Nhiệm vụ đặc biệt
Theo hãng tin CNN, Airbus Beluga là một trong những chiếc máy bay rất được ưa chuộng trên thế giới, đã đi vào hoạt động trong gần 2 thập kỷ. Nhiệm vụ chủ yếu của loại máy bay này là vận chuyển những bộ phận lớn của các dòng máy bay Airbus từ các nhà máy ở Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ đến dây chuyền sản xuất cuối cùng ở Toulouse, Pháp và Hamburg, Đức.
Airbus Beluga có những lợi thế nhất định trong thị trường vận tải hàng hóa cỡ lớn.
Những chiếc Airbus Beluga đầu tiên có tên gọi Airbus Super Transporter (Máy bay siêu vận Airbus). Sau đó, máy bay được đặt theo tên Beluga vì có hình dáng khá giống loài cá voi trắng Bắc Cực và bổ sung thêm chữ ST, viết tắt từ Super Transporter ban đầu.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Airbus Beluga diễn ra vào năm 1994 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995. Tới năm 2000, Airbus đã cho ra mắt thêm 4 mẫu khác của dòng máy bay Airbus Beluga.
"Phương tiện này có thiết kế vô cùng đặc biệt bởi đó là phiên bản hoán cải từ dòng Airbus 300-600 nhưng phần đầu được thay thế bằng một khung lồng lớn, có thể mở rộng và được trang bị nhiều thiết bị bay chuyên dụng", ông Benoit Lemonnier, Giám đốc Airbus Beluga Transport chia sẻ.
Tuy nhiên, gần đây, Airbus đã cho ra đời dòng máy bay vận tải cỡ lớn mang tên Airbus Beluga XL rộng hơn và hiện đại hơn, có thể vận chuyển cùng lúc 2 cánh máy bay Airbus A350. Vì thế, một số tàu bay Airbus Beluga ST được chuyển sang dịch vụ khác.
Theo ông Benot Lemonnier, máy bay Airbus Beluga XL được phát triển dựa trên nền tảng của dòng máy bay A330, hiện đại hơn rất nhiều so với dòng Airbus Beluga ST. Kể từ năm 2018, đã có 6 chiếc Airbus Beluga XL được sản xuất và chiếc mới nhất sẽ sớm được bàn giao trong nội bộ Airbus.
"Dòng Airbus Beluga XL có thể hoàn toàn thay thế Airbus Beluga ST trong mạng lưới vận tải của Airbus. Airbus Beluga ST có thể sẵn sàng cho những dịch vụ khác.
Dù Airbus Beluga ST đã hoạt động được gần 20 năm nhưng hoàn toàn có thể tận dụng để hoạt động thêm thời gian dài. Tùy vào tần suất bay của từng chiếc, Airbus Beluga ST có thể hoạt động thêm 20 năm", ông Lemonnier cho biết.
Cũ nhưng chưa hết thời
Để tận dụng những chiếc tàu bay siêu vận này, Airbus dự định thành lập hãng hàng không mang tên Airbus Super Transporter, chuyên vận chuyển hàng hóa.
Phần thân siêu rộng cho phép Airbus Beluga có thể vận chuyển những kiện hàng siêu lớn.
Dự kiến sẽ có 4 chiếc Airbus Beluga ST được chuyển sang hãng Airbus Super Transporter để thành lập một phi đội vận tải mới. Ý tưởng thành lập hãng hàng không này nảy sinh từ khi Airbus Beluga được sử dụng để tham gia một số dự án ngoài phục vụ nội bộ Airbus.
Trong giai đoạn 2000 - 2010, Airbus từng nhận được những hợp đồng bay trọn gói, sử dụng Airbus Beluga ST để vận chuyển trực thăng và các vệ tinh.
Sau đó, năm 2022, Airbus đã hoàn tất một loạt thử nghiệm, tháo gỡ khó khăn trong vận hành dòng máy bay này để từ đó thành lập hãng hàng không Airbus Super Transporter.
"Một số thách thức khi vận chuyển bằng Airbus Beluga là phần đầu quá khổ nên chiếc máy bay này nhạy cảm với gió, các phi công phải được huấn luyện đặc biệt để làm quen. Ngoài ra, việc vận hành tương tự như Airbus A300-600, buồng lái hoàn toàn không thay đổi", ông Lemonnier nói.
Nhắm tới khách hàng đặc biệt
Theo nhà phân tích hàng không Gary Crichlow, thuộc Công ty tư vấn AviationValues, hãng hàng không Airbus Beluga Transport nhắm đến nhóm đối tượng khách hàng khá khác biệt so với những hãng vận tải hàng không thương mại tiêu chuẩn.
"Vận chuyển trực thăng, vệ tinh hay những tài sản cỡ lớn khác thường đòi hỏi yêu cầu vận hành hết sức phức tạp so với vận chuyển hàng hóa thông thường", ông Crichlow giải thích.
Ông Crichlow cũng lưu ý, trong khi khả năng vận tải tối đa 40 tấn của dòng Airbus Beluga ST thấp hơn so với máy bay vận tải dòng Antonov nhưng Airbus có tới 5 chiếc máy bay dòng này. Hãng cũng quảng cáo đó là một trong những dòng máy bay vận tải có thể chở số hàng hóa cả dân sự và quân sự lớn nhất thế giới hiện nay.
"Rõ ràng Airbus không nhắm đến những đối thủ như dịch vụ Amazon Prime nhưng việc chỉ tiêu tốn 199 triệu USD để vận hành mỗi chiếc Airbus Beluga ST trong suốt gần 20 năm qua rõ ràng là cơ hội rất ít rủi ro để kiếm được lợi nhuận trong thị trường ngách của ngành vận tải", ông Crichlow nhận định.
Một trong những hạn chế khác của dòng Airbus Beluga chính là tầm hoạt động giới hạn chỉ 3.000km. Đồng nghĩa, những chuyến bay từ châu Âu sang Mỹ sẽ đòi hỏi 2 lần hạ cánh để tiếp nhiên liệu, thường là ở đảo Azores phía Bắc Đại Tây Dương và Canada.
Ngoài ra, trọng tải tối đa của Airbus Beluga chỉ là 40 tấn, thấp hơn đáng kể so với đối thủ Antonov AN-124 có thể mang được khối lượng gấp 3 lần. Đó là chưa kể đến dòng Antonov AN-225, mẫu máy bay vận tải lớn nhất thế giới có thể mang tới 250 tấn đã bị khai tử từ năm 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận