Lợi nhuận tăng cao, nợ có kế hoạch
Sáng nay (31/5), Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (MCK: HHV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Trực diện các vấn đề cổ đông quan tâm, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HHV một lần nữa khẳng định, thông tin HHV có dư nợ lớn và sắp phá sản là thiếu cơ sở và không chính xác.
"Đặc thù của các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông khác với doanh nghiệp thông thường, các dự án thường có quy mô đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Năm 2024, HHV đặt mục tiêu doanh thu tăng 17%, lợi nhuận tăng 11% so với năm 2023. Tính riêng quý 1/2024, doanh thu của HHV đạt 690 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư có hiệu lực, cơ cấu nguồn vốn tham gia dự án thường là vốn chủ sở hữu chiếm từ 10 - 15%, còn lại là vốn vay các tổ chức tín dụng.
Chỉ sau khi Luật PPP có hiệu lực, tỷ lệ vốn vay tổ chức tín dụng mới điều chỉnh giảm xuống. Đó là lý do dư nợ của các doanh nghiệp giao thông, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư nhiều dự án PPP như Đèo Cả lớn", ông Hùng nói.
Lãnh đạo HHV cũng khẳng định, trước khi quyết định cho doanh nghiệp vay vốn, phương án tài chính của dự án đã được các tổ chức tín dụng thẩm định kỹ càng, tài sản đảm bảo là quyền thu phí, lịch trả nợ theo dòng tiền thực tế.
"Nợ ở đây có kế hoạch, không phải trả bằng tài sản ngắn hạn mà đến từ dòng tiền tương lai. Việc nợ không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp", ông Hùng nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm tại đại hội, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HHV cho biết, nhiều năm qua, Đèo Cả đã đi vào những công trình khó, giải quyết các dự án phức tạp với phương châm xuyên suốt: Khát vọng - Kiên định - Tri ân.
"Khát vọng ở đây không phải là liều mạng mà dựa trên cơ sở hợp đồng. Khát vọng biến khó khăn thành hiệu quả. Nếu không có khát vọng và sự kiên định, những Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng rất khó có được kết quả tích cực như vừa qua.
Hay với dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dù triển khai trong điều kiện vô cùng khó khăn, song, Đèo Cả và HHV đưa dự án về đích đúng hẹn và ghi nhận hiệu quả tức thì.
Ngay ngày hôm qua, theo thống kê, doanh thu từ việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đạt hơn 1,5 tỷ đồng, vượt hơn 1,5 lần so với kế hoạch đặt ra (mỗi ngày doanh thu ít nhất 1 tỷ đồng)", ông Hoàng nói.
Đặt vấn đề HHV sẽ làm gì để phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông? Chủ tịch Hội đồng quản trị HHV cho biết, tới đây, HHV sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu chiến lược của ngành, kiên định đi trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, sau các công trình cầu, đường, hầm là đường sắt.
"Chúng tôi không thấy người ta làm bất động sản, cây xăng, trạm dừng nghỉ mà làm theo. Thay vì đó, HHV sẽ tiếp tục thực hiện phép cộng, hợp lực với nguồn vốn nhà nước, với các nhà đầu tư, cộng với ứng dụng công nghệ hiện đại; tối ưu hệ thống quản trị, nâng cao năng lực lãnh đạo để gia tăng sức mạnh, có được nhiều điểm sáng hơn nữa trên bức tranh hạ tầng giao thông đất nước", ông Hoàng nói.
Trước đó, thông tin kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc HHV cho biết, năm 2023, HHV ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2022.
Doanh thu hợp nhất đạt 2.686 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 364 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch. Đến 31/12/2023, tổng tài sản của HHV đạt hơn 36.780 tỷ đồng.
"Từ đầu năm 2023, HHV trúng thầu nhiều dự án với giá trị thi công xây lắp lớn. Doanh thu từ hoạt động thi công xây lắp đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với năm trước.
Cho đến nay, HHV đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt cho hơn 410km đường cao tốc và quốc lộ, hơn 30km hầm đường bộ và quản lý 18 trạm thu phí BOT trên cả nước. Doanh thu thu phí năm 2023 đạt hơn 1.573 tỷ đồng, tăng hơn 88,5 tỷ đồng (6%) so với cùng kỳ.
Năm 2023, HHV cũng thực hiện thành công phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, thu về gần 830 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của công ty lên hơn 4.116 tỷ đồng", ông Huy thông tin.
Hướng tới mục tiêu 200.000 tỷ đồng từ thi công xây lắp
Hoạch định chiến lược cho tương lai của HHV, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, bức tranh hạ tầng giao thông ở Việt Nam đến năm 2030 sẽ phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ đầu tư xây dựng 2.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 đầu tư xây dựng 2.362km đường sắt, 254km đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Đứng trước cơ hội đó, giai đoạn 2024 - 2030, mục tiêu HHV cùng Tập đoàn Đèo Cả đặt ra là nghiên cứu đầu tư hơn 400km đường cao tốc với các dự án như: Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng.
"Chúng tôi cũng chuẩn bị nguồn lực để "đi trước đón đầu" các dự án hạ tầng đường sắt với tổng mức đầu tư khoảng gần 60.000 tỷ đồng; Thi công, tiếp nhận quản lý vận hành các công trình đầu tư công và đầu tư PPP", ông Huy nói.
Riêng về hoạt động thi công xây lắp, theo lãnh đạo HHV, mục tiêu đặt ra là thi công các dự án đầu tư công và đầu tư PPP với tổng giá trị các gói thầu khoảng 200.000 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm của đội ngũ hơn 2.000 chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề... giai đoạn này, HHV cũng đặt mục tiêu tiếp nhận công tác quản lý - vận hành các công trình đầu tư công, khoảng 600 tỷ đồng/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận