Theo các doanh nghiệp cảng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng Luật Khoáng sản và thu thuế đối với doanh nghiệp nạo vét, duy tu khu nước trước bến, cảng biển là gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi
Các doanh nghiệp cảng không đăng ký chức năng khai thác khoáng sản nên cho rằng việc hồi tố và thu thuế khoáng sản là không thỏa đáng
Thực hiện nạo vét khu nước trước hai bến cảng Interflour từ năm 2018 và đổ thải tại khu vực xã Phước An, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), lãnh đạo Công ty TNHH Interflour Việt Nam không khỏi “giật mình” khi cảng nằm trong danh sách 22 cảng vừa được Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống kê “đã có hoạt động nạo vét, duy tu khu nước trước bến, cảng biển có sử dụng khối lượng vật liệu nạo vét để san lấp”, để từ đó đề nghị áp dụng Luật Khoáng sản và thu thuế.
Ông Lương Quang Minh, Giám đốc Công ty TNHH Interflour Việt Nam khẳng định, việc nạo vét, duy tu là hoạt động thường xuyên của các doanh nghiệp cảng.
Vì trong quá trình khai thác, luồng bến dễ bị bồi lắng và cạn. Định kỳ vài năm, tùy từng khu vực cảng, các doanh nghiệp sẽ thực hiện nạo vét khu nước trước bến để đảm bảo độ sâu của bến.
“Việc hồi tố là thiếu công bằng, vì khi các cảng tiến hành nạo vét đều đã hoàn thiện thủ tục và được sự chấp thuận của UBND tỉnh và Bộ TN&MT. Trong đó, không có bất cứ hướng dẫn nào về việc nạo vét phải đóng thuế khoáng sản”, ông Minh khẳng định và nói thêm, việc hồi tố có thể gây ra nhiều rắc rối cho doanh nghiệp.
Cụ thể, trong giấy phép đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển đều không đăng ký chức năng khai thác khoáng sản.
Do đó, để hoàn tất thủ tục và kê khai nộp thuế khoáng sản, các doanh nghiệp sẽ phải đi đăng ký bổ sung chức năng khai thác khoáng sản trong giấy phép kinh doanh.
Theo một doanh nghiệp cảng biển, việc hồi tố còn làm phát sinh nhiều vấn đề trong hạch toán chi phí của doanh nghiệp. Do thời điểm áp dụng từ năm 2018, các chi phí hầu hết đều đã hạch toán xong.
Ngân sách cho việc nạo vét, duy tu khu nước trước bến của doanh nghiệp cũng chỉ tính cho nhà thầu nạo vét, không tính thuế khoáng sản.
“Các cảng chỉ thông qua nhà thầu để nạo vét cảng bến chứ không trực tiếp thực hiện nạo vét. Nếu hồi tố và bị yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính về khai thác khoáng sản, sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất lợi cho doanh nghiệp”, doanh nghiệp này cho hay.
Riêng chỉ có ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Chủ tịch VISABA Phạm Quốc Long cho biết, hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh duy nhất của cả nước đang áp dụng quy định của Luật Khoáng sản và thu thuế với các doanh nghiệp đã nạo vét, duy tu khu nước trước bến, cảng biển có sử dụng khối lượng vật liệu nạo vét để san lấp.
Từ đây, VISABA đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các quy định để sớm giải quyết các vướng mắc; đề xuất không áp dụng các quy định của Luật Khoáng sản với hoạt động nạo vét duy tu các khu nước, vùng nước, cũng như không áp dụng các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính của Luật Khoáng sản đối với vật chất nạo vét duy tu vùng nước cảng biển. Đồng thời, không hồi tố với các dự án nạo vét đã thực hiện trước đây.
Thực tế, chất nạo vét bị coi là khoáng sản đã phát sinh hàng loạt vướng mắc, khiến nhiều doanh nghiệp cảng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua đang tạm hoãn việc làm thủ tục, hồ sơ xin triển khai duy tu nạo vét thủy diện, gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khai thác cảng và an toàn hàng hải.
“Nếu phải đóng thuế, hạng mục đóng thuế phải có trong danh mục chức năng trong giấy phép kinh doanh hay giấy chứng nhận đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài rất rõ ràng, khó để họ chấp nhận hay hiểu điều này khi chức năng khai thác khoáng sản không có trong giấy phép của cảng”, lãnh đạo Cảng Interflour Cái Mép nói.
Nhưng khó khăn đó chưa phải tất cả bởi theo lời ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal link, điều này còn làm giảm sức cạnh tranh của các cảng Việt Nam so với các cảng biển khác trong khu vực.
Cụ thể, để tiếp nhận các tàu lớn ra vào cảng làm hàng, cảng phải thường xuyên nạo vét và đảm bảo độ sâu trước bến đủ điều kiện. Tuy nhiên, thủ tục giấy tờ khi xin phép nạo vét mất nhiều thời gian. Đặc biệt, việc tính thuế môi trường với vật chất nạo vét làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo cảng Gemalink cũng kiến nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương không quy chất thải nạo vét là khoáng sản để các cảng có thể chủ động nạo vét duy tu trong thời gian sớm nhất, với kinh phí phù hợp nhất trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Theo Hiệp hội Đại lý, môi giới và hàng hải VN (VISABA), vật chất nạo vét không phải là khoáng sản hay vật liệu xây dựng, chỉ là sa bồi dạng bùn lỏng, sệt, không hoặc chứa rất ít cát sỏi, sét... Do đó, không thể áp dụng Luật Khoáng sản.
Chưa kể, về mặt thủ tục, các cảng không có chức năng khai thác khoáng sản và cũng không được cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể về việc phải đóng các khoản thuế phí theo pháp luật về khoáng sản.
VISABA cũng cho rằng, nạo vét là nhu cầu tất yếu phục vụ hoạt động của cảng, mang tính “bảo trì, bảo dưỡng” công trình, không nhằm mục đích kinh doanh. Trái lại, cảng còn phải rất khó khăn trong tìm kiếm các vị trí đổ thải ở các tỉnh lân cận, chịu toàn bộ chi phí không nhỏ phát sinh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận