Lãi ròng của Heineken giảm hơn 14%
Theo Forbes, xu hướng này đang bị ảnh hưởng bởi nhận thức ngày càng tăng về các nguy cơ sức khỏe sau dịch Covid-19 cũng như việc thế hệ trẻ đang dần sử dụng ít đồ uống có cồn hơn.
Thế hệ Gen Z ngày nay đang uống rượu bia ít hơn 20% so với thế hệ Millenials (gen Y) do những lo ngại về sức khỏe và những thay đổi về hành vi tiêu dùng. Hơn nữa, những thay đổi về pháp lý và quy định nhằm hạn chế các hành vi uống rượu có hại cũng góp phần làm giảm nhu cầu.
Tại Mỹ, nhu cầu sử dụng bia đã giảm đáng kể trong năm 2023 khi doanh số đạt mức thấp nhất trong 24 năm. Với việc doanh giảm hơn 5%, Hiệp hội bán buôn bia Mỹ cho rằng 2024 là một năm khó khăn với các thương hiệu lớn được ưa chuộng như Coors Light, Miller Light và Bud Light.
Trong khi đó, một ông lớn như Heineken cũng gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 khi doanh thu đạt 36,3 tỷ euro, lợi nhuận hoạt động kinh doanh ở mức 3,2 tỷ euro – giảm 24,6%.
Kết thúc năm 2023, Heineken ghi nhận lãi ròng 2,3 tỷ euro, giảm hơn 14% so với năm trước đó. Về sản lượng, hãng này giảm 4,7% trong cả năm 2023. Trong đó, Việt Nam và Nigeria chiếm hơn 60% mức giảm này.
Còn sản lượng bia cao cấp của Heineken cũng giảm 5,9%, chủ yếu từ Việt Nam và "cuộc đào thải" khỏi thị trường Nga. Tháng 7/2023, Heineken cũng từng dự báo về đợt sụt giảm trên với lý do kết quả kinh doanh ở châu Á bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, đặc biệt ở Việt Nam, một trong những thị trường lớn nhất của công ty.
Tại các thị trường khác như châu Phi – Trung Đông và châu Âu, sản lượng bia của Heineken trong năm 2023 cũng giảm mạnh, lần lượt là 11,5% và 7,5%.
Lợi nhuận Sabeco giảm 23%
Tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành bia rượu cũng đang phải chật vật khi kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Trong báo cáo tài chính mới đây, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết quý IV/2023, doanh thu thuần đạt 8.520 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ; lãi ròng 947 tỷ đồng, giảm 9%.
Lũy kế năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sabeco lần lượt đạt 30.706 và 4.255 tỷ đồng, giảm 13% và 23%.
Thị trường đồ uống có cồn miền Bắc cũng không có dấu hiệu khả quan hơn khi Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) kết thúc năm 2023 với doanh thu 7.757 tỷ đồng, giảm 7,6% và lợi nhuận 355 tỷ đồng, giảm 29%.
Công ty Bia Hà Nội - Hải Dương cũng vừa báo lỗ hơn 1,2 tỷ đồng trong quý IV. Cả năm 2023, công ty này ghi nhận lãi sau thuế 6 tỷ đồng, giảm gần 43% so với năm trước.
Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh sụt giảm là do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế suy thoái và thói quen người dùng sau khi Nghị định 100 có hiệu lực.
Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt nhận định, ngành đồ uống có cồn đã có một thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19 cũng như chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định 100. Ngoài ra, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đã khiến giá nguyên liệu ngành bia tăng phi mã. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20 - 30%.
Đổi mới để thích ứng với xu hướng mới
Trước việc doanh thu ngày càng sụt giảm, các doanh nghiệp rượu bia trên thế giới đang dần chuyển hướng sang những giải pháp mới như đồ uống không cồn hoặc nồng độ cồn thấp. Các công ty lớn bao gồm Heineken, AB InBev và Molson Coors bắt đầu cung cấp nhiều lựa chọn đồ uống không cồn nhiều hơn. Các thương hiệu nhỏ như Athletic Brewing, Seedlip đã sản xuất các loại bia không cồn.
Theo thống kê, ngành công nghiệp bia rượu có nồng độ cồn thấp và không cồn đã ghi nhận doanh số bán hàng tại chỗ đạt mức ấn tượng 3,1 tỷ USD vào năm 2021. Ở Anh, doanh số bán các loại bia này đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua.
Nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới là Anheuser-Busch InBev đã đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng đó là các loại bia có nồng độ cồn thấp và không cồn sẽ chiếm 1/5 tổng doanh thu vào năm 2025. Có thể không đạt được mục tiêu này, song tham vọng đó đã đánh dấu sự thay đổi trong cách tìm cách tiếp thị và quảng bá sản phẩm.
Kinh doanh đồ uống không cồn không chỉ là xu hướng nhất thời mà nó còn là một nguồn doanh thu mới sinh lời, có thể trị giá hơn 1,7 nghìn tỷ USD vào năm 2028. Theo một báo cáo của Mỹ, từ năm 2018 đến năm 2022, sản lượng đồ uống không cồn và ít cồn ở nước này đã tăng hơn gấp đôi. Ngành này được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, với dự báo mức tăng CAGR về sản lượng là 17% đối với sản phẩm không cồn từ năm 2022 đến năm 2027.
Những người không uống rượu bia ngày nay có nhiều sự lựa chọn hơn bao giờ hết về việc họ chọn thưởng thức các loại rượu bia không cồn. Các quán bar "khô" thân thiện với người tỉnh táo đã xuất hiện ở các thành phố, tạo ra không gian an toàn và hấp dẫn để thu hút nhóm khách hàng Gen Z - thế hệ đông dân nhất, với sức mua đang tăng lên, định hình thói quen tiêu dùng.
Khi giới trẻ ưa chuộng sự tỉnh táo, ngành công nghiệp rượu sẽ phải chấp nhận điều đó. Xu hướng mới đặt ra thách thức nhưng cũng là cơ hội không thể bỏ qua. Nếu các thương hiệu có thể chuyển trọng tâm sang sản xuất và tiếp thị nhiều sản phẩm không cồn, họ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một tương lai lành mạnh hơn.
Thanh Thắng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận