Phát triển - Kết nối

Huy động nguồn lực tái thiết đường giao thông miền núi sau thiên tai sạt lở

27/12/2021, 12:32

Quảng Nam tập trung huy động nguồn lực tái đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vùng miền núi huyện Phước Sơn sau khi thiên tai, sạt lở tàn phá.

Mưa lũ, sạt lở đất gần như “xóa sổ” toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông ở các xã miền núi Phước Công, Phường Thành, Phước Kim, Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Với gần 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng, cuộc sống người dân ở các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc vốn đã nghèo khó, nay thiên tai mưa lũ tàn phá khiến cuộc sống càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Để giúp dân nơi đây sớm vượt nỗi đau, mất mát, tái thiết ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đang bắt đầu công cuộc tái đầu tư hạ tầng giao, nhà cửa, công trình điện chiếu sáng, nước sinh hoạt...

img

Những công trình cầu, đường giao thông bị sạt lở tàn phá kinh hoàng ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam trong 2 mùa mưa năm 2020 và 2021

Hợp sức tái thiết hạ tầng giao thông

Trở lại vùng sạt lở ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) trong những ngày cuối tháng 12/2021, còn đường vào các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc còn lởm chởm đất đá.

Các tuyến đường đã được thông bước 1, xe tải, ô tô 16 chỗ ngồi có thể vào tận trung tâm xã. Tuy nhiên, nhiều công trình cầu cống bị đứt gãy vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa, nằm chơ vơ giữa bốn bề núi rừng. Những quả đồi, dãy núi vẫn in hằn các vết xói lở, toang hoác, nham nhở.

Đi sâu vào địa bàn trung tâm các xã vùng sạt lở, những ngôi làng tan hoang sau đợt thiên tai kinh hoàng ngày ấy giờ bắt đầu khoác lên mình máu áo mới. Cạnh đó, những khu mặt bằng dân cư đang dần dần được hình thành.

Xe múc, xe ủi hối hả, làm việc hết công suất san ủi, đắp gạt mặt bằng làm khu tái định cư, cấp đất cho dân làm nhà. Phía xa, người dân ra sức khôi phục diện tích đất ruộng bị bồi lấp, tạo dựng lại cánh đồng sản xuất, canh tác đón vụ mới.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, nhiệm vụ được huyện Phước Sơn quan tâm nhất hiện nay là công tác khắc phục, tái thiết hạ tầng giao thông.

Hiện nay, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tái thiết tuyến đường ĐH1, ĐH2, ĐH4 từ xã Phước Kim đi Phước Thành, Phước Lộc và Phước Công đi Phước Lộc với tổng kinh phí 430 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Quảng Nam. Huyện Phước Sơn đang xúc tiến hoàn thiện các hồ sơ liên quan.

img

Hiện các tuyến đường giao thông vào các xã Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) mới được khắc phục bước 1 và đang chuẩn bị được đầu tư, tái thiết.

“Việc triển khai dự án tái thiết hệ thống giao thông vùng sạt lở phải được thực hiện theo trình tự các bước quy định, nên mất rất nhiều thời gian trước khi bắt tay vào thi công xây dựng công trình dự án. Tuy nhiên, với yêu cầu cấp thiết và sự hỗ trợ hết sức thuận lợi từ Trung ương và tỉnh Quảng Nam, dự kiến vào cuối năm 2022, các tuyến đường ĐH1, ĐH2, ĐH4 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng”, ông Trung cho hay.

Tự lực tái thiết cuộc sống

Theo UBND huyện Phước Sơn, để sớm ổn định đời sống cho người dân, chính quyền địa phương và nhân dân vùng sạt lở cùng một lúc làm nhiều việc. Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất là đầu tư xây dựng lại hạ tầng giao thông, sắp xếp, bố trí mặt bằng tái định cư, khôi phục diện tích đất ruộng bị bồi lấp.

Ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho biết, hiện nay, đa phần đất sản xuất bị bồi lấp chưa thể khắc phục ngay được. Do khu vực bị bồi lấp địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, khu vực bị bồi lấp khá nặng nên rất khó khắc phục.

Đáng kể nhất là ở địa bàn thôn 3 (xã Phước Lộc) là nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng gần như xóa số một ngôi làng, đến nay mọi việc tái thiết vẫn còn ngổn ngang.

img

Chính quyền, lực lượng chức năng địa phương huyện Phước Sơn giúp dân dựng lại nhà cửa sau thiên tai, mưa lũ.

Theo ông Lê Quang Trung, trong đợt mưa lũ, sạt lở kinh hoàng xảy ra vào tháng 10/2020, trên địa bàn huyện Phước Sơn có 97 ngôi nhà bị cuốn trôi. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp, đơn vị tổ chức, cộng đồng xã hội, huyện Phước Sơn đã xây dựng được 26 căn nhà cho người dân.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn đang sinh sống trong các căn nhà tạm bợ, chờ đợi chính quyền cấp đất tái định cư để làm lại nhà cửa.

“Hiện nay, huyện Phước Sơn đang gấp rút hoàn thành thủ tục triển khai san ủi mặt bằng xây dựng 4 khu tái định cư cho những gia đình bị trôi, sập nhà trước mùa mưa năm nay. Hy vọng cuối tháng này, mọi việc chuẩn bị sẽ hoàn thành và bắt tay ngay vào san ủi mặt bằng và đầu tư hạ tầng để nhân dân có thể làm lại nhà”, ông Trung chia sẻ.

“Những khu vực bị bồi lấp nhẹ có khả năng khắc phục được thì sẽ tiến hành khắc phục ngay. Những ruộng lúa bồi lấp nặng thì chuyển qua trồng hoa màu và không để đất hoang. Chúng tôi đang vận động nhân dân trồng lúa rẫy, trồng sắn, trồng bắp. Khắc phục một số diện tích lúa ruộng có khả năng khắc phục được. Anh em đi triển khai khai hoang, phục hóa lại một số diện tích lúa ruộng bị bồi lấp để sắp tới đây nhân dân sản xuất vụ hè thu”, ông Lê Quang Trung nói.

img

Chính quyền huy động các lực lượng làm cầu tạm phá thế cô lập vùng sạt lở ở huyện Phước Sơn.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, để khắc phục các tuyến đường bị hư hỏng, tỉnh Quảng Nam sẽ huy động và sự dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ, ngân sách địa phương, nguồn tiền hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức vào thực hiện tu sửa, khắc phục các công trình giao thông hiệu quả.

Đồng thời, nhằm tạo sinh kế lâu dài cho người dân, tỉnh Quảng Nam cũng đã có chỉ đạo ngành Nông nghiệp nghiên cứu thực hiện chuyển đổi giống cây trồng cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo địa phương khảo sát, lập phương án di dời người dân đến các khu vực mặt bằng ổn định để làm nhà cửa, ổn định cuộc sống.

“UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương gấp rút hoàn thành các thủ tục, rút ngắn thời gian nhằm tranh thủ điều kiện thời tiết mùa khô để khẩn trương thi công tái thiết cơ sở hạ tầng giao thông, mặt bằng bố trí dân cư mới, công trình nước sinh hoạt, điện lưới… cho bà con nhân dân vùng sạt lở sớm ổn định cuộc sống” ông Thanh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.