Người phụ nữ cầm hoa anh đào được xác định là bà Phạm Thị Minh Hiếu, PGĐ Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận - Ảnh: FB. |
Nhân chuyện chị PGĐ một Sở chuyên ngành về pháp luật ở tỉnh nọ nói bị kẻ xấu lợi dụng làm xấu hình ảnh cá nhân và cơ quan sau vụ “bẻ hoa mai anh đào”, sáng nay, Kính Cận mở “tọa đàm” ngay bên bàn nước công ty.
Chủ đề Kính cận đưa ra dựa theo tuyên bố của nữ lãnh đạo “Không có biển cấm hái, cấm bẻ, cấm thăm, cấm viếng gì” thì không có chuyện có lỗi gì ở đây cả. Cái việc bẻ cành mai anh đào, chụp ảnh là một việc nhỏ, rất nhỏ.
- Vậy, để phạt hoặc cảnh báo người dân không vi phạm pháp luật, chính quyền phải đặt bao nhiêu cái biển cấm mới đủ? Và biển nào là quan trọng nhất? - Kính cận thăm dò.
Mọi người nhao nhao nêu ý kiến:
Anh Trưởng phòng Tài chính hiến kế: “Để tránh trường hợp “không có biển thì cứ tè thôi”, phải cắm biển “Cấm tè bậy” ở tất cả các đường phố, các danh lam thắng cảnh. Thậm chí, ngay ở sân bay, kẻo khách quốc tế vào tè lung tung không kiểm soát được".
Chị Trưởng phòng Tổ chức khăng khăng: “Phải cắm biển “Cấm chửi bậy, cấm đánh nhau” ở trong trường học, trong phòng họp và ngoài công viên. Phải thế để có căn cứ xử phạt”.
Anh Tổ trưởng bảo vệ bức xúc: “Tôi đề nghị phải cắm biển "cấm lấn chiếm vỉa hè" trước từng số nhà, không cắm biển chi chít thì không thể đến phạt tôi trông xe được”.
Anh Phó chủ tịch công đoàn trầm ngâm: “Cần cắm biển “cấm quan hệ” nơi công cộng, giờ bọn trẻ ôm hôn nhau rồi hay làm quá lên ngay ở công viên ấy. Không có biển cấm thì có đuổi chúng đi chỗ khác làm chuyện riêng tư được không?”.
Câu chuyện đang xôm thì Tổng giám đốc của Kính cận bước vào, ông cáu: “Các anh chị đầu sắp hai thứ tóc mà nhận thức không bằng đứa con nít. Chuyện hiển nhiên thế cũng phải treo biển cấm là thế nào? Thế thì dân trí bao giờ khá lên được? Anh Chánh văn phòng làm ngay biển ”Cấm bàn tán chuyện lãnh đạo không thích” treo khắp nơi trong cơ quan cho tôi. Đây thực ra là một chuyện nhỏ, rất nhỏ, nhưng ai vi phạm, báo tôi cho nghỉ việc sớm”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận