Quản lý

Hiến kế ngăn xe hợp đồng trá hình lộng hành

19/12/2023, 06:46

Tình trạng xe hợp đồng trá hình diễn biến phức tạp thời gian qua khiến Nhà nước thất thu thuế, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của các bến xe, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.

Tại tọa đàm "Quản lý xe hợp đồng, nâng chất lượng vận tải khách: Cần siết hay mở?", do Báo Giao thông tổ chức chiều 18/12, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Nhiều hệ lụy từ xe hợp đồng trá hình

Theo ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN, tình trạng xe hợp đồng trá hình diễn biến phức tạp thời gian qua khiến Nhà nước thất thu thuế, phá vỡ quy hoạch tuyến vận tải, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư của các bến xe, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông.

Hiến kế ngăn xe hợp đồng trá hình lộng hành - Ảnh 1.

Xe hợp đồng bắt khách ở khu vực gần bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: Tạ Hải.

Mỗi ngày, có hàng nghìn chuyến xe hợp đồng trá hình đón, trả khách, thu tiền như tuyến cố định. Những nhà xe này sử dụng nhiều hình thức để gom khách lẻ rồi lập thành danh sách cụ thể nhằm hợp thức hóa, giả mạo hợp đồng tour du lịch qua mặt lực lượng chức năng.

Trong khi cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa tìm được giải pháp quản lý hữu hiệu thì xe hợp đồng ngày càng phát triển, số lượng xe của loại hình này đang chiếm đến 70% xe vận tải khách.

Theo ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội, hiện các quy định quản lý kinh doanh vận tải xe hợp đồng tương đối rõ nhưng lại thiếu công cụ quản lý.

"Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản báo cáo Cục Đường bộ VN và đề xuất có phần mềm để chỉ ra các vi phạm của phương tiện, doanh nghiệp một cách rõ ràng, trên cơ sở đó, lực lượng TTGT, CSGT sẽ căn cứ vào để xử lý.

Ngoài ra, quy định gửi hợp đồng, danh sách hành khách về Sở GTVT trước chuyến đi cũng là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, một ngày có hàng nghìn hợp đồng gửi về khiến hệ thống mail của Phòng Quản lý vận tải bị quá tải", ông Tuyển nói và cho rằng, trong khi chờ các giải pháp công nghệ, trước mắt vẫn phải làm thủ công, dù mất sức người vẫn phải làm.

Đưa xe hợp đồng vào bến được không?

Trao đổi về vấn đề mới đây, Cục Đường bộ VN đề xuất Bộ GTVT cho xe hợp đồng trá hình vào bến nhằm làm tốt hơn công tác quản lý, ông Nguyễn Tuyển cho rằng, làm sao để các nhà xe muốn đăng ký vào bến, kéo được hành khách vào bến là điều cần tính đến: "Vừa rồi, nhiều đơn vị vận tải có nhu cầu vào bến sau khi các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm". 

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc điều hành Công ty du lịch và vận tải Vân Anh, xe hợp đồng không bị quản chế, chỉ cần có hợp đồng, ghi tên hành khách là có thể thực hiện chuyến đi ngay. Trong khi đó, xe cố định phải chịu quản lý, có vé, có giờ đi giờ đến. Khi xe hợp đồng nở rộ thì hành khách ít vào bến hơn.

"Nếu hỏi xe hợp đồng có muốn vào bến không, chắc chắn ai cũng muốn nhưng liệu bến xe của Hà Nội có đáp ứng được không? Vì khi 240.000 xe vào bến, chia cho các bến ở Hà Nội, chắc chắn không thể đủ", ông Dũng nêu.

Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm thông tin, tại bến xe Nước Ngầm có một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu riêng như: Văn Minh, An Phú Quý… hiện không bao giờ phải lo về khách.

Bổ sung thêm ý kiến, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, mong muốn của doanh nghiệp vận tải là hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Do đó, bài toán đặt ra không phải doanh nghiệp vận tải có vào bến hay không mà là khách có vào bến hay không.

"Cần làm rõ lý do vì sao xe hợp đồng phát triển. Vì đó là nhu cầu thực tế của người dân. Điều quan trọng là cần tìm phương pháp quản lý, nâng cấp chất lượng dịch vụ vận tải", ông Hải nói.

Tương tự, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát góp ý: "Siết hay mở là điều các cơ quan quản lý rất trăn trở. Nhưng nếu siết thì cũng cần đặt vấn đề, khi ấy việc đi lại của người dân có còn thuận lợi, giá vé có cao?".

Ông Bằng kỳ vọng, việc sửa đổi các văn bản liên quan tới đây sẽ tháo gỡ được khó khăn, giúp xe tuyến cố định có thể cạnh tranh bình đẳng với xe hoạt động theo hình thức hợp đồng.

Trong khi đó, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty Công nghệ An Vui cho rằng, việc đưa xe hợp đồng vào bến không phải giải pháp căn cơ vì doanh nghiệp hoạt động theo hiệu quả kinh tế. Ngày hôm nay họ có thể vào, nhưng ngày mai không hiệu quả họ sẽ tìm cách để ra.

Nhận diện rõ để có giải pháp

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN đặt vấn đề: Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, vận tải khách có 5 hình thức: Vận tải cố định, xe buýt, taxi, xe khách du lịch, xe hợp đồng.

Ông Quyền phân tích, hiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định chỉ doanh nghiệp hoặc hợp tác xã mới được đăng ký, các đơn vị này không được tự ý tăng chuyến theo cung cầu thị trường; Việc tăng, giảm chuyến phải báo cáo bến xe, Sở GTVT; Xe phải vào bến, thậm chí tăng giá vé cũng phải kê khai và báo cáo.

Trong khi xe hợp đồng chỉ cần có xe và phù hiệu là hoạt động, hộ kinh doanh cũng có thể tham gia loại hình này trong khi việc đảm bảo ATGT của hộ kinh doanh rất hời hợt.

Chưa kể câu chuyện thực hiện nghĩa vụ thuế, phí của đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng nhưng trá hình chở khách du lịch cũng đang gây tranh cãi.

Đề cập về cách thức thu thuế, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, cho biết, hiện chính sách thuế không phân biệt loại hình, theo nguyên tắc tự khai tự nộp, tự chịu trách nhiệm.

"Trong lĩnh vực GTVT, đối với những xe đã được cấp phù hiệu thì ngành thuế đang quản lý tốt vì có dữ liệu ngành GTVT.

Hiện, việc thu thuế cũng thuận lợi hơn thông qua việc phát hành hóa đơn điện tử. Khi áp dụng công nghệ, việc quản lý và thu thuế thuận tiện rất nhiều, gần như thu được 100%. Với lĩnh vực GTVT, hiện chỉ còn phần thuế thu nhập cá nhân với chủ phương tiện còn một số khó khăn", bà Lan nói.

Chế tài chưa đủ mạnh

Thiếu tá Trần Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội dẫn thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh xe hợp đồng sử dụng nền tảng mạng xã hội, website quảng cáo bán vé; Tìm đủ chiêu trò hợp thức hóa hợp đồng.

Các đối tượng cũng sử dụng văn phòng đại diện, điểm kinh doanh đặt giáp các bến xe, tuyến đường trọng điểm, huyết mạch để đón trả khách. qua mặt lực lượng chức năng. Để xử lý, lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian theo dõi, ghi hình, đấu tranh với hành khách đi xe.

Một khó khăn nữa là các chế tài về xử lý vi phạm còn chưa mạnh, đặc biệt là việc xử lý đối với những xe vi phạm nhiều lần. Ngoài ra, việc khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình hiện vẫn rất thủ công.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ

Chia sẻ về những sửa đổi trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô thời gian tới, ông Lương Duyên Thống cho biết, cùng với việc sửa đổi các quy định pháp luật, sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tập trung quản lý, xử lý xe hợp đồng vi phạm.

Hiện nay, dự thảo Nghị định 10 đã trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Thời gian tới, nếu vẫn thấy các quy định chưa phù hợp, việc lấy ý kiến góp ý, tiếp thu sẽ tiếp tục được tiến hành.

Cùng đó, dự kiến đến tháng 5/2024, Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ được thông qua, toàn bộ các nghị định, thông tư quy định về điều kiện kinh doanh vận tải sẽ tiếp tục có thay đổi, điều chỉnh.

Tại dự thảo Nghị định 10, Cục Đường bộ VN đã đề xuất: Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải có bộ phận đảm bảo ATGT; Bổ sung quy định thời gian thu hồi giấy phép kinh doanh, biển hiệu, phù hiệu.

Vừa qua, có tình trạng phù hiệu xe bị thu hồi nhưng doanh nghiệp không nộp lại mà vẫn tiếp tục hoạt động. Tới đây, sẽ bổ sung quy định các phương tiện này được cảnh báo đăng kiểm, tương tự như các xe vi phạm giao thông chưa chấp hành phạt nguội; Ngừng giải quyết thủ tục hành chính với doanh nghiệp chưa chấp hành nộp phù hiệu, biển hiệu.

Đồng thời, bổ sung việc thu hồi phù hiệu đối với xe vi phạm tốc độ 3 lần/ngày, tăng chế tài thay vì chỉ quy định thu hồi với phương tiện vi phạm tốc độ 5 lần/1.000km như trước đây.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.