cho biết.

Theo một chuyên gia về giao thông đô thị, Hà Nội nên ưu tiên tiên vốn đầu tư xây dựng một số bãi đỗ xe lớn theo quy hoạch như: Xuân Phương, Vĩnh Quỳnh, Mai Lâm, Lĩnh Nam, Bắc Yên Viên…

Cùng đó, cần bố trí các khu vực đỗ tập trung tại khu vành đai khu vực phố cổ; Tận dụng bố trí điểm đỗ xen kẽ trong khu vực cây xanh công viên và những điểm đỗ ngầm dưới công trình xây dựng mới.

“Từ khu vực vành đai 2 trở vào nên ưu tiên quy hoạch phát triển bãi để xe cao tầng; xây dựng các bãi đỗ xe đấu nối với tuyến buýt Yên Nghĩa - Kim Mã, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội”, vị này góp ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.