Đường sắt

Hàng nghìn nhân viên đường sắt mất việc, mừng phát khóc khi nhận hỗ trợ

01/09/2021, 21:11

Tàu khách dừng chạy trên toàn mạng lưới, tàu hàng giảm sút vì dịch Covid-19, hàng nghìn người lao động đường sắt lâm cảnh khốn khó…

Hàng nghìn lao động phải nghỉ việc

Chia sẻ với PV Báo Giao thông từ Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Thu Vân (Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội) cho biết: “Cả gia đình 6 người thì cả 6 người dương tính Covid-19. Bố tôi mất rồi, mẹ thì đang hôn mê sâu, phải điều trị tích cực. Vợ chồng tôi không có việc hàng tháng nay, hết sạch tiền. May mà được công đoàn các cấp, đơn vị và các đồng nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài ngành giúp đỡ kịp thời”.

Là nhân viên của Trạm Kinh doanh dịch vụ tổng hợp, do không có tàu khách nên chị Vân phải tạm hoãn hợp đồng từ tháng 4/2021. Chồng chị là lao động bốc vác tự do ở ga nên công việc, thu nhập cũng thất thường.

Nhà thì vẫn phải đi thuê, hai con còn nhỏ. Bố mẹ chị đã về hưu từ lâu, bố chị bị suy thận, phải chạy thận, rất tốn kém. Số tiền ít ỏi dành dụm được đã chi để chạy thận cho bố và chi tiêu dè xẻn những tháng không có việc.

img

Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN Mai Thành Phương trao hỗ trợ cho các trường hợp người lao động khó khăn, phải nghỉ việc vì dịch thông qua công đoàn các đơn vị

“Đến khi cả nhà phải đi cách ly, chỉ còn chưa đến 1 triệu đồng, tôi thực sự không biết xoay xở ra sao. Khi tôi báo cáo đơn vị, ngay trong ngày hôm đó tôi đã được Công đoàn tổng công ty chuyển khoản hỗ trợ 3 triệu đồng, công đoàn đoàn tiếp viên hỗ trợ thêm 2 triệu đồng. Tôi mừng đến phát khóc, mấy ngày sau tôi lại nhận được sự hỗ trợ từ mọi người do đoàn tiếp viên kêu gọi.

Vì thế tôi mới có tiền để mua thuốc men, dịch truyền chữa chạy cho mẹ, vì tốn kém lắm, mất gần 2 triệu đồng/ngày. Nhân đây, gia đình chúng tôi xin cảm ơn tấm lòng của các cấp lãnh đạo, công đoàn, các đồng nghiệp”, chị Vân nghẹn ngào nói và cho biết thêm, hiện sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe vợ chồng chị và hai con đã tiến triển tốt hơn.

Ông Phan Hải Cường, Chủ tịch Công đoàn Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội cho biết, chị Vân chỉ là một trong hàng nghìn lượt CBCNV của đơn vị phải nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên do ảnh hưởng dịch Covid-19.

“Chỉ tính riêng tháng 9/2021, do không có tàu, đơn vị đã phải thỏa thuận tạm hoãn với hơn 690/769 CBCNV. Ngay cả phó giám đốc đơn vị cũng phải tạm hoãn hợp đồng lao động luân phiên”, ông Cường cho hay.

Ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN cho biết, thống kê trong toàn ngành, con số này là hơn 5.500 lượt người lao động phải nghỉ việc trong đợt bùng phát dịch thứ 4. Những người này chủ yếu ở các công ty vận tải đường sắt do tàu khách dừng chạy hoàn toàn từ 25/8 trên toàn mạng lưới; tàu hàng Bắc - Nam bắt đầu giảm sút, người lao động không có việc làm.

“Theo số liệu chưa chính thức, toàn ngành Đường sắt đã có hơn 60 trường hợp F0, hàng trăm trường hợp F1. Nhưng nhiều người ở khu vực phong tỏa, hoặc phải tự cách ly, điều trị tại nhà tại TP.HCM nên chưa có giấy xác nhận để được hỗ trợ theo quy định. Vì vậy, đến nay chúng tôi mới hỗ trợ được hơn 20 trường hợp F0”, ông Phương nói và cho biết đang hướng dẫn các đơn vị nhanh chóng tìm cách thực hiện các thủ tục liên quan để hỗ trợ người lao động kịp thời.

img

Nhóm thiện nguyện đường sắt hỗ trợ gạo cho người lao động khu vực TP.HCM

Dòng tiền cạn kiệt, không còn nguồn hỗ trợ người lao động

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho hay, vận tải đường sắt đang rất khó khăn, dòng tiền thiếu trầm trọng, các loại quỹ để cầm cự 2 năm qua cũng đã cạn kiệt, nên không thể hỗ trợ người lao động từ nguồn này.

“Chúng tôi phải triển khai phương án tạm hoãn hợp đồng lao động đối với cả CBCNV Công ty Mẹ, gồm cơ quan tổng công ty, các chi nhánh ga, các chi nhánh đầu máy. Theo đó, từ 1/9 đến 31/12/2021, chúng tôi vận động khoảng 25% người lao động khối gián tiếp tạm hoãn, kể cả cấp phó trưởng ban, phó giám đốc chi nhánh. Còn đối với lao động trực tiếp thì tùy theo đặc điểm, chức năng đơn vị, chức danh và đặc điểm tuyến vận tải để sắp xếp. Theo phương án dự kiến, giai đoạn này sẽ tạm hoãn hợp đồng với hơn 1.600 lượt lao động”, ông Mạnh cho hay.

Ông Mạnh cho biết, người lao động vận tải đường sắt khó khăn như vậy do phải dừng tàu nhưng lại không tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 68. Lý do, điều kiện để được hỗ trợ là người lao động phải nghỉ việc do doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tàu khách buộc phải dừng là do thực hiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch, mặt khác nhiều địa phương có văn bản đề nghị tàu không đón, trả khách tại địa phương.

“Người lao động đường sắt phải nghỉ việc cũng là do ảnh hưởng dịch, nên họ xứng đáng được hưởng hỗ trợ này, nghỉ dưới 1 tháng cũng được khoảng 1,7 triệu đồng, trên 1 tháng được khoảng 3,7 triệu/người. Đây là khoản tiền rất đáng kể đối với người lao động trong hoàn cảnh khó khăn dịch bệnh hiện nay. Nhưng đưa hồ sơ ra địa phương không được duyệt”, ông Mạnh nói.

Cũng theo ông Mạnh, doanh nghiệp vận tải muốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để duy trì, phục hồi sản xuất, trong đó có trả lương cho người lao động cũng không được vì điều kiện để vay là phải có quyết toán thuế năm 2020. Trong khi đó, thông lệ cơ quan thuế thường quyết toán 2-3 năm/lần.

Để hỗ trợ cho người lao động phải nghỉ việc, do không còn nguồn nên chúng tôi phải huy động từ nguồn của Công đoàn Đường sắt VN. Ngoài ra, chúng tôi cũng phát động ủng hộ mang tính cá nhân trong và ngoài ngành để có nguồn hỗ trợ người lao động.

Về phía Công đoàn Đường sắt VN, ông Mai Thành Phương cho biết đã vận dụng mọi nguồn theo hướng dẫn của Tổng liên đoàn LĐVN để hỗ trợ người lao động như: Hỗ trợ người lao động là F0, F1; Người lao động phải nghỉ việc do ảnh hưởng dịch; Các tập thể ở khu phong tỏa, phải thực hiện 3 tại chỗ. Chỉ tính từ tháng 6/2021 đến nay, đã có gần 1.000 lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng.

“Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng phối hợp với chuyên môn vận dụng linh hoạt các nguồn lực để hỗ trợ cho người lao động bằng hiện vật như các trang thiết bị y tế phòng dịch, các nhu yếu phẩm”, ông Phương nói.

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết đang báo cáo cấp có thẩm quyền xin vay 800 tỉ đồng bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt để duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động. Nguyên nhân do 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, Tổng công ty dự kiến lỗ hơn 2.200 tỉ, như vậy chỉ còn khoảng gần 1.000 tỉ vốn chủ sở hữu, nhưng lại ở tài sản, không phải tiền mặt. Riêng năm 2021 dự kiến lỗ 942 tỷ đồng.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.