Xã hội

Hiến đất làm cầu đường cho dân đi

25/01/2019, 08:00

Không màng đến thiệt thòi, anh Dương bắt tay xây dựng cầu vào những ngày đầu năm 2018 với mong muốn người dân hai thôn sớm có lại cây cầu.

img
Anh Nguyễn Thế Dương đứng trên cây cầu tự mình làm và chia sẻ về việc hoàn thiện đoạn đường theo hình thức giao thông nông thôn ở phía sau mình

Thấy người dân đi đường vòng, đường bờ kênh chật hẹp để ra QL37, anh Nguyễn Thế Dương (SN 1979, trú tại thôn Đại Thắng, xã Hoàng Lương, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã vay mượn hàng trăm triệu đồng, hiến đất để làm cầu, đường.

Phá thế độc đạo của xã

Những ngày cuối năm mưa rét, bà con xã Hoàng Lương vẫn dầm dưới nước lạnh để thu hoạch rau cần. Tại Hoàng Lương, có tới 85% số hộ dân tham gia gieo trồng và cung cấp cho toàn bộ các chợ đầu mối, siêu thị của toàn tỉnh Bắc Giang, nên hàng ngày, xe tải của thương lái từ QL37 tấp nập chạy vào con đường liên xã độc đạo đã xuống cấp khiến đoạn đường dài chừng 6km từ QL37 vào trung tâm xã vốn chật hẹp, bề mặt nham nhở ổ voi, ổ gà và bùn lầy càng thêm ùn ứ.

Mấy tháng nay, một số người dân xã Hoàng Lương đã vận chuyển rau bằng xe máy qua cây cầu bắc ngang kênh Đào và chạy vào đoạn đường đất rộng hơn 5m nối ra QL37, đoạn qua thôn Tam Hợp, xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa dễ dàng hơn. Đây là cây cầu và đoạn đường do anh Dương tự bỏ kinh phí, hiến đất để làm, chỉ cách QL37 chừng 160m.

Chính quyền địa phương rất ủng hộ việc hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông nông thôn tại đoạn đường của anh Dương và đã có kiến nghị cấp trên. Với đề nghị xây dựng một cây cầu mới, rộng lớn và kiên cố thì chưa được vì thực tế UBND xã cũng đã báo cáo, kiến nghị nhưng phải chờ vốn giai đoạn sau năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Quế
Chủ tịch UBND xã Hoàng Lương

“Trước đây, người dân xã Hoàng Lương muốn ra QL37 buộc phải đi đường liên xã đã xuống cấp, nhỏ hẹp dài 6km; hoặc vòng hoặc đi theo đường đê sang xã Thanh Ninh (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) với thời gian gần 30 phút cho khoảng cách 6km”, anh Dương cho hay.

Bản thân gia đình anh Dương sinh sống ở xã Hoàng Lương nhưng nhà ông bà lại ở bên xã Thanh Vân, hai nơi chỉ cách nhau đôi bờ kênh Đào khoảng chừng 200m, vậy mà cứ mỗi lần qua thăm nhau lại phải đi đường vòng gần 6km. Thấy gia đình mình cũng như bà con đi làm, đi học ở thị trấn khó khăn, nhất là lúc đêm hôm, khi nhà có người ốm, khi thời tiết mưa gió… anh Dương quyết định bỏ tiền túi để xây cầu, làm đường, mở đường tắt.

Ý tưởng ban đầu của anh Dương là xây cây tre bắc ngang kênh Đào để đi lại cho gần. Nghĩ là làm, thời điểm đó là mùa khô năm 2015, anh Dương bỏ tiền mua tre từ Thái Nguyên, tự tay cưa, ghép, mua cọc sắt đóng xuống lòng kênh làm trụ cầu. Hì hục nửa tháng, cây cầu tre bề mặt rộng nửa mét khá chắc chắn cho người đi bộ cũng hoàn thành. Lúc ấy, chi phí hoàn thiện cây cầu tre của anh Dương chỉ mất hơn 3 triệu đồng.

“Có cầu, bà con ai cũng hào hứng, đỡ phải đi đường vòng. Nhưng cầu chỉ có thể đi bộ, hoặc dắt thêm xe đạp, trải qua thời gian lại ọp ẹp, nên anh Dương quyết định làm cầu bê tông sắt thép kiên cố thay cho cầu tre đã được dựng gần 3 năm.

Để làm được cầu, cuối năm 2017, anh báo cáo lãnh đạo thôn, xã để nhờ hướng dẫn thủ tục, cam kết tự đứng ra lo kinh phí. Cũng phải mất một thời gian, sau khi xem xét kỹ, đơn vị quản lý kênh thủy lợi mới đồng ý cho anh làm cầu với điều kiện khi cơ quan Nhà nước tháo dỡ phục vụ nâng cấp, cải tạo hay xây dựng công trình trên kênh, anh không được nhận bất kỳ khoản bồi thường nào.

Không màng đến thiệt thòi, anh Dương bắt tay xây dựng cầu vào những ngày đầu năm 2018 với mong muốn người dân hai thôn sớm có lại cây cầu. Mặc dù không có bất kỳ động thái kêu gọi ai đóng góp hay yêu cầu gì nhưng theo anh Dương, từ khi bắt đầu khởi công, một số bà con trong xã đều chủ động ra phụ giúp vận chuyển vật liệu, có những người đến gặp anh ủng hộ đôi ba chục, vài trăm nghìn đồng với mong muốn cùng anh xây dựng và giữ gìn cây cầu.

“Chi phí để xây dựng chiếc cầu khoảng 90 triệu đồng, số tiền do người dân tự nguyện đóng góp khoảng 30 triệu đồng, phần còn lại gia đình tự bỏ. Cầu có 4 trụ bê tông chắc chắn, sắt trục 2 dầm, dài 18m, mặt cầu làm bằng thép chống trơn rộng 1,55m; hai bên lan can sắt hàn cố định để bảo đảm an toàn, chịu lực khoảng 3 tấn. Người đi xe máy chở gia súc, cá giống, rau cần đều đi qua dễ dàng”, anh Dương cho biết.

Hiến đất, chờ Nhà nước hỗ trợ

Dù đã làm cầu để bà con đi lại nhưng thấy con đường từ cây cầu của mình ra QL37 chỉ là “con trạch” nhỏ hẹp men theo bờ ruộng với bề mặt bùn lầy, trơn trượt chỉ đủ một chiếc xe máy đi qua. Lại một lần nữa, anh Dương quyết định bỏ ra 400 triệu đồng mua lại đất ruộng của bà con với diện tích hơn 1.000m2 và hiến 500m2 để làm đường nối giữa cầu và QL37. Hiện, anh Dương đã bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để san lấp tạo ra con đường đất dài 150m, rộng 6m. Lần này, số tiền trong nhà không đủ để mua đất, làm đường nên anh đã phải vay mượn nhiều nơi.

“Mất đất, mất tiền, phải vay mượn nhưng giúp gia đình mình, bà con mình đi lại thuận tiện, gần hơn thì tôi cũng không tiếc sức mình. Hiện, tôi muốn hiến đoạn đường và cây cầu của mình cho địa phương vào chương trình giao thông nông thôn với đề nghị Nhà nước hỗ trợ xi măng và tôi bỏ thêm 100 triệu đồng nữa để đổ bê tông với bề mặt rộng 3,5m, dày 20cm. Về lâu dài, cầu và đường của tôi chỉ là sự góp sức ban đầu, mong chính quyền quan tâm xây dựng 1 cây cầu chắc chắn hơn, đổ bê tông đoạn đường này để dân đi lại thuận lợi hơn”, anh Dương tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Lành (thôn Định Ninh, xã Hoàng Lương) cho biết, từ khi có cây cầu nối QL37 của anh Dương, gia đình chị đi lại thuận tiện hơn. Việc vận chuyển nông sản đi bán nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều. “Trước đây, giá rau cần chỉ bán được giá 5-6 nghìn đồng/cân thì nay đã được giá 8-9 nghìn đồng/cân, có cầu nên gia đình cũng chủ động đi chở bán”, chị Lành cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND xã Hoàng Lương, việc xây cầu, làm đường của anh Dương xuất phát từ tâm huyết kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho bà con trong xã để phát triển KT-XH. Trước khi thi công, anh Dương đều báo cáo, xin phép chính quyền và cơ quan quản lý thủy lợi để bảo đảm đúng quy trình, pháp luật, không gây hệ lụy phát sinh. Thực tế, cầu và đường của anh Dương đang mang lại hiệu quả rất lớn cho bà con trong việc đi lại và giao thương khi tuyến đường liên xã đã xuống cấp, nằm xa quốc lộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.