Thi viết về GTVT

Kỳ công vận động dân nhường đất mở đường lớn về miền Tây

21/09/2023, 06:00

Gần 29km quốc lộ 1 qua Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng được mở rộng, nâng cấp không chỉ giúp xoá "cung đường tử thần" mà còn mở ra cơ hội giao thương cho người dân miền Tây.

Bon bon đường lớn về miền Tây

Vừa bon bon chạy xe hàng đông lạnh đi TP.HCM, anh Lê Anh Đức (ngụ thành phố Bạc Liêu) vừa chia sẻ, khi quốc lộ 1 chưa được mở rộng, đoạn qua huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) chật chội, vận chuyển hàng hóa mất thời gian. Ban đêm, những đoạn đường không có đèn chiếu sáng nên càng nguy hiểm.

"Từ khi đường được mở rộng lên 6 làn xe, đi lại êm thuận, việc vận chuyển hàng hóa rất nhanh chóng. Thời gian chở hàng từ Bạc Liêu lên TP.HCM rút ngắn rất nhiều, giảm ít nhất một giờ so với trước, đặc biệt là đảm bảo an toàn hơn khi có dải phân cách, đèn đường", anh Đức nói.

photo-1695047051209

Tuyến quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Sóc Trăng được mở rộng giúp lưu thông trên tuyến thuận lợi, giảm ùn tắc.

Ông Nguyễn Văn Hải, một chủ doanh nghiệp kinh doanh thủy sản ở thành phố Bạc Liêu cho biết: "Khi quốc lộ được mở rộng, vận chuyển hàng hoá đi TP.HCM nhanh hơn nhiều. Dọc tuyến quốc lộ qua Bạc Liêu sầm uất hơn, cuộc sống người dân cũng vì thế mà trở nên khá giả, sung túc".

Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, trước năm 2014 quốc lộ 1 qua Sóc Trăng được nhắc đến với cái tên đầy ám ảnh - "cung đường tử thần", bởi tai nạn rất nhiều. Sau khi mở rộng, tai nạn kéo giảm đáng kể vì đường thông thoáng, có dải phân cách và đèn đường chiếu sáng.

Ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo lưu thông an toàn, giảm tai nạn, đặc biệt là góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Mời nhậu để bàn giao mặt bằng

photo-1695047051843

Tuyến quốc lộ 1 qua huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu được mở rộng lên 6 làn xe, giúp giao thương thuận lợi.

Anh Phan Quốc Kỳ Nam, cán bộ Phòng Điều hành dự án 3 (Ban Quản lý dự án 7) nhớ lại, những ngày tháng 3/2022, khi dự án mở rộng quốc lộ 1 qua Sóc Trăng vào giai đoạn nước rút thì gặp ngay đường găng tại cầu Rạch Côm.

Hộ ông Âu Văn Thoa có nhà ngay sát chân cầu, nhưng vận động mãi cũng không chịu bàn giao. Khổ là vị trí ngay chân cầu, không làm được mố cầu thì không thi công được hạng mục khác. Về nguyên tắc hạng mục giải phóng mặt bằng do địa phương thực hiện, nhưng cán bộ Ban 7 luôn sát cánh với địa phương, đi gặp từng hộ gia đình để nắm bắt.

Với hộ ông Thoa, cán bộ địa phương đã đến rất nhiều lần nhưng chưa vận động được, nói gì cũng không đồng ý.

Anh Nam kể: "Hôm đó tôi cùng với ông chủ tịch xã, một vị lớn tuổi khác trong ấp đến gặp ông Thoa vào cuối giờ chiều. Biết ý, tôi thủ trước chai rượu, thêm dĩa mồi để nhâm nhi nói chuyện. Nhậu cả buổi không ai nói gì chuyện bàn giao mặt bằng cả. Đến khi sương sương, ông Thoa mới tự giãi bày hết tâm can. Ông nói rằng giá đền bù nhà ông thấp hơn mấy nhà gần đó là không hợp lý. Nhưng rồi được giải thích, phân tích rõ thiệt hơn, cuối cùng ông cũng đồng ý".

Tương tự, trường hợp của ông Ba Hùng (ở xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cũng là một trong những "ca khó".

Anh Văn Niên, chuyên viên Phòng Tài nguyên và môi trường, thành viên tổ tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng của huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, ban đầu ông Hùng không đồng ý, vì cho rằng cơ quan chức năng đo đạc không đúng với diện tích của ông và yêu cầu bồi thường giá cao hơn.

Qua 9 lần kiên trì tuyên truyền, vận động, làm đầy đủ các thủ tục đo đạc cũng không mang lại hiệu quả. Trong lúc bí bách, tổ vận động được một người dân gần nhà ông Hùng mách rằng, ông Hùng rất dễ tính, nhưng do con trai của ông tác động khiến ông chưa đồng ý.

"Con ông Hùng làm nghề lái xe nên không ở nhà thường xuyên. Mỗi lần hay tin anh này có nhà là tôi cùng tổ vận động đến lân la nói chuyện, kết thân như anh em trong nhà. Sau khoảng ba tháng kiên trì, dần dần chúng tôi cũng đã thuyết phục được anh này.

Đến cuối tháng 12/2022, ông Hùng và con trai vui vẻ ký vào biên bản nhận tiền bồi thường", anh Niên kể lại.

Ngủ màn trời chờ thi công

Anh Nam cho hay, tháng 4/2022, khi thi công đến đoạn qua thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) có một hộ địa phương vận động mãi không chịu bàn giao mặt bằng. Khi anh em ở Ban xuống hỏi thăm được biết, người dân báo có cái cống nằm chìm bên dưới không khảo sát được.

"Tôi nhờ chính quyền địa phương, hỏi lại cán bộ địa chính trước đây có phải cái cống nằm ở phía dưới như hộ dân trình bày không. Sau khi xác định là đúng, tôi đề nghị địa phương bổ sung vào hồ sơ để bồi thường thì hộ dân này chịu ngay", anh Nam nhớ lại.

Hay như trường hợp ở phường Hiệp Thành, thành phố Ngã Bảy, hộ này rất cứng rắn, nhất quyết không chịu bàn giao mặt bằng. Mãi đến khi nhận được thông tin chính quyền địa phương quyết định cưỡng chế, hôm sau xuống họ lại tự nguyện bàn giao.

Thời điểm nước rút thi công ba ca để kịp tiến độ, những công nhân đi ca đêm rất vất vả, phải thức đêm chờ xe bê tông về. "Khó khăn nhất là những lúc thi công trời mưa gió. Ban đêm muỗi rất nhiều, anh em công nhân vừa nói chuyện tiếu lâm, vừa ngồi đập muỗi, quần áo ướt nhem. Nhưng ai cũng lạc quan vì trách nhiệm, công việc, cố gắng động viên nhau để quên đi vất vả", anh Nam nói.

Trong quá trình thi công, công nhân gặp nhiều trở ngại, khi phía trên đầu là đường dây điện, phía dưới đường ống dẫn nước, phải di dời mới triển khai được.

Mặt bằng "xôi đỗ", muốn dời trụ điện đi vị trí khác phải có chỗ lắp đặt lại, nhưng khi thi công một đoạn lại gặp trường hợp người dân không chịu bàn giao mặt bằng, đứt đoạn, không dời trụ điện được, kéo theo một đoạn dài cũng không thể làm gì.

"Việc thi công rất khó, anh em cũng động viên nhau cố gắng làm, chỗ nào có trụ điện chưa di dời được thì đào xung quanh xong rồi bó trụ điện lại thật chắc, sau đó, chui vào trong thi công tiếp tục", anh Nam chia sẻ.

Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng quốc lộ 1, đoạn cửa ngõ phía Bắc thành phố Bạc Liêu có tổng chiều dài hơn 9km (quy mô 6 làn xe).

Dự án do Công ty CP Phương Nam và Công ty CP Đầu tư Pacific thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 633 tỷ đồng, thời gian xây dựng là 18 tháng.

Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1, đoạn từ thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài tuyến khoảng 19,8km (đoạn qua tỉnh Hậu Giang dài 8,9km; đoạn qua tỉnh Sóc Trăng dài 10,9km). Tổng mức đầu tư hơn 1.680 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.