Khu vực dự kiến đào kênh nối kênh Đáy - sông Ninh Cơ |
Ngày 28/12, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ GTVT), ông Lê Huy Thăng, Giám đốc đơn vị này cho biết đã hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, dự toán và hồ sơ mời thầu cụm công trình kênh đào nối sông (kênh) Đáy - Ninh Cơ (Nam Định) để sẵn sàng tổ chức đấu thầu khi có nguồn vốn. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, đã được ký hiệp định bổ sung tháng 6/2017, dự kiến sẽ có vốn trong quý I/2018 và tổ chức khởi công quý II/2018.
Vốn bổ sung là 110,80 triệu USD, trong đó vốn vay của WB là 82,34 triệu USD. Các hạng mục sử dụng nguồn vốn bổ sung là đào mới dẫn nối sông Đáy với sông Ninh Cơ và xây dựng âu tàu cho tàu pha sông biển trọng tải từ 2.000 DWT đầy tải và đến 3.000 DWT giảm tải có thể đi từ sông Ninh Cơ sang sông Đáy và ngược lại. Xây dựng cầu Đáy - Ninh Cơ vượt kênh để hoàn trả lưu thông liên tục của Tỉnh lộ 490C giữa hai bên kênh sau khi đào kênh cắt ngang qua. Đồng thời xây dựng hoàn trả các công trình hiện hữu khi đào kênh (hệ thống điện cao thế, thông tin liên lạc, hệ thống kênh mương thủy lợi...) và các công trình tạo cảnh quan môi trường.
Ngoài dự án trên, năm 2018, Ban Quản lý các dự án đường thủy cũng tập trung hoàn thiện đề xuất dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistíc khu vực phía Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Dự hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ghi nhận, trong năm 2017 Ban Quản lý các dự án đường thủy bước đầu tạo được sự ổn định sau khi sáp nhập đơn vị quản lý dự án của Cục Đường thủy nội địa VN, cơ cấu tinh giản đầu mối. Thứ trưởng Nhật yêu cầu Ban và Cục Đường thủy nội địa VN có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, phát triển hạ tầng đường thủy, cũng như tự đổi mới tư duy để tìm kiếm thêm công việc, dự án ngoài ngành GTVT.
"Thủ tướng, Bộ GTVT rất quan tâm đến phát triển đường thủy, hàng hải, nhưng để thực hiện chủ trương đó, Ban Quản lý các dự án đường thủy là những người trực tiếp triển khai công việc phải có tư duy sáng tạo, đổi mới trong đề xuất. Không thể chỉ ngồi chờ xin, trình dự án mà phải vận động, phối hợp với các đơn vị để tìm nguồn việc", Thứ trưởng nói và yêu cầu đơn vị khi triển khai các dự án đường thủy phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ, khoa học, đúng quy định pháp luật.
Được biết, năm 2017, Ban Quản lý dự án đường thủy của Cục ĐTNĐ Việt Nam sáp nhập vào Ban Quản lý các dự án đường thủy. Vì vậy, năm 2018, Ban tiếp tục thực hiện tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy để nâng chất lượng bộ máy và hiệu quả hoạt động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận