Tin từ Cục Hàng hải VN cho biết, hai dự án đóng tàu từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025 có tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang được tích cực triển khai.
Đối với dự án đóng mới một tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư đã được khởi công ngày 28/12/2022.
Hình ảnh mô phỏng tàu chuyên dụng phục vụ tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ.
Nhà thầu được lựa chọn là Công ty TNHH MTV 189. Dự án có thời gian hoàn thành 18 tháng, có tổng mức đầu tư khoảng 423 tỷ đồng. Hiện nay, nhà thầu đang triển khai công tác thiết kế công nghệ và thi công các block (các đoạn khối để lắp ráp con tàu).
Tàu cứu nạn đóng mới có chiều dài toàn phần 63,8m, chiều rộng 10,2m, tổng dung tích 958GT, trọng tải toàn phần 395 DWT. Tàu được thiết kế để có thể chứa được 20 thuyền viên, cùng 20 người là lực lượng cứu nạn và y bác sĩ có thể cứu được 100 người bị nạn trên biển.
Tàu sẽ được trang bị cho Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải VN để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển, chỉ huy hiện trường trong những vụ việc phức tạp, tàu có khả năng hoạt động dài ngày trên biển, có tầm hoạt động trên 3.000 hải lý.
Bên cạnh đó, tàu sẽ giúp Trung tâm thực hiện tốt hơn các hoạt động huấn luyện, chữa cháy, lai dắt và hỗ trợ hoạt động của tàu thuyền trên biển; hỗ trợ các hoạt động ứng cứu, tràn dầu; hỗ trợ công tác an toàn, an ninh hàng hải và tham gia bảo vệ môi trường biển.
Trong khi đó, dự án đầu tư 2 tàu tiếp tế, kiểm tra trên biển khu vực Trường Sa, các đảo xa bờ khu vực phía Nam và các đảo xa bờ khu vực phía Bắc cũng đang được nhà thầu triển khai công tác thiết kế công nghệ và thi công các block.
Dự án đóng 2 tàu tiếp tế kiểm tra trên biển khu vực Trường Sa, các đảo xa bờ khu vực phía Nam và đảo xa bờ khu vực phía Bắc có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)
Theo Cục Hàng hải VN, dự án này do Công ty TNHH MTV đóng tàu Hồng Hà đảm nhận thi công, đã được khởi công ngày 23/12/2022 và dự kiến hoàn thành trong 18 tháng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng và trong năm 2023, dự án được bố trí vốn hơn 233 tỷ đồng.
Trong đó, tàu tiếp tế, kiểm tra trên biển và các đảo xa bờ khu vực phía Bắc có chiều dài lớn nhất 46,66m; chiều rộng lớn nhất 12,5m; chiều cao mạn 5,2m; chiều chìm thiết kế 3,6m. Tàu có trọng tải toàn phần 580 tấn và có thể chứa 15 thuyền viên và 12 hành khách. Vận tốc khai thác của tàu là 12 hải lý/h. Tàu trang bị hai máy chính với công suất mỗi máy là 895KW.
Với tàu tiếp tế, kiểm tra trên biển khu vực Trường Sa và các đảo xa bờ khu vực phía Nam có các thông số kỹ thuật lớn hơn. Tàu có chiều dài lớn nhất 71,4m; chiều dài thiết kế 66,8m; chiều rộng lớn nhất 13,5m; chiều cao mạn 6,8m; chiều chìm thiết kế 4,8m.
Trọng tải toàn phần của tàu 1.696 tấn và có thể chứa 24 thuyền viên cùng 50 hành khách. Vận tốc khai thác của tàu là 13 hải lý/h. Tàu được trang bị 2 máy chính với công suất mỗi máy là 1.864 KW.
Tàu sẽ thực hiện các nhiệm vụ như cung cấp, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu cho các đèn biển, luồng hàng hải. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của các đèn biển, luồng hàng hải, cũng như kết hợp thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh biển đảo, bảo vệ môi trường biển, tìm kiếm cứu nạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận