24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội
Sáng nay (6/12), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 14, với đa số đại biểu biểu quyết tán thành, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Nghị quyết đề ra 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người 160,8-162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5-11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4-5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.
Mục tiêu tổng quát được nêu trong nghị quyết là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại.
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số: PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS.
Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đẩy mạnh giao thông công cộng
Trước đó, phát biểu tại hội trường về nội dung đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, nhiều đại biểu đề nghị UBND TP rà soát quy hoạch phát triển hệ thống thương mại, các chợ đầu mối, chợ nông sản quốc tế…
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đảm bảo phát triển đô thị, nông thôn đồng bộ, hiện đại và bền vững theo các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Rà soát, nghiên cứu việc quy hoạch cần ưu tiên phát triển các đô thị, tăng tỷ lệ phát triển đô thị; nghiên cứu số liệu về dân số để xây dựng.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát về phát triển không gian ngầm, không gian liên vùng. Đề xuất với các cơ quan Trung ương để có các chính sách cụ thể, đổi mới, phù hợp với thực tiễn phát triển của thế giới, các Thủ đô của thế giới trong liên kết với vùng kinh tế và khu vực lân cận.
Định hướng phát triển không gian xanh, đẩy mạnh giao thông công cộng gắn với đường sắt giao thông đô thị. Sớm có định hướng quy hoạch hai thành phố trong thành phố trong đồ án.
Doanh nghiệp Hà Nội "nín thở" không dám vay đầu tư
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (huyện Mê Linh) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp của cả nước nói chung và tại Thủ đô hiện đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, mong thành phố có phân tích về sự đồng hành của chính quyền với doanh nghiệp, thể hiện làm sao Thủ đô đi đầu, nâng cao chỉ số phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Lan Hương (quận Tây Hồ) mong muốn thành phố làm rõ hơn các giải pháp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều có xu hướng thu hẹp sản xuất, ngại mở rộng, ngoại trừ những ngành công nghệ thông tin, du lịch.
Nhìn chung các doanh nghiệp có xu thế "nín thở" để xem xét thị trường vì bối cảnh chung là nhu cầu tiêu dùng giảm. Mặc dù lãi suất giảm nới lỏng nhưng nhiều doanh nghiệp không dám vay, phải nhìn thấy khách hàng mới dám vay.
"Các doanh nghiệp mong muốn không chỉ có giảm lãi suất mà cần những chính sách hỗ trợ nhìn thấy ngay của thành phố để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khă", đại biểu Hương nói và mong muốn thành phố thúc đẩy Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức các sự kiện kết nối và đi vào những sản phẩm trọng điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận