Pháp đình

Hé lộ nguyên nhân hàng loạt vụ án oan gây chấn động

10/04/2015, 19:44

Việc thu thập dấu vết, tài liệu chứng cứ và việc lập hồ sơ vụ án hình sự còn nhiều thiếu sót, vi phạm...

nguyenthanhchan-baophapluat_RBVD
Trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, vieecj khám nghiệm hiện trường và thu thập chứng cứ đã có sai sót

Đó là nhận định được Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp, Phó trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Văn Hiện nêu ra trong ngày 10/4, khi trình bày báo cáo Kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó trưởng đoàn Giám sát Nguyễn Văn Hiện cho biết, những loại án thường dẫn đến oan chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không bắt quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, phần lớn các địa phương trong nhiều năm chưa phát hiện thấy trường hợp nào làm oan người vô tội, kể cả những nơi mặc dù có lượng án rất lớn. Tuy nhiên, có một số địa phương tuy số lượng án không nhiều nhưng lại để xảy ra một số vụ làm oan nghiêm trọng như Sóc Trăng, Bình Phước, Bình Thuận, Bắc Giang.

“Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây được phát hiện, đều đã được khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên cũng có trường hợp bị oan chưa được xử lý kịp thời” – ông Hiện trình bày.

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát, một trong những nguyên nhân chính được cho là dẫn đến một số vụ án oan chấn động dư luận là do thiếu sót, vi phạm trong thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án.

Cụ thể như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bị kết án oan về tội giết người, cướp tài sản là do quá trình khám nghiệm hiện trường có thu giữ dấu chân nhưng không tiến hành giám định dấu vết chân này để truy nguyên cá biệt, xác định chính xác người có mặt tại hiện trường (sau này giám định lại thì không phải là dấu chân của ông Chấn mà đó chính là dấu chân của hung thủ Lý Nguyễn Chung), bỏ qua chứng cứ ngoại phạm khác rất quan trọng là tại thời điểm xảy ra vụ án có 02 nhân chứng xác nhận ông Chấn còn bấm giùm điện thoại cho người khác gọi. Sau 10 năm, đến nay ông Chấn mới được minh oan.

Vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội ”Giết người” và “Tội cướp tài sản”. Quá trình điều tra không có nhân chứng, không thu thập được dấu vết, vật chứng. Nén được xác định dùng dây thừng siết cổ bà Bông nhưng sợi dây mà CQĐT thu giữ được lại là sợi dây khác.

Hai dấu vết chân có kích thước khác nhau thu được tại hiện trường, giám định không trùng với kích thước dấu chân của Nén. Các lời khai của Huỳnh Văn Nén mâu thuẫn lúc nhận tội, lúc không nhận tội trong khi Nén khai bị mớm cung, nhục hình ngay từ khi bị bắt; phạm nhân Nguyễn Phúc Thành có đơn tố giác người khác phạm tội còn Nén bị oan từ năm 2000 nhưng không được xem xét, giải quyết. Vụ án này, năm 2014 đã phải giám đốc thẩm, hủy án để điều tra lại từ đầu.

Vụ Lê Bá Mai (Bình Phước) bị kết án về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”, sai sót trong quá trình khám nghiệm hiện trường đã không tổ chức nhận dạng nạn nhân để xác định người bị giết có phải là cháu Út hay không; thu giữ đồ vật, tài sản không có lệnh của người có thẩm quyền, việc ghi biên bản mô tả đồ vật, tài sản thu giữ thiếu chính xác, dùng từ ngữ thể hiện tùy tiện làm cho cùng một vật chứng lại có cách hiểu khác nhau.

Điều tra viên ký vào biên bản lấy lời khai của nhiều cán bộ. Việc ghi lời khai nhân chứng có những chi tiết quan trọng lại không đúng với lời khai. Vụ án này không oan, nhưng do quá trình điều tra ban đầu có sai sót, vi phạm này dẫn đến vụ án phải xét xử đi, xét xử lại đến 7 lần, gần 10 năm mới kết thúc, gây dư luận xã hội không tốt.

ho-duy-hai
Quá trình khám nghiệm hiện trường vụ án Hồ Duy Hải được cho là cũng có thiếu sót

Vụ Hồ Duy Hải (Long An) bị kết án về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân vụ như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án thì đã bị thất lạc không tìm lại được.

Việc lấy chiếc ghế khác để làm "vật chứng" thay cho chiếc ghế phản ánh trong Biên bản khám nghiệm hiện trường là ấu trĩ không đáng có dẫn đến hoài nghi về tính khách quan của kết quả điều tra. Không xác định thời gian chết của hai nạn nhân, kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án còn đơn giản thiếu chặt chẽ.

Có nhân chứng nhìn thấy một thanh niên ngồi trong phòng nạn nhân Hồng có đặc điểm (mặt tròn, da sáng, tóc cắt ngắn) tương đồng với đặc điểm của Hồ Duy Hải nhưng không được tổ chức nhận dạng. Đây là những thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng mà gia đình Hải và luật sư dựa vào đó để kêu oan cho Hải.

Vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) bị kết án tử hình về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản” đang có nhiều đơn kêu oan. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án cho thấy Chưởng bị kết tội cùng các đồng phạm Trung và Hoàng về hai tội giết người và cướp tài sản là đúng, đủ căn cứ, không oan. Tuy nhiên vai trò của Chưởng như thế nào trong tội giết người như Chưởng có bàn bạc và có hành vi giết bị hại hay không chưa rõ. Đây là căn cứ rất quan trọng cần được làm rõ để quyết định hình phạt tương xứng với tính chất hành vi, vai trò của Chưởng trong tội giết người.

Vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”, ngoài lời khai nhận của bị can, quá trình điều tra như khám nghiệm hiện trường không thu thập được dấu vết, chứng cứ khác về hành vi hiếp dâm, giết người; chưa làm rõ thời gian chết và việc sử dụng thời gian của bị can, chứng cứ trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn… năm 2014, TANDTC giám đốc thẩm, hủy án để điều tra, xét xử lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.