Du khách hài lòng khi trải nghiệm du lịch ở Hoà Bình
Những ngày cuối tháng 10, lượng khách đến bến thuyền Thung Nai để tham quan du lịch vùng lòng hồ đã dần nhộn nhịp trở lại. Có người đến lần đầu, nhưng cũng có người thường xuyên đến đây để lên đền bà chúa Thác Bờ thăm quan chiêm bái và hành lễ.
Chị Trương Thị Hồng (ở Hà Nam) cho biết: Cảnh quan vùng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình rất đẹp mà đền bà chúa Thác bờ lại rất linh thiêng. Gần như năm nào mình cũng cùng anh em, bạn bè về đây hành lễ.
Nói về cảm nhận của mình với dịch vụ du lịch ở khu vực này, chị Hồng cho biết: Du lịch đặc trưng của vùng này là dạng du lịch sinh thái nên khi đến đây du khách thường tìm hiểu từ trước. Đa phần họ đến để thăm quan, nghỉ dưỡng hoặc hành lễ, còn nói về sự phong phú, đa dạng thì ở đây không thể so sánh được với các khu du lịch nổi tiếng trong nước được.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Bá Mạnh (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: Đến đây chủ yếu là trải nghiệm. Trải nghiệm đời sống người dân bản xứ, khám phá nét văn hoá Mường và thưởng thức các đặc sản đặc trưng nơi đây, như: cá sông Đà, gà đồi, lợn bản, trâu nấu lá lồm… Nói chung tôi rất thích nơi này, ở đây dịch vụ đầy đủ, giá cả bình dân, phong cảnh hoang sơ tự nhiên mà con người lại rất gần gũi, nhiệt tình và mến khách.
Theo tìm hiểu của PV, để tham quan du lịch và trải nghiệm ở đây, du khách không tốn nhiều tiền như các nơi khác. Đặc biệt có thể chủ động linh hoạt chọn các gói, các chương trình du lịch khác nhau. Ví như: gói đi tham quan trong ngày hoặc gói nghỉ dưỡng 2 ngày 1 đêm, hoặc kết hợp với gói tham quan du lịch Mai Châu. Các gói đều có đầy đủ chương trình như thăm quan lòng hồ, thăm động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, lễ đền, ăn nhà hàng nổi, vui chơi lửa trại ngoài trời ở đảo Dừa, thưởng thức rượu cần… mà giá chỉ từ 750.000 đồng/người (bao gồm xe đưa đón khách từ Hà Nội).
Năm nay, du khách còn yên tâm hơn khi hoạt động vận tải khách du lịch vùng lòng hồ được các cơ quan chức năng quản lý một cách chặt chẽ và đã đi vào khuôn khổ.
Chị Nguyễn Thị Thuận, nhân viên bán vé Bến Du lịch Thung Nai cho biết, năm nay, lượng du khách không đông như mọi năm. Một phần vì kinh tế khó khăn, một phần vì vừa rồi liên tiếp xảy ra mưa bão, lũ quét, sạt lở. Tuy nhiên, không vì thế mà các hoạt động ở đây thiếu sức hấp dẫn.
"Tôi làm nhân viên ở đây đã 3 năm, theo kinh nghiệm của tôi, ít có nơi nào đi du lịch giá cả ổn định như ở đây. Ví như giá vé thăm quan, vé đi tàu luôn thu đúng theo giá niêm yết và rất rẻ. Ở đây có hơn 200 tàu khách, chưa bao giờ xảy ra tình trạng chặt chém hay tranh giành khách.
Các nhà thuyền chia làm các tổ hoạt động luân phiên và lần lượt. Nhà thuyền nào có khách hẹn, đặt trước thì phải báo trước với bến và hiệp hội tối thiểu là 2 tiếng trước khi xe đến. Còn không đều được hướng dẫn lên thuyền theo thứ tự đã định”, chị Thuận nói.
Đặc biệt hơn, từ năm 2023 đến nay, các loại tàu dưới 12 chỗ đều bị cấm không được chở khách. Tàu không đủ điều kiện, chưa có đăng ký, đăng kiểm đều được yêu cầu nằm bờ. Lực lượng cảng vụ, cũng như quản lý bến không cấp lệnh xuất bến. Các trường hợp cố tình chở khách xuất bến, lực lượng CSGT đường thuỷ sẽ xử lý triệt để.
Tăng cường ứng dụng số trong quản lý vận tải
Tương tự, tại bến xe trung tâm TP Hoà Bình, công tác quản lý vận tải và các dịch vụ phục vụ khách hàng được cải tiến toàn bộ nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Giờ đây, thay vì phải đến bến, vào quầy vé xếp hàng mua vé đi xe, hành khách có thể đặt vé trước thông qua các ứng dụng công nghệ. Công tác điều độ, cấp lệnh vận chuyển cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải cũng được thực hiện trên hệ thống phần mềm điện tử một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Ông Nguyễn Trung Dung, Giám đốc bến xe khách trung tâm TP Hoà Bình cho biết: Đơn vị đang cung cấp dịch vụ cho 35 đơn vị trong và ngoài tỉnh kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Mỗi ngày tổ chức cho khoảng 300 lượt xe khách, xe buýt xuất bến, phục vụ hơn 2.000 lượt hành khách thông qua bến mỗi ngày. Ngoài ra, còn quản lý khai thác bến khách du lịch Thung Nai (hồ Hoà Bình) với trên 200 tàu khách.
Để đáp ứng nhu cầu công việc và làm hài lòng đối tác, khách hàng, đơn vị đã tiến hành số hoá tới trên 80% các hoạt động. Nhờ đó, đơn vị luôn hoàn thành tốt các công việc được giao, đảm bảo hành khách, du khách khi tới Hoà Bình.
Sự đổi mới trong hoạt động vận tải ở Hoà Bình không chỉ có các doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thanh tra cũng đã thực hiện.
Ông Nguyễn Lê Hoà, Chánh thanh tra Sở GTVT Hoà Bình cho biết: Trong công tác quản lý vận tải năm nay, lực lượng thanh tra đã chủ động lập kế hoạch tăng cường kiểm ta điều kiện kinh doanh vận tải, việc chấp hành các quy định của pháp luật tại doanh nghiệp, bến bãi và đặc biệt là khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Qua đó, đã xử lý 8 trường hợp vi phạm bằng hình thức tước phù hiệu và 1 trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải; thu hồi phù hiệu của 11 phương tiện vi phạm nhưng không nộp lại phù hiệu…
"Việc liên tiếp lập các đoàn thanh kiểm tra tại doanh nghiệp không chỉ để xử lý vi phạm, mà thông qua các buổi làm việc, đoàn còn hướng dẫn, gắn trách nhiệm để doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Cách làm của chúng tôi được Cục đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT đánh giá cao", ông Hoà chia sẻ.
Một cán bộ ở Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hoà Bình cho biết: Toàn tỉnh có 193 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã và 456 hộ kinh doanh cá thể tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải theo các loại hình với số phương tiện là 2.255 phương tiện đường bộ và 92 phương tiện thủy nội địa chở khách hoạt động trên khu vực hồ Hòa Bình với chất lượng phương tiện ngày càng được cải tiến.
Thời gian qua, mạng lưới vận tải đã không ngừng phát triển đáp nhu cầu đi lại của nhân dân. Mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt đã phủ đến tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa. Cùng đó, Sở đang triển khai Đề án thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện phục vụ chở khách tham quan du lịch trong điểm du lịch bản Lác và các bản lân cận thuộc huyện Mai Châu.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động phục vụ việc phát triển du lịch như: Các tuyến đường, các điểm dừng, đỗ đón, trả khách theo tuyến cố định; bãi đỗ xe, hệ thống cảng bến thủy nội địa…
Sở cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc đăng kiểm các phương tiện thủy theo quy định. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng công trình giao thông và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận