Thông điệp này ngắn gọn, hàm súc và có giá trị cảnh báo cũng như nâng cao nhận thức xã hội, trong bối cảnh tai nạn giao thông (TNGT) tuy hàng năm có giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Bình quân mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 20 người chết và 30 người bị thương do TNGT, trong đó có nhiều trẻ em.
Điểm lại sẽ thấy, phần lớn các vụ TNGT đều do lỗi chủ quan của người lái xe, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tốc độ lưu thông trên cao tốc.
Tại các đô thị cũng vậy, tuy tốc độ lưu thông trung bình không cao nhưng nhiều lái xe do thiếu ý thức vẫn gây ra tai nạn.
Ở Hà Nội và TP.HCM – hai đô thị lớn nhất nước – tình trạng lưu thông luôn ở mức độ nguy hiểm. Tranh nhau vượt, lạng lách, chen lấn… rất phổ biến, mặc dù ai cũng nằm lòng khẩu hiệu "chậm một giây hơn gây tai nạn" hay "nhanh một giây, chậm cả đời".
Từ 1/10, các tỉnh thành trên cả nước đồng loạt ra quân xử lý học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy đến trường. Kết quả cho thấy số học sinh vi phạm rất lớn.
Theo Cục CSGT, 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có 1.147 vụ TNGT liên quan đến học sinh, làm chết 436 em, bị thương 1.222 em, tăng 3,6% số vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng TP.HCM, 10 tháng đầu năm có 145 vụ TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, làm 19 em chết, 78 em bị thương.
Tại Hà Nội, cô gái dừng chờ đèn đỏ bị đoàn đua xe tông chết hôm 3/11 là sự việc chấn động, là hồi chuông cảnh báo cho những người phóng xe quá tốc độ, vì sở thích quái đản mà tước đoạt sinh mạng người khác. 20 người – trong đó có người vị thành niên, còn ở tuổi đi học – đã bị khởi tố. Hẳn giờ đây ở nơi giam giữ, họ rất ân hận.
"Hãy đi chậm lại vì tương lai trẻ thơ" mới chỉ là thông điệp. Để biến thông điệp đó thành nhận thức và hành động của toàn xã hội hẳn còn nhiều việc phải làm. Người lớn trong gia đình phải làm gương cho con cái, nhắc nhở con hàng ngày và không giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện cầm lái. Ở trường học, cần có các buổi sinh hoạt lồng ghép đưa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào học đường.
Ở phương diện khác, các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… cũng cần thiết kế mô hình tuyên truyền phù hợp với đối tượng của mình, đặc biệt chú trọng các nền tảng mạng xã hội.
Ngành văn hoá cần huy động những người nổi tiếng vào cuộc vì họ có ảnh hưởng nhất định đến giới trẻ. Các báo, đài và những cơ quan truyền thông, với thế mạnh của mình, cần sáng tạo nội dung tuyên truyền phù hợp để đưa thông điệp trên thực sự trở thành nhận thức của cộng đồng…
Khi mọi người, mọi giới, mọi ngành trong xã hội cùng vào cuộc, thì thông điệp "Hãy đi chậm lại vì tương lai trẻ thơ" mới thực sự phát huy tác dụng; mới giảm đi số người chết và thương vong do TNGT. Có như vậy, hàng năm ngày tưởng niệm nạn nhân TNGT mới bớt đau thương hơn!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận