Triển khai đồng loạt hai dự án từ quý 2/2023
Chiều nay (15/9), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án cầu Rạch Miễu 2 và dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp về dự án cầu Rạch Miễu 2 và Tân Vạn - Nhơn Trạch chiều nay (15/9)
Cho rằng thời gian qua 4 địa phương hết sức quyết tâm chỉ đạo, phấn đấu bàn giao sớm mặt bằng cho hai dự án trọng điểm, song, theo Bộ trưởng, kết quả triển khai hiện nay vẫn rất khiêm tốn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Xác định mặt bằng là yếu tố then chốt quyết định đến tiến độ dự án, Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải tập trung hơn nữa, bàn giao mặt bằng sớm hơn cam kết.
“Công tác GPMB cho dự án cầu Rạch Miễu 2 phải chú trọng ưu tiên khu vực nền đất yếu. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chỗ cần xử lý trước thì chậm GPMB. Đối với vị trí đất yếu, ngay sau khi địa phương bàn giao công địa, Ban QLDA cần chỉ đạo nhà thầu huy động ngay thiết bị triển khai quy trình xử lý để đảm bảo tiến độ” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
“Đối với cầu Rạch Miễu, tỉnh Bến Tre cần cố gắng tập trung bàn giao mặt bằng sạch cho dự án trong tháng 11/2022. Những hộ dân có tính chất phức tạp phấn đấu trong tháng 12/2022. Hạ tầng kỹ thuật khó cố gắng giải quyết trong quý 1/2023.
Tỉnh Tiền Giang có tiến độ GPMB chậm hơn, điều kiện phức tạp hơn cần phấn đấu trình Bộ GTVT phương án GPMB trong tháng 10 hoặc tháng 11/2022. Bộ sẽ xem xét trong thời gian sớm nhất. Mục tiêu là cuối năm 2022, chậm nhất là đầu năm 2023, công tác GPMB phải hoàn thành”, Bộ trưởng nói.
Sốt ruột trước thực trạng kinh phí GPMB dự án cầu Rạch Miễu 2 dự kiến tăng hơn 1.100 tỷ đồng, Bộ trưởng Thể yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát lại chi phí GPMB, đơn giá đền bù, tái định cư, đơn giá đất đai, tính toán sát với thị trường, đặc biệt chú trọng đến những vị trí có giá đất tăng đột biến.
"Nếu việc điều chỉnh tuân thủ đúng theo quy định pháp luật, kế hoạch thu hồi đất của địa phương thế nào, Bộ GTVT sẽ điều chuyển đủ số vốn cho địa phương thực hiện.
Ban QLDA Mỹ Thuận cũng cần phối hợp với địa phương, tư vấn thiết kế khẩn trương đề xuất phương án điều chỉnh dự án theo hai hướng.
Hoặc là điều chỉnh trong tổng mức đầu tư đã được phê duyệt theo hướng thay đổi một số tiêu chí của phần kết cấu bù cho GPMB. Hoặc báo cáo Chính phủ, trường hợp Chính phủ đồng ý thì kiến nghị báo cáo Quốc hội bổ sung tăng vốn”, Bộ trưởng nói và yêu cầu riêng công trình cầu Rạch Miễu 2 phải khởi công trong năm 2022.
Chỉ đạo công tác triển khai dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, Tư lệnh ngành GTVT cũng đề nghị TP.HCM cố gắng giải quyết cơ bản mặt bằng cho dự án trong năm 2022, xử lý dứt điểm vướng mắc về mặt bằng trong 1/2023.
Về phía tỉnh Đồng Nai, các cấp có thẩm quyền cần sớm trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua việc bố trí cho công tác GPMB của dự án.
“Để đảm bảo tiến độ, hai tỉnh Đồng Nai và TP.HCM cần đặt lộ trình từ nay đến cuối năm 2022, bàn giao 70 - 80% mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án vào quý 1/2023.
Mục tiêu cuối cùng là cả dự án cầu Rạch Miễu 2 và Tân Vạn - Nhơn Trạch được bàn giao 100% mặt bằng sạch vào quý 1/2023 để triển khai đồng loạt các gói thầu, hạng mục từ quý 2/2023”, Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh.
Công trình cầu Rạch Miễu 2 được yêu cầu khởi công vào cuối năm 2022 - Ảnh minh họa
Hai dự án đều chậm GPMB
Trước đó, thông tin về tình hình triển khai các dự án, ông Đinh Mạnh Đức, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng CTGT cho biết, công tác GPMB của cả dự án cầu Rạch Miễu 2 và Tân Vạn - Nhơn Trạch còn chậm dù Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương và có nhiều văn bản đôn đốc.
Trong đó, tại dự án cầu Rạch Miễu 2, phía tỉnh Bến Tre mới bàn giao được 2,6/9,34km (đạt 27%). Tỉnh Tiền Giang mới bàn giao được 0,19/7,95km (gần 2%). Phạm vi bàn giao mặt bằng không liên tục, xôi đỗ gây khó khăn cho công tác tổ chức thi công.
“Về công tác giải ngân chi phí GPMB, tính đến nay, tỉnh Bến Tre đã giải ngân 280,57/457 tỷ đồng. Tỉnh Tiền Giang đạt 2,99/77 tỷ đồng”, ông Đức thông tin.
Khó khăn nhất đối với công tác GPMB dự án cầu Rạch Miễu 2 hiện nay là chi phí GPMB phát sinh khá lớn so với giá trị đã được duyệt.
“Theo báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận, khái toán sơ bộ, tổng chi phí GPMB của dự án dự kiến khoảng 2.400 tỷ đồng/1.279 tỷ đồng (đã bao gồm dự phòng), tăng khoảng 1.121 tỷ đồng (tỉnh Bến Tre khoảng 800 tỷ đồng/457 tỷ đồng, tăng 325 tỷ đồng; tỉnh Tiền Giang khoảng 1.600 tỷ đồng/822 tỷ đồng, tăng khoảng 788 tỷ đồng).
Nguyên nhân chủ yếu do giá đất bồi thường tăng từ 2-3 lần so với khung chính sách, vượt dự phòng của dự án là hơn 561 tỷ đồng (vượt hơn 559 tỷ đồng)”, ông Đức thông tin.
Đối với dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, theo lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT, hiện, toàn dự án đã bàn giao được 2.840m/8.220m (đạt 34,5%).
Trong đó, TP.HCM được 1.740m/1.920m, đạt gần 91% tuyến chính và tỉnh Đồng Nai được 1.100m/6.300m, đạt 17,5%.
“Về công tác giải ngân chi phí GPMB, tỉnh Đồng Nai đã bố trí được 88,2/651 tỷ đồng và giải ngân được 22,9/651 tỷ đồng (đạt 3,52%); TP.HCM đã bố trí vốn năm 2022 được 1.329/1599.4 tỷ đồng, đến nay chưa giải ngân”, ông Đức cho hay.
Công tác GPMB được yêu cầu hoàn thành chậm nhất vào quý 1/2023 để các gói thầu khởi công đồng loạt, đưa hai dự án cầu Rạch Miễu 2 và tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch về đích đúng hẹn vào năm 2025 - Ảnh minh họa
Địa phương tăng tốc
Thừa nhận tiến độ GPMB trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, vướng mắc chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý đối với chứng thư thẩm định giá bị chậm hơn 2 tháng do đơn vị tư vấn không đáp ứng điều kiện để thực hiện thẩm định.
“Đến nay, tỉnh Bến Tre đã hoàn thành thủ tục lựa chọn tư vấn mới, hoàn chỉnh chứng thư mới trình cấp có thẩm quyền xem xét. Mục tiêu đến tháng 11/2022, công tác GPMB sẽ cơ bản hoàn thành bàn giao công địa cho dự án cầu Rạch Miễu 2”, ông Cảnh nói.
Về phía tỉnh Tiền Giang, 3 lý do chính được ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn giải cho thực trạng GPMB chậm để phục vụ thi công dự án cầu Rạch Miễu 2.
“Thứ nhất, do hồ sơ bàn giao cột mốc và thực địa khác nhau, địa phương phải làm lại công tác hiện trường, thống nhất giữa các bên để việc kiểm kê, bồi thường được chính xác.
Thứ hai, theo khung chính sách dự án, số hộ ảnh hưởng là 772 hộ, song, khi kiểm đến lại là 963 hộ. Các cấp chức năng của tỉnh phải tổ chức kiểm đếm, làm lại hồ sơ.
Thứ ba, mật độ nhà ở và công trình khác dầy đặc nên việc kiểm đếm khó khăn, mất nhiều thời gian”, ông Trọng nói và cho biết thêm, hiện nay, phương án bồi thường GPMB trên địa bàn TP Mỹ Tho đã được gửi Bộ GTVT xem xét, công tác bồi thường, bàn giao mặt bằng dự kiến hoàn thành trong tháng 10 hoặc tháng 11/2022.
“Đối với mặt bằng dự án trên địa bàn huyện Châu Thành, chậm nhất vào tháng 12/2022 sẽ bàn giao toàn bộ cho nhà thầu thi công”, ông Cảnh cam kết.
Thông tin về tiến trình GPMB cho dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch trên địa bàn tỉnh, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, phạm vi GPMB trên địa bàn có tổng chiều dài 6.300m, tổng diện tích hơn 49ha. Trên toàn tuyến có 468 hộ dân và 222 suất tái định cư. Tổng kinh phí GPMB dự kiến 651 tỷ đồng
Đến nay, UBND huyện Nhơn Trạch hoàn thành xong công tác công tác kiểm kê, áp giá. Tư vấn đang thực hiện phê duyệt giá, dự kiến phê duyệt phương án GPMB vào đầu quý 4/2022.
“Nguồn vốn bố trí cho công tác GPMB hiện đạt 88,2 tỷ/651 tỷ. Huyện Nhơn Trạch đã chi trả đợt 1 là 22,9 tỷ cho 49 hộ với diện tích hơn 7,5 ha. Vốn chưa bố trí khoảng 563 tỷ đồng”, ông Đức nói, đồng thời cam kết, trong quý 4/2022, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện xong cơ bản công tác bồi thường GPMB, giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
Là địa phương có mặt bằng trong phạm vi dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết khó khăn nhất trong công tác GPMB hiện là có 29/96 hộ dân ảnh hưởng chưa tìm được chủ.
“Hiện, Thành phố đã chỉ đạo TP Thủ Đức tổ chức kiểm đếm, tiến tới tháng 11 chi trả đền bù cho các hộ dân và hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong quý 3/2022”, ông Lâm thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận