Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 ở châu Á
Hiện diện tại hơn 90 quốc gia trên thế giới, Tập đoàn Herbalife do Mark R. Hughes thành lập năm 1980, trụ sở chính tại Los Angeles (Mỹ). Việt Nam là thị trường thứ 71 của Herbalife, hoạt động chính thức tháng 11/2009.
Herbalife Việt Nam có có trụ sở chính tại số 26, đường Trần Cao Vân, quận 3, TP.HCM. Công ty hoạt động theo mô hình đa cấp, với các sản phẩm chính là thực phẩm chức năng chuyên về bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ làm đẹp, giảm cân và chất bổ dùng trong thể thao.
Theo báo cáo tài chính tập đoàn, doanh thu thuần của Herbalife Việt Nam trong năm 2023 đạt 279 triệu USD, giảm 6,7% so với năm 2022. Tính bằng nội tệ, doanh thu thuần giảm 4,9%.
Công ty này cho biết tỷ giá hối đoái đã tác động bất lợi khoảng 5,2 triệu USD lên doanh thu thuần. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đưa ra một số lo ngại về các thách thức của thị trường như sức cầu tiêu dùng giảm, cạnh tranh gay gắt… Dù vậy, Việt Nam vẫn là thị trường lớn thứ 3 của của Herbalife tại châu Á - Thái Bình Dương, khi doanh thu chỉ đứng sau Ấn Độ (796 triệu USD) và Trung Quốc (327 triệu USD).
Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 của Herbalife tại châu Á - Thái Bình Dương.
Nhìn lại giai đoạn trước đây, năm 2020, doanh thu của Herbalife Việt Nam đã vượt mốc hơn 212 triệu USD và luôn tăng trưởng tốt từ đó. Doanh nghiệp đa cấp này đạt mức doanh thu 272 triệu USD vào năm 2021 và gần 300 triệu USD vào năm 2022.
Sang năm 2023, doanh số bán hàng của Herbalife tại Việt Nam và hầu hết các thị trường khác trong khu vực đều giảm. Tập đoàn này cho biết việc sụt giảm do nhu cầu thị trường và hình thức bán hàng theo phương thức tiếp cận trực tiếp đang dần kém hiệu quả sau Covid-19. Hiện nay, các công ty trong khu vực đều đã tăng giá sản phẩm để khắc phục vấn đề này.
Trong gần 15 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Herbalife luôn báo doanh thu hàng trăm triệu USD với mức tăng trưởng 10-30%, song hãng này cũng liên tục dính nhiều lùm xùm và vi phạm khiến người tiêu dùng lo ngại. Năm 2016, Herbalife Việt Nam từng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt 25 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm thức uống Beauty Powder Drink - hương cam không phù hợp với nội dung được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Cùng năm đó, Herbalife Việt Nam còn bị Cục Quản lý cạnh tranh xử phạt 50 triệu đồng do vi phạm hoạt động bán hàng đa cấp tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp không có trụ sở chính khi chưa có xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động của Sở Công thương.
Năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) xử phạt Herbalife Việt Nam 140 triệu đồng do quảng cáo đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng của sản phẩm và không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng quy tắc hoạt động.
Đến năm 2022, cơ quan quản lý này tiếp tục xử phạt hãng 350 triệu đồng do vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp không đúng với giải trình kỹ thuật khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Ngoài ra, Herbalife Việt Nam cũng không tuân thủ quy tắc hoạt động đã đăng ký, thực hiện không đúng quy định về việc cấp thẻ thành viên cho người tham gia bán hàng đa cấp và không thực hiện đúng việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp.
Lợi nhuận tập đoàn giảm 55%
Tập đoàn Herbalife báo cáo doanh thu quý IV/2023 là 1,2 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; lãi ròng 10,2 triệu USD.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu Herbalife đạt 5,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp chỉ ở mức 142,2 triệu USD, giảm mạnh 55,7% so với năm 2022.
Lợi nhuận của Tập đoàn Herbalife sụt giảm mạnh trong năm 2023.
Đối với từng thị trường, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đóng góp doanh thu lớn nhất cho Herbalife với hơn 1,7 tỷ USD, tăng 1,6% so với năm 2022. Đứng thứ hai là khu vực Bắc Mỹ với doanh thu thuần 1,13 tỷ USD cho năm 2023, giảm 10,4%. Trong đó, phần lớn doanh thu của nhóm này đến từ Hoa Kỳ với 1,1 tỷ USD.
Đứng vị trí thứ 3 và thứ 4 lần lượt là khu vực EMEA (Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi) và Mỹ Latin với doanh thu lần lượt là 1,07 tỷ USD và 820 triệu USD.
Trong số sản phẩm bán ra của tập đoàn năm 2023, dòng thực phẩm chức năng hỗ trợ kiểm soát cân nặng đóng góp hơn 56% tổng doanh thu với 2,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với năm 2022. Bên cạnh đó, 2 dòng sản phẩm chủ lực khác của Herbalife là dinh dưỡng và hỗ trợ vận động thể thao cũng chiếm 40% với doanh thu lần lượt là 1,48 tỷ USD và 560 triệu USD.
Kết thúc năm 2023, tổng mức chi tiêu vốn, bao gồm cả chi tiêu liên quan đến nền tảng công nghệ kỹ thuật số Herbalife One là khoảng 135 triệu USD. Công ty dự kiến sẽ huy động tổng vốn chi tiêu khoảng 145-195 triệu USD cho cả năm 2024.
Theo Mordor Intelligence, thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu sẽ tăng từ 186,22 tỷ USD năm 2023 lên 212,85 tỷ USD vào năm 2028, với tỷ suất tăng trưởng hằng năm là 2,71%. Trong giai đoạn 2022-2028, nhu cầu về các dòng sản phẩm dinh dưỡng sẽ tăng cao trong khi thực phẩm chức năng trong lĩnh vực thể thao dần trở thành phân khúc lớn nhất. Điều này sẽ thúc đẩy doanh thu toàn cầu của các tập đoàn lớn trong ngành như Herbalife, Doppelherz, DHC…
Thanh Thắng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận