Anh Nguyễn Sỹ Hùng hiện đang là Kỹ sư của Phòng quản lý hạ tầng, Bộ GTVT, bang Queensland - Australia |
Có bằng lái xe số tự động 1 năm mới được thi lái xe số sàn
Công tác trong ngành giao thông ở Australia đã lâu, anh có thể cung cấp một số thông tin về quy trình cấp GPLX tại Australia không, thưa anh?
Ở Australia có nhiều bang và mỗi bang lại có một luật lệ khác nhau, ở đây tôi sẽ nói về luật thi và cấp GPLX số tự động của bang Queensland, nơi tôi đang sinh sống. Quy trình cấp GPLX số tự động ở đây rất nghiêm ngặt, đầu tiên người thi sẽ phải thi lấy bằng lý thuyết, sau đó phải đợi 1 năm mới được thi thực hành, trong 1 năm đó người thi phải thực tập lái xe tối thiểu 100 giờ ở các điều kiện thời tiết, đường sá khác nhau, ví dụ như nắng, mưa, giông bão... hay các tuyến đường như trong phố, ngoài cao tốc.
Để được cấp GPLX ở xứ sở chuột túi là điều không dễ chút nào. Ảnh: Internet |
Người thực hành phải dán biển L (learner) đằng trước và đằng sau xe để mọi người biết là họ đang tập lái xe. Khi thực hành, phải có một người lái xe kinh nghiệm, có bằng lái xe số tự động (Open) ít nhất là 1 năm ngồi cạnh hướng dẫn, lúc thực hành phải có cuốn sổ để ghi chép nhật ký hành trình (bao gồm thời tiết, loại đường đi, thời gian lái xe), sau khi hết buổi thực hành, người hướng dẫn sẽ ký tên và sau 1 năm theo quy định, người thi sẽ đem cuốn sổ tới nộp cho cơ quan cấp phép lái xe để xin thi lấy bằng, cơ quan cấp phép sẽ kiểm tra cuốn sổ và mọi thông tin sẽ được đối chiếu hết sức chính xác qua hệ thống quá trình thực hành của người thi xem có đúng không và nếu thỏa mãn thì sẽ được bố trí để thi thực hành để lấy bằng.
Đến phần thi thực hành, người thi có 30 phút và được đưa ra đường để kiểm tra xem điều khiển đã thuần thục chưa với đầy đủ các phần thi như ở Việt Nam. Người thi có nhu cầu thi bằng GPLX số tự động sẽ được kiểm tra trên loại xe số tự động, nếu hoàn thành tốt, cơ quan cấp phép sẽ cấp bằng tạm thời với 1 năm thử thách, với chiếc bằng đó người lái xe phải dán ở đằng trước và đằng sau xe ô tô chữ P (provisional - bằng tạm thời).
Sau 1 năm nếu lái xe không gặp vấn đề gì, sẽ được chuyển sang bằng chính thức(Open). Chỉ sau khi đã có bằng lái tự động chính thức (bằng open) 1 năm, người lái xe mới được phép dự thi cấp bằng số sàn.
Người mới thi sẽ phải dán chữ L lên xe. Ảnh: Internet |
Nhiều người ngại học lái xe số sàn do phức tạp
Hiện nay ở Việt Nam, Bộ GTVT đang lấy ý kiến để điều chỉnh Thông tư 46 theo hướng sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo lái xe và thực hành, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe số tự động, anh có ý kiến gì về vấn đề này?
Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến này của Bộ GTVT Việt Nam, thực tế dòng xe số tự động đang rất phổ biến và nhất là trong các dòng xe Sedan (dòng xe gia đình) bởi xe số tự động rất thuận tiện, dễ dùng. Việc cấp GPLX số tự động sẽ thúc đẩy nhiều người tham gia học và thi lái xe ô tô hơn, bởi theo tôi biết thì có khá nhiều người còn tâm lý e ngại việc học và thi lấy bằng ô tô theo quy trình số sàn do phức tạp. Mà trên thực tế thì họ chỉ học để thi chứ không lái loại xe này hàng ngày.
Ở ta học ngược với Australia
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp GPLX số tự động là thừa, rắc rối và dễ gây nguy hiểm, bởi khi đã có bằng lái xe số sàn thì chắc chắn phải biết lái xe số tự động, đồng thời đã từng có nhiều vụ tai nạn liên hoàn do xe số tự động gây ra vì người điều khiển dẫm nhầm chân phanh thành chân ga, quan điểm của anh thế nào?
Theo tôi, nhiều người chỉ có nhu cầu lái xe số tự động thì hãy để người ta thi GPLX số tự động, mục tiêu của họ chỉ muốn lái xe số tự động cho nên đừng bắt họ phải thi GPLX số sàn, không phải ai cũng dễ dàng học được số sàn, nhiều người khá lúng túng trong việc vừa phải điều chỉnh tay lái, quan sát đường lại phải nhìn vào cần số để chuyển thế nào cho đúng, cho nên với những thuận tiện, dễ dàng của xe số tự động thì cần áp dụng ngay cho những người có nhu cầu học và thi lấy loại bằng này.
Còn việc xe số tự động dễ gây ra tai nạn thì theo tôi là do người điều khiển chưa học lái một cách thuần thục, chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ. Chính vì ở Việt Nam chỉ tập trung vào cấp bằng xe số sàn nên kỹ năng lái xe số tự động mới không được hoàn chỉnh, không được kiểm định một cách có hệ thống, và vì thế, càng dễ gây tai nạn hơn. Cần lưu ý rằng mặc dù việc lái xe số tự động dễ hơn việc lái xe số sàn, nhưng kỹ năng lái hai loại xe này không hoàn toàn giống nhau.
Chính vì lẽ đó nên ở Úc họ yêu cầu học lái xe số tự động trước rồi sau đó mới học lái xe số sàn, trong khi ở Việt Nam lại “nhảy cóc” luôn lên xe số sàn và gần như bỏ trống kỹ năng lái xe số tự động. Khi chưa học nhuần nhuyễn lại lái xe tự động ra đường thì việc lúng túng dẫm nhầm chân phanh thành chân ga là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi gặp xung đột hoặc tình huống bất ngờ trên đường.
Việc gây ra tai nạn đa phần đều xuất phát từ kỹ năng chưa thuần thục của người điều khiển. Ảnh: Internet |
Đã lái xe số tự động lâu năm, anh có lời khuyên nào dành cho những người đang sử dụng loại xe này và sắp tới sẽ thi lấy GPLX?
Theo tôi, chẳng có gì phải cảm thấy khó khăn hay e ngại khi lái loại xe này, kể cả việc dư luận cho rằng nó dễ gây tai nạn như tôi đã nói ở trên. Bởi cũng giống như việc khi người ta biết bơi, thì dù cho chỗ nước nông, sâu hay nước xoáy cũng đều có thể điều khiển cơ thể một cách dễ dàng. Mọi người chỉ cần tập trung quan sát, cẩn thận hơn trong việc điều khiển chân ga, chân phanh và quan trọng nhất là phải thực hành lái thật nhiều, thật nhuần nhuyễn rồi mới tham gia giao thông.
Ngoài ra tôi thấy quy trình thi GPLX ở Việt Nam cần phải bổ sung thêm nhiều giờ thực hành lái xe số tự động cho học viên để ai cũng có thể trang bị cho mình đầy đủ những kỹ năng cần có khi lái loại xe này.
Motor phân khối lớn được đi trên tất cả các tuyến đường nhưng bị giới hạn tốc độ
Cùng với việc cấp GPLX số tự động, chuyện thí điểm cho xe motor phân khối lớn đi vào một số tuyến đường cao tốc ở Việt Nam đang được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều người phản đối cho rằng motor đi chung làn với ô tô trên cao tốc là rất nguy hiểm. Anh có thể cho biết ở Queensland việc này được quy định thế nào?
Theo tôi thì việc này hoàn toàn bình thường, ở bang Queensland (Úc) những chiếc motor phân khối lớn được đi trên tất cả các tuyến đường và đều bị giới hạn tốc độ, kể cả trên đường cao tốc thì cao nhất cũng chỉ được đi với tốc độ 110km/h.
Cho nên những chiếc xe vài trăm, vài nghìn phân khối bị buộc phải giới hạn tốc độ theo quy định và chủ xe vẫn luôn phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu muốn thỏa mãn niềm đam mê thì các CLB xe motor phân khối lớn phải thuê địa điểm mới được đi với tốc độ cao.
Theo anh thì motor phân khối lớn nên được đi vào làn xe nào là phù hợp?
Ở bang Queensland chỉ có một làn đường duy nhất và tất cả mọi loại xe đều đi chung vào đó, tuy nhiên cứ cách khoảng 5, 6km lại có một đoạn có làn đường thứ hai và làn này có tác dụng cho phép các xe vượt nhau. Vì ý thức của người tham gia giao thông ở đây rất cao nên một làn đường với hỗn hợp xe như vậy rất ít khi có chuyện TNGT xảy ra.
Còn ở Việt Nam trên một tuyến đường có rất nhiều làn xe phân ra như làn xe thô sơ, xe máy, xe ô tô con và xe tải... Theo tôi thì cứ để xe motor phân khối lớn đi vào làn xe máy, bởi khi bị quy định chạy với tốc độ giới hạn thì nó cũng không gây ảnh hưởng gì tới các loại xe máy kém phân khối hơn.
Xin cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận