Dự án đua nhau ra hàng
Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản phía Tây Thủ đô trở lên sôi động với nhiều dự án mới, gồm cả thấp tầng và cao tầng. Đầu tiên kể đến là dự án Vinhomes Wonder City tại huyện Đan Phượng. Theo thông tin giới thiệu, dự án rộng 133,4ha, với khoảng 2.000 căn thấp tầng: liền kề, nhà vườn, villa, song lập, đơn lập.

Bất động sản phía Tây Hà Nội hưởng lợi từ giao thông và xu hướng giãn dân ra ngoài ven. Ảnh dự án Vinhomes Wonder City - Nguyễn Hùng.
Theo ghi nhận của PV dự án này đang triển khai thi công hạ tầng, nhiều môi giới đứng quanh dự án chào hàng, giá chào bán nhà thấp tầng dao động trên dưới 200 triệu đồng/m2.
Trong vai khách hàng đầu tư, PV được anh Nguyễn Hoàng Nam, môi giới dự án tư vấn: Dự án này ngoài tích hợp gần 100 tiện ích nội khu, nó còn được hưởng lợi nhờ nằm trên trục đại lộ Tây Thăng Long rộng tới 60m, dẫn thẳng đến trung tâm hành chính mới phía Tây thành phố và kết nối tới các quận trung tâm. "Trong năm nay, đoạn đường 2km từ Tây Tựu đến dự án sẽ được hoàn thành, rút ngắn thời gian di chuyển từ dự án đến quận Tây Hồ", anh Nam nói.
Ngay ngã tư giao giữa đường Lê Quang Đạo và Mễ Trì (Nam Từ Liêm), dự án The Matrix One đang được chủ đầu tư Mik Group triển khai giai đoạn 2. Chủ đầu tư cho biết, The Matrix One giai đoạn 2 với tổng diện tích gần 1,6ha, gồm 2 tòa tháp cao 37 và 44 tầng, dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường 975 căn hộ cao cấp trong năm nay, phần nào "giải cơn khát" nhà ở phía Tây Hà Nội.
Dự án The Charm An Hưng (Hà Đông) cũng ra hàng với 38 căn nhà thấp tầng, 2 tòa chung cư cao 30 tầng với 592 căn hộ. Chủ đầu tư, Công ty Cổ phần đầu tư đô thị An Hưng cho biết quỹ hàng ra 3 đợt của The Charm An Hưng với tổng 165 căn thanh khoản đạt 100%. Giá bán căn hộ dự án này từ 75 - 85 triệu đồng/m2, theo mặt bằng chung của thị trường.
Thị trường phía tây Hà Nội dự báo cũng sẽ có thêm nguồn cung mới đến từ các dự án như: The Nelson Private Residences, The Victoria Smart City, Kepler Tower.
Giao thông rút ngắn không gian đô thị
Song song với tăng trưởng về nguồn cung, nhu cầu mua nhà ở, giá bán bất động sản phía Tây Hà Nội cũng tăng theo thời gian. Theo kết quả khảo sát mới đây của Property Guru Việt Nam, 41% số người được hỏi cho biết họ có nhu cầu mua nhà để ở. 86% số người tham gia khảo sát cho biết họ mua sản phẩm sơ cấp tại các dự án mới thay vì mua hàng thứ cấp.
Tổng hợp số liệu của Property Guru Việt Nam cũng cho thấy, quý I/2021 giá rao bán bất động sản khu vực Tây Hà Nội trung bình 49 triệu đồng/m2, thì quý IV/2024 đã lên 88 triệu đồng/m2. Giá này dự báo tiếp tục tăng trong năm 2025.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho biết giai đoạn 2022 - 2023, căn hộ phía Tây Hà Nội áp đảo về nguồn cung và giao dịch. Trong đó, các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy luôn dẫn đầu thị trường về thị phần với khoảng 30% toàn thị trường. Đồng thời, đây là khu vực có nguồn cung văn phòng lớn nhất Thủ đô, với 50% thị phần, tương đương 873.700m2.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội đang hưởng lợi từ xu hướng giãn dân ra vùng ven, dịch chuyển trung tâm kinh tế - hành chính mới. Đặc biệt, hạ tầng giao thông như: Đại lộ Thăng Long, đường 32, đường Tây Thăng Long, Vành đai 3, Vành đai 4... mở rộng không gian đô thị, góp phần giúp thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội trở nên sôi động.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, nhận xét khu vực phía Tây Thủ đô vẫn sẽ là tâm điểm phát triển của Hà Nội trong thời gian sắp tới.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE, chi nhánh Hà Nội, nhìn nhận trong khoảng thời gian từ 10 - 15 năm trở lại đây, thị trường bất động sản phía Tây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ một khu vực hoang vu, hạ tầng thiếu kết nối, trở thành trung tâm mới rất sầm uất, đông đúc với sự xuất hiện của hàng loạt tòa nhà cao tầng. Các tòa nhà văn phòng và các tòa nhà chung cư hỗn hợp, khu nhà ở thấp tầng hiện hữu, diện mạo bất động sản phía Tây vẫn đang tiếp tục hình thành ở các quỹ đất còn lại.
Cũng theo bà An, với sức hấp dẫn về giá, cùng với mạng lưới hạ tầng ngày càng được đẩy mạnh và hoàn thiện, đây là khu vực còn nhiều tiềm năng phát triển và gia tăng về giá trong 3 - 5 năm tới.
Quy hoạch thủ đô thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đề xuất Thủ đô có hai thành phố trực thuộc là thành phố Khoa học và Đào tạo Hòa Lạc và thành phố phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh.
Hà Nội đề xuất nghiên cứu hình thành thêm hai thành phố: Thành phố du lịch ở khu vực Sơn Tây - Ba Vì và thành phố sân bay phía Nam ở Phú Xuyên - Ứng Hòa khi có sân bay thứ hai vùng Thủ đô.
Trước mắt, Hà Nội sẽ ưu tiên thành lập thành phố phía Bắc và phía Tây, hai thành phố còn lại sẽ được nghiên cứu hình thành thêm. Các thành phố này được coi là vùng phát triển đặc thù, nên cần cơ chế riêng biệt, bao gồm mô hình chính quyền đô thị với thể chế đặc thù.
Hiện nay, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang làm thay đổi diện mạo của phía Tây thành phố như đường cao tốc Láng - Hòa Lạc hiện hữu, trục Tây Thăng Long, Vành đai 3,5, Vành đai 4...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận