Chuyện dọc đường

Khi ba bộ chưa quản được chiếc bánh trung thu

13/08/2018, 08:06

Ai cũng biết sức khỏe là vốn quý của mỗi con người và toàn xã hội.

12

Bánh trung thu nhập khẩu Trung Quốc siêu rẻ được rao bán trên thị trường

Tuy nhiên, công tác quản lý ATTP vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, tình hình vi phạm ATTP vẫn diễn ra thường xuyên, với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng. Việc nhận biết, phân biệt giữa thực phẩm đảm bảo an toàn với thực phẩm không an toàn chẳng khác nào đánh đố người tiêu dùng.

Kể từ khi Luật ATTP năm 2010 được thực thi, hoạt động quản lý Nhà nước về ATTP đã được chuyển sang cơ chế quản lý theo nhóm, ngành sản phẩm; giao về 3 Bộ NN&PTNT, Y tế, và Công thương, thành lập hệ thống xuyên suốt từ T.Ư tới tận xã, phường.

Thế nhưng, lỗ hổng quản lý vẫn xảy ra từ chính bất cập của quy định pháp luật. Cụ thể, theo các chuyên gia, một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ bộ nào chịu trách nhiệm quản lý về ngành hàng đó. Bất cập này cũng đã được đại biểu quốc hội chất vấn từ năm 2017, nhưng tới nay vẫn chưa hề biến chuyển. Vậy là mỗi khi có sự cố liên quan đến ATTP thì trái bóng trách nhiệm lại lăn từ cơ quan nọ tới cơ quan kia.

Mới đây nhất, chỉ khi dư luận rộ lên sản phẩm bánh trung thu mini Trung Quốc siêu rẻ, ngành quản lý thị trường mới vào cuộc truy bắt kiểu làm điểm và đưa ra những khuyến cáo khá chung chung về nhãn mác, xuất xứ, giá cả... Tuy nhiên, thông tin người dân muốn biết liệu sản phẩm đó có mất ATTP hay không, có ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng hay không lại không được nêu ra. Ai cũng biết câu trả lời chuẩn xác nhất thuộc về ngành Y tế. Thế nhưng, khi được hỏi đến đầu mối chịu trách nhiệm là Cục ATTP lại thẳng thừng tuyên bố: Không phải sản phẩm do mình quản lý.

Không chỉ chiếc bánh trung thu mà hàng loạt sản phẩm khác cũng đang rơi vào câu chuyện quản lý theo kiểu “cha chung không ai khóc”, lấn cấn giữa hai bộ NN&PTNT và Công thương như: Bún tươi, ô mai, bánh mứt kẹo…Khi kiểm tra nếu trong trường hợp không bảo đảm chất lượng vệ sinh thì Bộ Y tế chỉ thu được mẫu thực phẩm. Còn toàn bộ thực phẩm nhiễm bẩn đã bán ngoài thị trường thì không thể tịch thu được do không thuộc quản lý. Cuối cùng chỉ có người tiêu dùng lãnh đủ.

Theo thống kê, hiện vẫn có đến 27% người dân không yên tâm về thực phẩm, 59% chưa yên tâm lắm. Trong 3 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh thì trên 20% vi phạm ATTP. Trong 5 năm (từ 2011-2016) có hơn 1.700 vụ ngộ độc thực phẩm làm 164 người chết... Trước thực trạng này, bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu TP HCM đặt câu hỏi: Vì sao những tồn tại trong vấn đề này đã được thấy rõ mà vẫn dai dẳng, trong khi thực phẩm là vấn đề kỹ thuật, các nước cùng hoàn cảnh như chúng ta nhưng vấn đề của họ không đáng báo động? “Trong quản lý nhà nước, trước khi có Luật ATTP năm 2010 thì ta chia theo chiều ngang, cắt khúc cho 3 bộ. Đến nay đã quy định theo chiều dọc, ai chịu trách nhiệm thì từ đầu đến cuối, theo nhóm ngành hàng, nhưng thực tế vẫn cắt ngang, nên có nhiều khoảng trống”, vị đại biểu nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.