Tập đoàn vận tải lớn nhất Hàn Quốc và thứ 7 thế giới vỡ nợ, lo ngại ảnh hưởng kinh tế toàn cầu |
Khó có thể ngóc dậy
Ngày 31/8, Tập đoàn Vận tải Hanjin lớn nhất Hàn Quốc và đứng thứ 7 thế giới nộp đơn xin phá sản và được Tòa án Trung ương Seoul chấp thuận. Theo đó, tập đoàn này vẫn thực hiện nốt các đơn hàng cũ bình thường; nhưng ngừng nhận đơn vận tải mới trong khi tòa tìm cách thanh lý tài sản để trả cho các chủ nợ. Tòa án Seoul sẽ sớm quyết định liệu tài chính của Hanjin có thể thanh khoản hoặc có thể sống sót sau khi tái cơ cấu hay không, theo thông báo của Hanjin.
Tuy nhiên, ông Rahul Kapoor, Giám đốc Công ty Tư vấn hàng hải Drewry Financial Research Services cho rằng: “Không giống như vận tải hàng hóa đường bộ, vận tải đường biển dựa phần lớn vào niềm tin và tiếp thị quảng cáo. Vì thế, chúng tôi chưa chứng kiến bất cứ hãng vận tải đường biển cỡ lớn nào có thể gượng dậy sau khi tuyên bố phá sản. Mất mát lớn nhất của Hanjin lúc này là niềm tin nơi khách hàng, vì vậy khó có khả năng tập đoàn này có thể đứng lên từ tro tàn”.
Sự sụp đổ của một trong những hãng vận tải lớn nhất thế giới là minh chứng cho hiện tượng domino (phản ứng chuỗi) các hãng vận tải liên tiếp sụp đổ trong bối cảnh ngành vận tải toàn cầu chật vật vì cung vượt cầu và kinh tế suy thoái. Sau khi thông tin phá sản được công bố, ngày 5/9, cổ phiếu của Hanjin tụt dốc 30%.
Ước tính, mỗi ngày Hanjin vận chuyển khoảng 25.000 container đi khắp nơi trên thế giới. Hanjin vận chuyển 3% số container trên toàn cầu, chiếm 10% lượng hàng hóa được vận tải trên tuyến vận tải đường biển châu Á, 10% trên tuyến vận tải đường biển châu Âu.
Việt Nam cũng là một trong những nước thuê tàu của Hanjin. Lượng vận tải của hãng này chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa trên thị trường Việt Nam. Tại Mỹ, hãng này cũng chiếm 7% thị trường vận tải. Để bảo vệ tàu thuyền và các tài sản khác không bị chủ nợ thu giữ, Tập đoàn Hanjin có kế hoạch nộp đơn xin bảo vệ phá sản tại 10 nước trên thế giới bao gồm: Canada, Đức, Anh. Trước đó, Hanjin đã thực hiện thủ tục này tại Tòa án Phá sản Mỹ. Tới đây, Hanjin muốn mở rộng quy mô bảo vệ ở nhiều nhất là 43 nước, trong thời gian sớm nhất có thể.
Giá cước vận tải tăng vọt 50%
Tập đoàn Hanjin sụp đổ ảnh hưởng không chỉ tới ngành logistics quốc tế mà còn tác động xấu tới nhiều ngành xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản và đồ gỗ… Vì lo ngại họ không thể trả phí, nhiều cảng biển lớn trên thế giới bao gồm các cảng tại Thượng Hải và Hạ Môn (Trung Quốc), Valencia, Tây Ban Nha và Savannah “cấm cửa” các tàu của Hanjin. Riêng ở các cảng tại Los Angeles và Long Beach của Mỹ, ba tàu container của Hanjin dài 213 - 335m phải “bơ vơ” ngoài khơi hoặc neo đậu ở cách xa cảng. Hiệp hội Bán lẻ Liên bang Mỹ đánh giá, khả năng sẽ có “hàng triệu đô-la” hàng hóa bị mắc kẹt.
Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) hoạt động trên hơn 60 tuyến vận tải biển toàn thế giới với 140 tàu chở hàng và tàu container, vận tải hơn 100 triệu tấn hàng/năm. Do nhu cầu vận tải giảm, cung vượt quá cầu, Hanjin làm ăn thua lỗ, nợ đầm đìa lên tới 1,2 nghìn tỷ won (tương đương 1 tỷ USD). Từ sau khi công bố thua lỗ liên tiếp từ năm 2011 đến năm 2014, hãng bị thắt chặt tín dụng. Kể từ tháng 5/2016, hãng này phải thực hiện chương trình tái cơ cấu do chủ nợ đưa ra... |
Hơn nữa, Hanjin dừng hoạt động ngay giữa mùa xuất khẩu nhộn nhịp nhất của châu Á khiến các bên giao nhận hàng hóa cùng các hãng vận tải chật vật tìm hãng thay thế và chắc chắn sẽ phải chấp nhận mức giá "cắt cổ" vì gấp rút. Bà Nina Luu, Đại diện một hãng nhập khẩu chăn, hàng dệt có trụ sở tại California cho biết, khi các vấn đề tài chính của Hanjin được công bố, nhiều hãng vận tải lập tức thông báo tăng giá. “Đúng là một ngày điên cuồng, giá cả vô cùng xấu”, bà Luu nói. Theo bà, sự việc này sẽ khiến giá vận tải đường biển tăng cao, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ông Nerijus Poskus, Giám đốc phụ trách giá và cung ứng cho công ty giao nhận hàng, môi giới khách hàng Flexport - có trụ sở tại San Francisco cho biết, chỉ trong một ngày kể từ khi thông tin được công bố, giá vận tải một container cao 12m từ Trung Quốc đến Mỹ tăng vọt 50%. Cũng theo ông này, hôm 2/9, giá vận tải từ Trung Quốc đến các cảng bờ Tây tăng từ 1.100 USD/container lên 1.700 USD; Giá vận tải từ Trung Quốc đến bờ Đông của Mỹ tăng từ 1.700 USD/container lên 2.400 USD/container. Ông nhận định, giá tăng một phần vì sắp đến ngày lễ của Trung Quốc - Golden Week (Tuần lễ Vàng) nhưng chủ yếu là do Hanjin nộp đơn xin phá sản. Vị giám đốc dự đoán, giá cả sẽ còn tăng cao kéo dài trong 1 - 2 tháng tới.
Bên cạnh những tác động tiêu cực, sự ra đi của một ông lớn trong ngành vận tải phần nào giúp giảm tình trạng cung vượt quá cầu mà ngành vận tải biển toàn cầu đang phải đối mặt. Nhiều chuyên gia logistics dự báo năm nay ngành vận tải biển toàn cầu sẽ thua lỗ khoảng 5 tỷ USD vì công suất cung vẫn còn thừa khá nhiều so với cầu.
Chủ tịch Hanjin bỏ tiền túi khắc phục hậu quả Sau khi Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu công ty mẹ của Tập đoàn Hanjin phải mạnh tay hơn nữa để giúp công ty này thoát khỏi khủng hoảng, ngày 6/9, Tập đoàn Hanjin tuyên bố sẽ chi 90 triệu USD; Trong đó có 36 triệu USD từ tài sản cá nhân của Chủ tịch Tập đoàn Cho Yang-ho, giúp giải quyết tình hình gián đoạn, tiếp tục vận chuyển nốt những đơn hàng đang thực hiện. Ngày 7/9, theo Bloomberg, Thẩm phán Tòa án Phá sản của Mỹ - ông John K Sherwood quyết định bảo đảm tài sản cho Tập đoàn Vận tải Hanjin tại Mỹ trong khi chờ hãng này tái cơ cấu, ngăn chủ nợ bắt giữ tài sản, tàu thuyền... để siết nợ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận