Thị trường đĩa than tại Việt Nam những năm qua có dấu hiệu phát triển hơn trước nhưng khá chậm. Ảnh: Audio Space
Đạt kỷ lục tiêu thụ sau hàng chục năm
Hơn 1 năm kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện khiến làng giải trí toàn thế giới lao đao, tại những thị trường âm nhạc lớn như US-UK (Âu - Mỹ), tình hình càng thê thảm hơn khi suốt 1 năm qua, không một buổi hòa nhạc, biểu diễn nào được tổ chức.
Lúc này, âm nhạc trực tuyến trở thành nguồn thu “cứu cánh” cho các nghệ sĩ và giới làm nhạc. Số lượng người đăng ký nhạc trả phí trung bình là 72 triệu lượt, tăng 24% so với mức trung bình nửa đầu năm 2019, theo Hiệp hội Ghi âm công nghiệp Hoa Kỳ (RIAA).
Tuy nhiên, không chỉ nhạc trực tuyến phát triển, thị trường này còn vừa đón nhận thông tin bất ngờ: Số lượng tiêu thụ đĩa than lập kỷ lục sau 40 năm.
USA Today thông tin, mặc dù doanh số bán đĩa nhạc nói chung giảm 23% do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đĩa than lại có dấu hiệu tăng trưởng. Người nghe nhạc đang có xu hướng chi nhiều tiền hơn cho đĩa than hơn đĩa CD. Dữ liệu từ RIAA, doanh thu từ đĩa than tăng 4% trong năm 2020, trong khi doanh thu từ đĩa CD giảm tới 48%.
Bắt đầu từ cuối tháng 4/2020, doanh số bán đĩa than ở Mỹ bắt đầu tăng lên. Đến giữa tháng 8, có 11,5 triệu bản đĩa than được bán ra, tăng 9,9 triệu bản so với cùng kỳ năm 2019.
Theo MRC Data (đơn vị đo lường dữ liệu trực tuyến tại Mỹ) và Billboard, dịp Black Friday 2020 đã có gần 1,3 triệu album được bán ra, lập kỷ lục là tuần bán đĩa than lớn nhất kể từ khi MRC Data bắt đầu theo dõi định dạng này từ năm 1991. Ba tuần sau, kỷ lục này bị “hạ gục” khi có hơn 1,8 triệu album được bán ra.
Trên thực tế, đĩa than bán chạy lần đầu tiên kể từ những năm 1980 nhưng suốt 40 năm qua, đĩa than dần có dấu hiệu đi xuống trước cơn “bão” nhạc trực tuyến và xu hướng làm đĩa CD.
Tại Anh, tình hình cũng tương tự khi doanh số bán đĩa than năm 2020 cao nhất trong 3 thập kỷ qua. Theo The Guardian, do người hâm mộ không thể tham gia các concert trực tiếp nên họ dành số tiền đó để mua đĩa than.
Năm 2020, doanh số bán đĩa than tại Anh tăng gần 10% so với những năm trước. Drew Hill, Giám đốc điều hành Right Music - nhà phân phối đĩa than và CD độc lập lớn nhất Vương quốc Anh khẳng định, mức tăng trưởng đạt 250% từ những năm 1990 đến nay.
Vì đâu đĩa than “hồi sinh”?
Đĩa than ngày càng được ưa chuộng ở thị trường USUK. Ảnh: AA
Trên The Lantern, chủ các cửa hàng băng đĩa tại Mỹ cho rằng, xu hướng đĩa than được “hồi sinh” chủ yếu là do dịch Covid-19. Jack Sterver, chủ sở hữu Records Per Minute - cửa hàng băng đĩa nổi tiếng ở Columbus nhận định, người nghe nhạc đang có những sở thích mới sau một thời gian giãn cách xã hội. “Họ chọn đĩa than như một thú vui mới. Có thể, mọi người đang ở nhà và cố gắng rời khỏi TV để quay trở lại sự hoài cổ”, Sterver chia sẻ.
Trong khi đó, tờ Quartz nhận định, đĩa than là một trong những công nghệ hiếm hoi của thế kỷ XIX hồi sinh mạnh mẽ. Giữa bối cảnh dịch bệnh, một sản phẩm vật lý với quy trình sản xuất phức tạp như đĩa than dường như bị đe dọa nhiều hơn so với âm nhạc trực tuyến nhưng nó lại được “hồi sinh” và nhu cầu tăng ngày càng mạnh nhờ tính hấp dẫn và tính lịch sử.
“Sự phục hồi này đi kèm với sự trỗi dậy của nhạc kỹ thuật số và sự sụp đổ của đĩa CD. Khả năng cao là nhiều người yêu âm nhạc chưa sẵn sàng chuyển sang các hình thức âm nhạc hữu hình. Đĩa than có yếu tố hoài cổ mạnh mẽ, có thời gian tồn tại lâu nhất như là hình thức thống trị của âm nhạc vật lý”, theo Quartz.
Bán đĩa than cũng là một cách hiệu quả để nghệ sĩ kiếm được tiền. Eric Mueller, Chủ tịch của Pirate Press - nhà sản xuất đĩa than độc lập cho biết, đĩa than trở thành cách để người hâm mộ kết nối và hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính cho nghệ sĩ họ yêu mến. Người hâm mộ vẫn chấp nhận trả hàng trăm USD cho các bản đĩa than dù họ hoàn toàn có thể được nghe nhạc miễn phí trên mạng.
Xu hướng đĩa than được “hồi sinh” chủ yếu là do dịch Covid-19. Ảnh: TCPalm
Ngoài ra, một lý do khác có thể kể đến cho sự hồi sinh này là vì những người yêu nhạc thích nghe những bản thu có âm thanh tốt và có những trải nghiệm âm thanh khác biệt. Đĩa than đáp ứng điều đó khi nhấn mạnh vào tần số âm thanh, sự mộc mạc bình dị không qua chỉnh sửa của kỹ thuật phòng thu. Bản thân các nghệ sĩ làm đĩa than cũng vất vả hơn làm đĩa CD hay album nhạc số.
Thị trường Âu - Mỹ là vậy, còn tại Việt Nam, đĩa than cũng có xu hướng phát triển trong vài năm qua khi các nghệ sĩ làm đĩa than ngày càng nhiều. Ca sĩ Quang Dũng ra mắt album “Nỗi niềm” dưới định dạng đĩa than, Đồng Lan có “Này em có nhớ”, “Trò chuyện” (Hoàng Rob)…
Tuy nhiên, anh Nguyễn Ngọc Thiện, Giám đốc Công ty sản xuất, phát hành băng đĩa Audio Space nhận định với Báo Giao thông, thị trường đĩa than trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam năm qua không có thay đổi. Lý do có thể vì người dân chủ yếu dành tiền cho những nhu cầu thiết yếu trước.
Hơn nữa, giới chơi đĩa than tại Việt Nam những năm qua không tăng nhiều, cả nước chỉ có khoảng 3.000 người. Giá của một đĩa than dao động trên dưới 1 triệu đồng nhưng máy quay đĩa có giá khoảng 3-4 triệu đồng. Thế nên, giới chơi đĩa than đa số là những người có tiền. Khi sản xuất đĩa than, nếu làm 1.000 đĩa thì bán trong vòng 1 năm mới có thể thu hồi vốn.
“Hiện tại, Việt Nam chưa có công nghệ xử lý hậu kỳ cho đĩa than mà nghệ sĩ chỉ có thể thu âm, master, sau đó gửi sang Mỹ hoặc nước khác làm hậu kỳ. Các chi phí thuế, vận chuyển… đội lên khiến giá đĩa cao, khán giả ngại chi tiền. Điều đó khiến nghệ sĩ ngại làm đĩa than. Do đó, thị trường đĩa than ở Việt Nam không phát triển như ở nước ngoài”, anh Thiện chia sẻ.
Đĩa than là một hình thức đồng bộ tín hiệu âm thanh vào lưu trữ dạng đĩa với chất liệu polyvinyl clorua, được ghi theo từng rãnh với độ dập nổi khác nhau. Chúng được phân loại theo đường kính, tốc độ quay và độ dài tương ứng dung lượng (LP: 33,3 vòng/phút; SP: 78 vòng/phút; EP: 33 hoặc 45 vòng/phút).
Máy quay đĩa lần đầu được phát minh tại Mỹ bởi nhà sáng chế Emile Berliner vào cuối thế kỷ XIX. Từ năm 1900, đĩa than dần trở nên phổ biến. Theo RIAA, trên thế giới hàng năm bán ra ít nhất 50 triệu bản đĩa than vào những năm 1910. Năm 1978, tại Mỹ, doanh số bán hàng đạt 2,8 tỷ USD (khoảng 11 tỷ USD năm 2020). Sau đó, băng cassette và CD phát triển nhờ gọn nhẹ, dễ di chuyển hơn đã dần phủ bóng ngành công nghiệp đĩa than từ những năm 1980.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận