Từ 15/3, quy định mới về đầu tư cảng, bến thủy bắt đầu có hiệu lực
Lần đầu tiên, lĩnh vực đầu tư xây dựng, khai thác và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy được “nâng cấp” quản lý bằng Nghị định thay vì các Thông tư như trước, trong đó có nhiều điểm mới tạo thuận lợi hơn cho đầu tư, khai thác đường thủy.
Đa dạng loại hình bến thủy
Vài năm gần đây, mực nước sông Lô thường xuyên xuống thấp khiến luồng đường thủy bị thu hẹp, phương tiện thủy cỡ 500 - 700 tấn không chạy ngược lên được quá thị trấn Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ).
Các cảng, bến thủy khu vực này cũng khó đón tàu vào bốc, dỡ hàng được chuyển tải bằng ô tô. Trước khó khăn trên, một số chủ cảng, bến đặt ụ nổi, pông - tông (phao làm bằng kim khí) nổi ở vùng nước sâu và đặt máy cẩu, xúc lên để chuyển tải hàng hóa từ tàu to sang tàu nhỏ, đưa hàng hóa ngược lên thượng lưu.
Hoạt động này bị cho là “lách luật”, khiến lực lượng chức năng không thể quản lý hay xử phạt do chưa có quy định, kéo theo tình trạng lộn xộn, mất ATGT và không thu được phí, lệ phí. Nhưng nếu không cho hoạt động sẽ cản trở vận tải, lưu thông hàng hóa bằng đường thủy tại khu vực trên.
Theo đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II, bất cập này hiện đã được giải quyết nhờ quy định mới công nhận loại hình bến thủy nổi.
“Trước đây, để đầu tư cảng, bến thủy buộc phải có mặt bằng (đất), còn theo Nghị định 08/2021, có hiệu lực từ 15/3/2021, doanh nghiệp (DN), cá nhân được mở bến thủy phao nổi để tiếp nhận phương tiện neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón, trả khách”, ông Hoàng Văn Kiên, Trưởng phòng Pháp chế Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II nói.
Cũng theo ông Kiên, Nghị định 08 còn cho phép thiết lập “khu neo đậu” bên ngoài vùng nước của cảng, bến để trung chuyển hàng hóa, hành khách hoặc dịch vụ hỗ trợ khác trong lĩnh vực vận tải thủy. Sở GTVT cấp phép hoạt động bến phao, còn khu neo đậu do Cục Đường thủy nội địa VN cấp.
“Trước đây, việc quản lý đầu tư, xây dựng và khai thác bến thủy nội địa chỉ được điều chỉnh bằng thông tư và đây là lần đầu được điều chỉnh bằng nghị định nên có nhiều thuận lợi hơn”, ông Kiên cho hay.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đang xây dựng dự thảo tổ chức hoạt động của cảng vụ đường thủy, trong đó giao cảng vụ đường thủy quản lý hoạt động tại khu neo đậu phương tiện thủy trong vùng nước cảng biển có nối với đường thủy quốc gia, đường thủy địa phương.
Việc thiết lập và tổ chức quản lý khu neo đậu phương tiện thủy tại vùng nước cảng biển nhằm thúc đẩy và tạo sự kết nối tốt hơn giữa vận tải thủy và cảng biển.
Đón nhận thông tin trên, ông Nguyễn Văn Thanh, chủ một bến phao trên sông Lô tại huyện Đoan Hùng, cũng như lãnh đạo một số DN kinh doanh cảng, bến thủy cho rằng, cơ chế mới phù hợp thực tế, thuận lợi cho DN.
“Cơ chế mới cho phép đầu tư, khai thác bến phao, khu neo đậu giúp DN được hoạt động hợp pháp nên yên tâm để đầu tư. Tuy nhiên, nên quy hoạch bến nổi, khu neo hoặc công bố những vị trí được làm bến, khu neo để hệ thống bến trên đất và dưới nước hỗ trợ nhau tốt và tránh đầu tư tràn lan, không hiệu quả”, ông Thanh nói.
Linh hoạt chuyển đổi cấp luồng
Bốc dỡ hàng hóa tại một cảng thủy trên sông Lô
Theo ông Đoàn Trường Sơn, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp chế, Thanh tra Cục Đường thủy nội địa VN, Nghị định 08 còn có một số đột phá khác khi quy định theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng và hoạt động giao thông đường thủy.
Có thể kể đến là quy định được nâng cấp bến thành cảng thủy để được đón tàu trọng tải lớn hơn và mở rộng khả năng khai thác; quy định việc nạo vét khơi sâu vùng nước cảng, bến; quy định việc chuyển đổi luồng địa phương, chuyên dùng thành luồng quốc gia hoặc ngược lại. Điều này giúp tập trung nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng, nhất là áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao khả năng khai thác các tuyến trọng điểm.
Đồng thuận với quy định chuyển đổi luồng, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cho rằng, mỗi tuyến đường thủy cần được tổ chức quản lý đồng bộ cả luồng và cảng, bến ven bờ.
Việc chuyển đổi luồng sẽ giúp tổ chức quản lý, khai thác đường thủy hiệu quả và đồng bộ hơn, khắc phục tình trạng một số tuyến luồng do Trung ương quản lý, còn cảng, bến lại do địa phương hoặc trên cùng một trục đường thủy, khúc này do Trung ương, khúc kia lại do địa phương quản lý.
Còn ông Phạm Văn Phả, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3 cho rằng, quy định cụ thể về đầu tư luồng đường thủy chuyên dùng, chuyển đổi luồng chuyên dùng thành luồng quốc gia, địa phương là cơ chế rõ ràng, minh bạch để DN đầu tư, khai thác luồng đường thủy riêng và khai thác hiệu quả cảng, bến thủy.
“Nghị định quy định các công trình nổi trên đường thủy (nhà nổi, bè nuôi trồng thủy hải sản, khai thác khoáng sản…) phải lắp đặt báo hiệu, tín hiệu đường thủy là tiền đề quan trọng để bảo vệ luồng đường thủy thông suốt, phương tiện vận tải đi lại dễ dàng, an toàn hơn”, ông Phả nói.
Cấp phép điện tử cho phương tiện, đơn giản hóa thủ tục
Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, Nghị định 08 quy định rõ việc cấp phép điện tử trực tuyến cho phương tiện thủy hoạt động tuyến xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Miễn, giảm hoặc đơn giản hóa thủ tục cấp phép phương tiện thủy vào, rời bến trong nhiều trường hợp (vào nhiều cảng, bến trên tuyến cố định chỉ phải làm thủ tục lần đầu và cuối; thường xuyên vào, rời một cảng mà không thay đổi thuyền viên chỉ phải làm thủ tục một lần, từ lần thứ hai chỉ kiểm tra an toàn và được cấp giấy rời cảng bến; phương tiện nước ngoài vào cảng biển rồi vào cảng thủy không cần làm thủ tục vào…) nhằm tạo thuận lợi, thông thoáng cho vận tải thủy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận