UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 với dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn tại xã Tân Minh, Phù Linh và thị trấn Sóc Sơn.
Dự án này theo đề xuất ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 420 triệu USD. Trường đua ngựa có sức chứa 30.000 khán giả rộng 99,5ha; gồm hồ điều hòa 22,5ha; khách sạn 3 sao 1,5ha; trung tâm hội nghị, hội thảo 0,5ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1ha.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, Hà Nội cần hội tụ đầy đủ các yếu tố trở thành Thủ đô thông minh, xanh, nhiều công năng như các thủ đô lớn khác trên thế giới. Do đó, việc xây dựng trường đua là cần thiết, nó cũng là lợi thế cho vùng thủ đô, hình thức thể thao mới này sẽ thu hút du lịch lớn.
Song ông Điệp cũng lưu ý quá trình trình triển cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động môi trường. Đặc biệt, xem xét kỹ thiết kế thi công để mật độ xây dựng thấp nhất, phủ xanh là chủ yếu.
Đồng thời, các cơ quan chức năng trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án cần xem xét, giám sát, tính đúng tính đủ chi phí sử dụng, chuyển đổi đất. Đảm bảo chức năng, có kế hoạch tổ chức hoạt động, không để xảy ra tình trạng dự án bất động sản núp bóng trường đua ngựa. Khi xây xong, biệt thự và khách sạn bán hết, trường đua ngựa lại bỏ hoang.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho hay trường đua ngựa là chủ trương đặt ra từ 1998. Sau khi mở rộng năm 2008, Hà Nội đã đặt ra mục tiêu trở thành trung tâm văn hóa thể dục thể thao, trong đó đặt ra vấn đề cần thiết có một trường đua ngựa.
Theo ông Nghiêm, việc đặt trường đua ngựa ở Sóc Sơn là phù hợp, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm thể thao, nhất là sắp tới đăng cai Đại hội Thể thao châu Á Asiad.
Nhưng Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng nêu vấn đề trường đua ngựa sau khi xây dựng sẽ phục vụ, liên kết với các khu thể thao khác thế nào? Hiện nay, nội dung này chưa rõ ràng, cần phải làm rõ, không để xây dựng xong lãng phí.
"Tôi cho rằng nên kết hợp giữa trường đua ngựa với thể thao khám phá cho đối tượng thanh niên. Hai loại hình này phù hợp với địa hình của Sóc Sơn và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Không nên xây dựng trường đua ngựa với một chức năng duy nhất, không sử dụng thường xuyên, xây xong bỏ hoang rất lãng phí, tốn kém nguồn lực xã hội", ông Nghiêm nêu.
Dự án trường đua ngựa tại Hà Nội được nghiên cứu lần đầu năm 1999 với địa điểm dự kiến tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) và Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), nhưng sau đó đối tác nước ngoài rút lui.
Năm 2007, Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourist) và Công ty Global Consultant Network (Hàn Quốc) có văn bản đề xuất xin nghiên cứu dự án và đến tháng 9/2019, Thủ tướng có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Năm 2020, Hà Nội bổ sung dự án tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa Sóc Sơn vào đề cương điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận