Xã hội

Hạn chế Nhà nước thu hồi đất, để người dân và doanh nghiệp tự thương lượng

03/11/2022, 12:34

ĐBQH Trần Hoàng Ngân kiến nghị hạn chế tối đa dự án Nhà nước đứng ra thu hồi đất, để các dự án KTXH cho người dân và nhà đầu tư tự thương lượng.

Bảng giá đất sát với thị trường sẽ hạn chế tham nhũng đất đai

Ngày 3/11, tiếp tục kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho hay, trước đây khung giá đất do nhà nước áp đặt ý chí chủ quan nhưng theo dự thảo luật sẽ có bảng giá sát với thị trường. Đó là tiến bộ của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

img

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội)

Nếu thực hiện được như trong dự thảo luật sẽ xóa bỏ được bất cập hiện nay, hạn chế tham nhũng do giá đất thấp hay khiếu kiện do đền bù không thoả đáng.

“Tham nhũng về đất đai xảy ra cũng chính vì giá đất thấp. Hay như khiếu kiện, nếu bảng giá sát với thị trường sẽ không còn khiếu kiện do được đền bù thỏa đáng”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, đại biểu này bày tỏ băn khoăn về vấn đề thu hồi đất, hiện có 2 phương thức thu hồi, một là nhà nước đứng ra quyết định thu hồi, hai là doanh nghiệp và người dân thỏa thuận. Trong dự thảo lần này, vẫn tồn tại 2 phương thức trên.

Tuy nhiên, để nhà đầu tư thỏa thuận với người dân, đại biểu cho rằng "nghe có vẻ như đảm bảo lợi ích của người dân". Tuy nhiên, thực tế nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao vọt hơn hẳn khi do nhà nước thu hồi vì mục đích an ninh quốc phòng, xảy ra bất bình đẳng và sinh ra khiếu kiện.

"Việc này chắc chắn xảy ra trong tương lai. Như vậy có sự bất bình đẳng giữa 2 phương thức thu hồi đất", ông Cường nói. Chưa kể, có sự bất bình đẳng giữa người dân đang sử dụng đất và chủ đầu tư được chuyển nhượng.

Đại biểu Cường lấy ví dụ, người dân có đất nông nghiệp có quy hoạch thành đất ở, nhưng bản thân người dân không được chuyển đổi sang đất ở, nhưng nhà đầu tư "nhảy vào" mua 1,2 triệu/m2 và được chuyển đổi sang đất đô thị và bán 4,5 triệu/m2, chỉ cần có thêm 1 con đường. Quy định này tạo ra bất bình đẳng và đương nhiên xảy ra khiếu kiện.

Hai là, về giá đất, ghi rõ giá đất phù hợp với giá trị thị trường, đại biểu đồng tình với quy định này. Tuy nhiên, cần có thêm một điều về thuế, gồm thuế điều tiết giá trị gia tăng, thuế điều tiết đầu cơ, ôm đất và thuế trong điều tiết hành vi như để đất mà không sử dụng.

Về hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp, dự thảo luật quy định, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân. Đại biểu cho rằng, con số 15 lần là cảm tính, không có căn cứ.

"Như chuyển nhượng đất nông nghiệp ở Đà Lạt trồng rau sạch chỉ cần chuyển nhượng 3 lần đã thành tỷ phú, đại gia nhưng ở trung du miền núi lại không có ý nghĩa gì. Do đó, không có căn cứ nào và phi lý", ông Cường nêu ví dụ.

Từ đó, cho rằng không nên quy định về hạn mức chuyển nhượng, nhưng với người muốn sử dụng nhiều đất nông nghiệp thì giao đất trong hạn điền, còn nhiều hơn là thuê đất. Khi đó, không còn đầu cơ đất.

Đề xuất đưa ra một mặt bằng giá đền bù đất

img

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM)

Cũng băn khoăn về quy định thu hồi đất trong dự thảo luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Theo ông Ngân, việc thu hồi đất trên thực tế vừa qua đã gây bức xúc trong người dân liên quan đến vấn đề giá bồi thường.

Ông Trần Hoàng Ngân dẫn chứng, một khu đất của người dân quy hoạch làm công viên, thì thu hồi đất, đền bù với giá thấp hơn. Trong khi đó, một khu đất kế bên được quy hoạch sử dụng cho mục đích xây dựng nhà ở thương mại, thì đền bù mức giá cao hơn.

"Hai khu đất gần nhau, nhưng quy hoạch mục đích sử dụng khác nhau, có mức giá đền bù chênh lệch rất lớn, thiệt cho người dân có đất", ông Trần Hoàng Ngân nói và đề xuất có thể đưa ra một mặt bằng giá để đảm bảo quyền lợi cho người dân

Vị đại biểu TP. HCM đề nghị rà soát quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với từng trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, để đảm bảo quyền của người dân theo Hiến pháp và pháp luật.

Ví dụ, dự thảo luật quy định "việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", là rất gian nan.

Hay dẫn điều 86 về "thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" đưa ra rất nhiều loại dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi, trong đó có cả dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn, nhà ở thương mại, dự án lấn biển, dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn... dễ dẫn đến việc thu hồi sẽ khó khăn và không đảm bảo quyền lợi người dân.

Từ đó, ông Ngân kiến nghị dự thảo luật hạn chế tối đa những dự án Nhà nước đứng ra thu hồi đất, để các dự án kinh tế, xã hội cho người dân và nhà đầu tư tự thương lượng theo giá thị trường. Ngoài ra, chỉ xem xét thu hồi đất nông nghiệp và hạn chế đến mức tối đa thu hồi đất phi nông nghiệp của dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.