Y tế

Hàng loạt bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai “dứt áo ra đi” vì đâu?

14/04/2021, 20:56

Áp lực công việc tăng, thu nhập giảm... là những lý do khiến nhiều cán bộ y tế "dứt áo ra đi" khỏi Bệnh viện Bạch Mai.

img

Bệnh viện Bạch Mai thời điểm phong tỏa ngừng đón bệnh nhân vì Covid-19

Theo chia sẻ của 1 cán bộ mới nghỉ việc ở Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu tháng 3/2021, cơ chế tại đây thay đổi. Theo đó, nhân viên y tế phải làm việc nhiều hơn, áp lực hơn nhưng tổng thu nhập lại giảm hơn trước.

Ngoài ra, một số bác sĩ cho biết việc họ xin nghỉ việc là do không đồng tình với cách quản lý của người đứng đầu...

Trước thông tin trên, ngày 14/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, TS. BS. Đoàn Thu Trà, Phó giám đốc Trung tâm Truyền nhiễm, cho biết: “Vì sao lại nghỉ nhiều như vậy? Câu hỏi này cũng được đặt ra trong Đại hội cán bộ công nhân viên chức. Thực tế, trong thời gian qua có 221 người thôi việc và chuyển việc. Cùng thời điểm này, BV tiếp nhận 506 người có trình độ chuyên môn, và nhiều người có học hàm, học vị Tiến sĩ, PGS.; BSKCI...

Việc kiện toàn tổ chức và nhân sự, tái cơ cấu là việc phải làm khi bệnh viện chuyển sang tự chủ hoàn toàn. Do vậy, sau khi kiện toàn và sáp nhập, đã có một số vị trí thực sự không cần thiết, cần tinh giản".

Dẫn ví dụ từ chính Trung tâm Truyền nhiễm, bà Trà cho biết: "Thông thường hàng năm chúng tôi cũng có cán bộ xin nghỉ vì lý do gia đình, hoặc tìm được nơi có lương cao hơn hay bất kỳ lý do nào khác. Ví như lương bác sĩ ở đây trung bình khoảng 20-30 triệu đồng, nhưng có viện tư mời chào trả lương hơn 100 triệu đồng. Ngay cả Trung tâm tôi đây, cũng có một số bạn xin đi vì mức lương chỉ khoảng 30 triệu đồng nhưng chuyển sang nơi mới mức lương là 7 nghìn đô.

Có người xin nghỉ còn vì áp lực công việc với yêu cầu chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, có điều dưỡng không chịu được vì phải chăm sóc người bệnh từ việc đổ bô, gội đầu, tắm rửa… Họ mong muốn môi trường làm việc ít áp lực hơn, thoải mái hơn”.

Nói về một số cán bộ cốt cán, lãnh đạo khoa phòng cũng xin nghỉ trong thời gian qua như PGS.BS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa chống nhiễm khuẩn, bà Trà cho biết: "Cũng có thể do thời dịch dã nhiều áp lực, lương thấp nên BS. Hùng xin nghỉ. Khi họ cảm thấy mệt mỏi thì họ tìm một cơ sở bớt áp lực hơn. …

Bên cạnh đó, cũng có khó khăn về nguồn tài chính, điều này liên quan đến giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ; cơ cấu giảm số giường nằm ghép, giảm giường dịch vụ, giá xã hội hóa được đưa về giá BHYT… Doanh thu năm 2020 của bệnh viện giảm khoảng 2 nghìn tỷ. Và hệ lụy kéo theo là thu nhập của các nhân viên, cán bộ y tế giảm. Điều này cũng nằm trong tình hình chung của nhiều đơn vị khác trong thời kỳ dịch Covid-19".

Tuy nhiên bà Trà khẳng định: “Trong 1 năm Bạch Mai đi vào tự chủ toàn diện, các khoa phòng có thay đổi theo hướng tích cực, trước đây phải nằm ghép nhưng giờ gần như không phải nằm ghép, bệnh nhân được chăm sóc toàn diện... các hoạt động cũng quy củ, kỷ luật hơn”.

Còn theo ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin bệnh viện nợ lương là không đúng, các khoản lương cứng, thưởng vẫn như trước từ tiền 2/9 đến tiền Tết. Chỉ có giảm thu nhập tăng thêm tùy khoa, công việc, tùy vào vị trí việc làm, khối có thu và không có thu. Đây là điều tất yếu trong bối cảnh chung của mùa dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, bệnh viện cố gắng tối đa đảm bảo kinh tế tối thiểu cho cán bộ qua việc hỗ trợ thêm từ nguồn Quỹ bảo trợ.

"Bệnh viện Bạch Mai đã được Chính phủ cho phép thí điểm tự chủ toàn diện. BV cũng đã được Bộ Y tế thành lập Hội đồng quản lý, giao nhiệm vụ quản lý điều hành cho Hội đồng quản lý cũng như Ban Giám đốc bệnh viện. Thông tin hơn 200 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có những người là GS, TS tại đây đã chuyển công tác và thôi việc đã được BV báo cáo lên Bộ. Lãnh đạo Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh cần thiết có thể tổ chức các đoàn kiểm tra làm việc với lãnh đạo bệnh viện để phân tích kỹ nguyên nhân”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.