Hàng hải

Hơn 420 tỷ đồng đầu tư tàu cứu nạn xa bờ trước năm 2023

21/08/2021, 12:29

Cục Hàng hải đang khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục dự án đầu tư đóng mới tàu TKCN xa bờ trị giá hơn 420 tỷ đồng.

Thực hiện quyết định của Bộ GTVT về việc phê duyệt điều chỉnh một số nội dung chủ trương đầu tư dự án đóng mới tàu chuyên dụng phục vụ tìm kiếm cứu nạn xa bờ, Cục Hàng hải Việt Nam vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án hàng hải và các đơn vị liên quan căn cứ hợp đồng đã được ký kết, khẩn trương rà soát quy mô, tổng mức đầu tư.

img

Hiện nay, tàu TKCN hàng hải chuyên dụng chỉ chịu được sóng gió cấp 7,8 với sức chứa khoang nhiên liệu bị hạn chế, việc di chuyển và xử lý các vụ tai nạn ở khoảng cách xa bờ (300 hải lý) vẫn gặp nhiều khó khăn

“Căn cứ hợp đồng nguyên tắc ủy thác quản lý được ký kết, Ban QLDA Hàng hải rà soát năng lực kinh nghiệm trong công tác QLDA đóng tàu chuyên dụng, dự thảo hợp đồng chính thức làm cơ sở ký kết; Đồng thời phối hợp kiểm tra, lập báo cáo thẩm định trình Cục Hàng hải VN trước ngày 31/8/2021 để xem xét, phê duyệt”, văn bản nêu.

Trước đó, tháng 7/2021, Cục Hàng hải VN đã có tờ trình gửi Bộ GTVT xin phê duyệt, điều chỉnh nguồn vốn sử dụng cho dự án đóng mới một tàu chuyên dụng phục vụ TKCN trên biển từ nguồn vượt thu phí bảo đảm hàng hải lũy kế đến ngày 31/12/2016 sang sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Hồi tháng 6/2021, kiểm toán nhà nước đã có văn bản thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT được giữ lại hơn 26 tỷ đồng từ nguồn phí bảo đảm hàng hải kết dư từ 31/12/2016 để chi trả cho dự án hoàn thành và các phần việc đã thực hiện ký kết hợp đồng thuê tư vấn giai đoạn chuẩn bị đầu tư đối với 5 dự án cấp bách ngành hàng hải. Số phí còn lại thực hiện nộp vào ngân sách theo quy định.

Cục Hàng hải cũng đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2023 (trong đó, năm 2021 chuẩn bị đầu tư, năm 2022 - 2023 thực hiện đầu tư dự án) thay vì thực hiện trong khoảng thời gian 2018 - 2021 như dự kiến ban đầu.

Các đề xuất trên đã được Bộ GTVT xem xét, chấp thuận. Dự án sẽ cho ra đời một tàu TKCN chuyên dụng xa bờ có khả năng bảo đảm hoạt động trong điều kiện sóng cấp 8, gió cấp 9 với tầm hoạt động trên 3.000 hải lý, tốc độ tàu từ 18 - 21 hải lý/giờ. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến hơn 423 tỷ đồng.

Ông Vũ Việt Hùng, Phó TGĐ Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải VN cho biết, theo thống kê, đội tàu khai thác, đánh bắt thủy sản của Việt Nam hiện có trên 125.000 chiếc, trong đó có khoảng 25.000 tàu đánh bắt cá xa bờ, số lao động trực tiếp trên 1 triệu người với ngư trường rộng khắp vùng Biển Đông.

Tuy vậy, thời điểm hiện tại, Trung tâm mới chỉ có 7 tàu TKCN phân bổ về 4 khu vực chính. Số lượng tàu ít nên khi tàu, thuyền của ngư dân xảy ra sự cố dồn dập, vấn đề điều động tàu cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, thời tiết lại diễn biến phức tạp, cấp gió mùa tương đương cấp bão, trong khi các tàu cứu nạn được đóng từ giai đoạn 2001 - 2005 đa phần đã gần hết khấu hao, những tàu lớn như SAR 411, SAR 412 chỉ chịu được sóng gió cấp 7,8; Dung tích khoang nhiên liệu chỉ chứa được khoảng từ 10 - 36 tấn, thời gian hoạt động trên biển bị hạn chế.

Việc di chuyển và xử lý các vụ tai nạn ở khoảng cách xa bờ (300 hải lý) trở thành thách thức lớn, việc đầu tư mới phương tiện nâng cao hiệu quả cứu nạn trên biển trở nên cấp thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.