Đô thị

Hà Nội: Nhiều nút giao có cầu vượt vẫn tắc, vì sao?

27/10/2020, 06:11

Nhiều chuyên gia cho rằng, để các cầu vượt phát huy hiệu quả, Hà Nội cần có quy hoạch đồng bộ thay vì “tắc đâu giải quyết đó” như hiện nay.

img
Sau khi cầu vượt được xây dựng, áp lực giao thông tại nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt đã giảm đáng kể

Hà Nội vừa đưa vào khai thác nhiều cây cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm giúp kéo giảm ùn tắc nội đô. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để các dự án này phát huy hiệu quả, Hà Nội cần có quy hoạch đồng bộ thay vì “tắc đâu giải quyết đó” như hiện nay.

Bớt khổ khi có cầu vượt

7h35 sáng 19/10, có mặt tại nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong khung giờ cao điểm, mật độ phương tiện từ đường Nguyễn Văn Huyên sang đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài và đường Hoàng Quốc Việt khá lớn, song không xảy ra ùn tắc.

Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, trước đây ngã tư Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt luôn có lượng phương tiện tham gia giao thông rất cao, thường xuyên ùn ứ. Lực lượng chức năng chốt trực phải bố trí ít nhất 2 - 4 chiến sĩ CSGT và công an khu vực mới có thể điều tiết được.

“Sau khi cầu vượt cạn Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt được đưa vào khai thác (tháng 8/2020), luồng phương tiện từ đường Nguyễn Văn Huyên sang đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài được thông suốt. Người dân thay vì phải dừng chờ 4 - 5 nhịp đèn đỏ, chỉ cần dừng một nhịp đèn là qua được nút giao”, Đại úy Chinh nói.

Hai năm qua, lưu thông trên trục đường Yên Phụ - Nghi Tàm, người dân trên địa bàn Thủ đô cũng gần như đã “quên” cảnh cứ bước vào giờ cao điểm sáng - chiều, dòng phương tiện từ đủ mọi hướng lại nhúc nhích, tranh giành nhau từng mét đường để không phải “chôn chân” tại ngã tư An Dương - đường Thanh Niên. Đó là nhờ việc cầu vượt cạn tại nút giao này được thông xe.

Theo Thiếu tá Tạ Ngọc Khánh, Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên là 1 trong 8 công trình cấp bách nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.

“Hạ tầng cầu vượt không chỉ xóa bỏ xung đột tại ngã tư, tăng sự thông thoát của trục đường kết nối ra sân bay Nội Bài mà việc hạ cốt đê Yên Phụ, mở rộng mặt đường để đồng bộ với công năng khai thác của cầu vượt đã tạo điều kiện cho phương tiện từ các cửa khẩu Hồng Hà đi ra không phải lên dốc hay xuống dốc, hạn chế được các vụ va chạm giao thông do cản trở tầm nhìn”, Thiếu tá Khánh nói.

Vẫn bộc lộ nhiều bất cập

img
Tình trạng ùn ứ trên đường Nghiêm Xuân Yêm vẫn tồn tại sau khi đường Vành đai 3 dưới thấp qua hồ Linh Đàm được đưa vào khai thác do xung đột tại các điểm giao cắt chưa được xử lý

Trái với sự thông thoáng ở cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt và Yên Phụ - Nghi Tàm, dù đầu tháng 10/2020, TP Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng cầu vượt qua hồ Linh Đàm với mục tiêu giảm tải cho khu vực phía Nam, tuy nhiên, sáng 21/10, trực tiếp lưu thông qua đây, hình ảnh PV chứng kiến vẫn là cảnh hỗn độn, ùn ứ nghiêm trọng trong khung giờ cao điểm (7h30).

Thời gian tới, các khu đô thị, chung cư khu Ngoại giao đoàn, Tây Hồ Tây đi vào hoạt động, lưu lượng phương tiện đổ ra từ đường Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Huyên sẽ tăng đột biến. Để chủ động giải quyết nguy cơ ùn tắc, Đội CSGT số 6 đang nghiên cứu, đề xuất Sở GTVT Hà Nội xem xét, xén dải phân cách giữa đường Hoàng Quốc Việt vào thời điểm thích hợp để tăng diện tích giao thông, đảm bảo sự thông thoát của phương tiện.
Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội)


Các phương tiện từ hướng đường Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ đổ vào liên tục xung đột với dòng xe chuyển hướng tại điểm quay đầu đối diện đường Bằng Liệt.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) thừa nhận, sau khi thông xe cầu vượt đường Vành đai 3 dưới thấp qua hồ Linh Đàm, tình trạng ùn ứ tại khu vực vẫn xuất hiện vào giờ cao điểm sáng - chiều ở cả hai hướng đường.

Theo Trung tá Tuấn, việc ùn ứ này xuất phát từ hai nguyên nhân: Điểm quay đầu gây xung đột với hướng đi thẳng (hướng về Khuất Duy Tiến), việc phân chia làn đường tại nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ (hướng đường Giải Phóng chưa hợp lý) khi số làn cho phương tiện đi thẳng quá nhiều, trong khi số làn dành cho xe rẽ trái lại quá ít gây ra tình trạng tranh giành làn đường.

“Đội CSGT số 14 đã xây dựng phương án kiến nghị Phòng CSGT Hà Nội đề xuất với cơ quan chức năng thực hiện điểu chỉnh tổ chức giao thông tại khu vực này”, Trung tá Tuấn nói.

Đánh giá về hiệu quả đầu tư xây dựng các dự án cầu vượt cạn trên địa bàn TP Hà Nội, TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Chuyên gia JICA cho rằng, trong bối cảnh quỹ đất dành cho giao thông tại Hà Nội đạt tỷ lệ thấp, việc đầu tư xây dựng cầu vượt tại các nút giao là chủ trương đúng, mang lại hiệu quả rõ rệt khi xung đột giao thông được kéo giảm.

Tuy nhiên, theo TS. Đức, vẫn còn không ít cầu vượt chưa phát huy hiệu quả, ùn tắc vẫn xảy ra. Về lâu dài, việc hình thành mạng lưới cầu vượt, giao thông trên cao hay giao thông ngầm muốn phát huy hiệu quả thì phải có quy hoạch “dài hơi”, mà việc này Hà Nội đang thực hiện chưa hiệu quả.

Việc thiếu quy hoạch làm nảy sinh các nút giao thông bị chồng chéo nhiều tầng, trong đó, nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến hay cầu vượt qua hồ Linh Đàm là minh chứng.

“Thực tế đó đòi hỏi các đô thị lớn như Hà Nội phải có tầm nhìn để hình thành quy hoạch chi tiết cả trên cao và dưới thấp. Quá trình xây dựng quy hoạch phải có giải pháp xử lý bất cập với các công trình hiện hữu nhằm tránh lãng phí, phát huy hiệu quả tối đa của hạ tầng giao thông đã được đầu tư”, TS. Đức nói.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cũng nhìn nhận, các dự án cầu vượt Thanh Niên - An Dương, cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, đường Vành đai 3 đi bằng qua hồ Linh Đàm… đều là các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 được UBND thành phố thực hiện từng bước.

Sau khi các dự án được đưa vào khai thác sử dụng, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục theo dõi và tùy thuộc vào hiện trạng giao thông xung quanh khu vực, Sở GTVT sẽ đề xuất liên ngành nghiên cứu xén dải phân cách mở rộng lòng đường, điều chỉnh tổ chức giao thông các nút giao thông xung quanh khu vực (điều chỉnh chu kỳ đèn, tổ chức cho các phương tiện rẽ phải quay đầu hạn chế giao cắt tại nút…) để phát huy hiệu quả hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.