Hàng hải

Kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá dịch vụ cảng biển

04/10/2021, 16:51

Các tổ công tác của Bộ GTVT sẽ kiểm tra chi tiết việc niêm yết, kê khai, điều chỉnh giá dịch trong suốt thời gian qua của doanh nghiệp.

Rà soát từ giá dịch vụ đến các loại phụ thu

Chiều nay (4/10), thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổ công tác kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại khu vực: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Nam đã có buổi làm việc trực tuyến với các doanh nghiệp (DN) liên quan.

img

Tại đợt kiểm tra này của Bộ GTVT, giá cước vận tải biển sẽ được rà soát đồng loạt cả chặng nội địa và quốc tế - Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Thương, Phó Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải, Cục Hàng hải VN cho biết, tại đợt kiểm tra này, với DN cảng biển, phao neo, hoa tiêu, lai dắt, Tổ công tác sẽ rà soát các nội dung chính, gồm: kê khai giá dịch vụ tới cơ quan có thẩm quyền; Niêm yết giá theo quy định 146/2016 của Chính phủ (đồng tiền niêm yết, nội dung, hình thức, địa chỉ, thời gian và hiệu lực của mức giá niêm yết); Sự thay đổi giá từ năm 2021 đến nay; mức giá dịch vụ DN đang áp dụng có đúng theo quy định Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT,…

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã liên tiếp ký các quyết định số 1673, 1675 và 1677 thành lập 3 Tổ công tác thực hiện kiểm tra, rà soát các loại giá dịch vụ tại cảng biển và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa tại các khu vực: Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh; Hải Phòng, Quảng Ninh và Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Nam.

Các tổ công tác được thành lập trong bối cảnh giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển tăng cao trong thời gian diễn biến dịch bệnh gây khó khăn, phát sinh chi phí cho DN xuất nhập khẩu.

Đối với DN vận chuyển container quốc tế, nội địa và DN giao nhận hàng hóa, nội dung kiểm tra bao gồm: việc thực hiện niêm yết giá theo quy định tại Nghị định 146/2016 của Chính phủ (Danh mục, mức giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển theo các tuyến vận tải; Danh mục, mức giá các loại phụ thu tương ứng gồm cả việc tường minh lý do thu, cơ cấu chi phí các loại phụ thu; Hình thức, thời gian và hiệu lực của mức giá niêm yết.

Tổ công tác cũng sẽ rà soát mức giá DN ký kết hợp đồng với khách hàng và mức giá niêm yết; Sự thay đổi giá từ năm 2020 đến nay.

“Đối với DN kinh doanh dịch vụ kho bãi, Tổ công tác sẽ kiểm tra danh mục các loại giá và mức giá DN cung cấp cho khách hàng (giá nâng hạ, bốc dỡ, lưu kho, bãi,…), việc thực hiện kê khai, niêm yết giá dịch vụ, sự thay đổi giá từ năm 2020 và một số nội dung khác”, bà Thương thông tin.

Kiểm tra nhằm minh bạch thị trường, không phải gây khó doanh nghiệp

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh: Mục tiêu chính của việc rà soát giá dịch vụ cảng biển, vận tải biển là nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định giá dịch vụ tại cảng biển, phục vụ mục tiêu phục hồi kinh tế, giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa được thuận lợi hơn và duy trì đà tăng trưởng trong giai đoạn bình thường mới sau khoảng thời gian nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19.

img

Công tác rà soát, kiểm tra tổng thể các loại giá dịch vụ hàng hải nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, duy trì sự tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam trong và sau dịch bệnh - Ảnh minh họa

"Đây cũng là hoạt động nhằm củng cố, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về giá liên quan đến dịch vụ hàng hải, logistics để cơ chế quản lý bằng công cụ pháp luật được tốt hơn, tạo ra thị trường minh bạch hơn”, ông Giang nói.

Về cách thức tổ chức kiểm tra của Tổ công tác, ông Hoàng Hồng Giang cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, quá trình đi lại khó khăn việc rà soát, kiểm tra các nội dung về giá dịch vụ sẽ được triển khai trực tuyến.

Các DN cảng biển, vận tải biển, hoa tiêu hàng hải, lai dắt tàu biển là căn cứ vào đề cương được ban hành, tổng hợp số liệu, tài liệu và gửi đến cảng vụ hàng hải. Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu các cảng vụ gửi về, Tổ công tác tại tại Hà Nội xem xét, phân tích, đánh giá và kết luận vấn đề thực hiện pháp luật về giá dịch vụ tại các doanh nghiệp liên quan.

“Bên cạnh việc phối hợp làm việc trực tiếp với cảng vụ hàng hải khu vực, các DN cũng cần bố trí đầu mối cung cấp dữ liệu khi đoàn kiểm tra có thông tin cần làm rõ, đảm bảo việc kiểm tra được tiến hành nhanh nhất, hiệu quả nhất”, ông Giang nói, đồng thời, yêu cầu các cảng vụ khu vực: Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Nam phải chủ động sắp xếp thời gian làm việc trực tiếp với DN, chậm nhất đến ngày 8/10 phải thu thập đủ dữ liệu theo yêu cầu để gửi đến Tổ công tác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.