Con người và tác phẩm của họ như những chứng nhân lịch sử về một thời khói lửa, hào hùng.
Viết giữa mưa bom bão đạn
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (thứ 2 từ trái qua phải) chụp cùng Tiểu đội nuôi quân và lính trinh sát của đơn vị mình tại Dinh Độc Lập ngày 3/5/1975. Ảnh: NVCC
Nhà văn Khuất Quang Thụy là một trong những gương mặt tiêu biểu cho đội ngũ chiến sĩ, vừa cầm súng vừa viết văn.
Năm 1967, chàng thanh niên 17 tuổi Khuất Quang Thụy hăng hái xung phong “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, được điều về Sư đoàn 320. Ông bắt đầu hành trình đời lính, lăn xả ở hầu hết các điểm nóng từ chiến trường miền Nam, tới Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên… trong cuộc chiến chống Mỹ.
Trong suốt quãng thời gian ở tiền tuyến, chứng kiến mất mát, giữa sự sống và cái chết cận kề, hay trong những đêm đói, sốt rét rừng hành hạ, chính văn chương lại là thứ xoa dịu tâm hồn của người lính trẻ.
Nhớ về những trang văn, những tác phẩm từng đọc, tôi như bước ra khỏi thực tại khốc liệt của chiến tranh.
Nhà văn Ngô Thảo
Ông kể, hành trang quý giá nhất ngày ấy là cây bút và những trang giấy pơ-luya được cắt nhỏ, đóng thành quyển sổ tay nhỏ nhắn, lúc nào cũng mang theo bên mình.
Những tác phẩm văn chương của ông được viết giữa núi rừng Trường Sơn cũng vào hoàn cảnh rất đặc biệt - trong tiếng nổ chát chúa, khói tung trắng trời và những tiếng rít ghê rợn của đường đạn.
“Lính mà, làm gì có nhiều thời gian nghỉ, để nghiền ngẫm hay viết thành những tác phẩm dài như truyện dài, tiểu tuyết. Tôi chỉ có thể làm thơ, viết truyện ngắn và bút ký gửi ra Bắc, hay ghi lại những trang nhật ký làm tư liệu vào những lúc tranh thủ giờ nghỉ giữa các trận đánh”, nhà văn kể lại.
Cũng có lần khi đang mải mê viết dưới hào, đơn vị ông bất ngờ bị máy bay Mỹ vây ráp ném bom, xả đạn, nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại.
Còn ông, bị đất lấp kín người. Khi được đồng đội bới ra khỏi đống đất bụi mù, ông mới biết mình còn sống. Nhưng bất chấp cơ thể bầm dập, ông vẫn quyết tìm lại cuốn sổ tay đang nằm sâu dưới lớp đất.
“Trong chiến tranh, nhiều khi quần áo mất không tiếc, chỉ tiếc cuốn sổ tay, bởi nó là ký ức, máu thịt của mình. Ngày ấy làm gì có sẵn giấy mực, viết cũng chẳng dám dông dài mà chỉ ghi lại ý chính”, nhà văn nghẹn ngào kể lại.
Chất lính cứ thế đi vào văn chương của ông như một lẽ tự nhiên. Chẳng vậy mà, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình từng thốt lên: “Khuất Quang Thụy cả đời chỉ loay hoay viết về đồng đội, về chiến tranh”.
Chính Khuất Quang Thụy cũng thừa nhận: “Tôi là nhà văn trưởng thành từ chiến sĩ. Tôi viết trong suốt quá trình ra trận và cả sau này. Tất cả những cuốn quan trọng nhất của tôi đều viết về các chiến dịch, các trận đánh: Cuốn“Trong cơn gió lốc” viết về chiến dịch Tây Nguyên. “Trước ngưỡng cửa bình minh” viết về trận Đồng Dù. Sau này tiếp tục viết về chặng đường chiến đấu của Sư đoàn 320 như “Những bức tường lửa”, “Đối chiến”.
Văn chương xoa dịu tâm hồn người lính
Đại tá, nhà văn Khuất Quang Thụy
Mùa Xuân năm 1965, nhà văn Ngô Thảo vừa về Viện Văn học chưa lâu nhưng đã chọn xách ba lô nhập ngũ và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần. Ông hành quân vào chiến trường miền Nam, làm binh nhì ở một đơn vị pháo binh, chiến đấu 6 năm ở chiến trường Trị Thiên.
Trong hành trang của anh lính Ngô Thảo ngày ấy luôn có một cuốn sổ, một cây bút. Hàng ngày sau giờ hành quân, những trải nghiệm của cuộc chiến đều được chàng cựu sinh viên khoa Văn Tổng hợp ghi chép tất cả vào sổ tay.
Thế nhưng, lần “sáng tác” đầu tiên của Ngô Thảo trong chiến hào không phải là những bài thơ, mẩu truyện gửi về hậu phương như Khuất Quang Thụy, mà là bài điếu văn nặng ân tình cho những người đồng đội vừa ngã xuống.
Tuy là lính chiến cầm súng nhưng trái tim đa cảm và tâm hồn văn chương lãng mạn, Ngô Thảo thừa nhận, ông nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến đồng đội vừa mới hôm qua còn ở bên nhau, chia từng miếng cơm manh áo, thì chỉ ngày mai thôi đã phải tự tay chôn cất họ.
Còn với chàng lính bộ binh Nguyễn Văn Thọ của E.593 (Trung đoàn cao xạ) thuộc F.320, mặt trận Tây Nguyên ngày ấy, viết văn vẫn là điều ông chưa nghĩ tới. Nhưng những bài thơ “con cóc” gửi cha ở quê nhà lại là món quà diệu kỳ, giúp ông xoa dịu nỗi nhớ nhà, nhớ quê sau cả chục năm nơi chiến trường chống Mỹ.
Chính bản thân ông cũng chẳng ngờ, những vần thơ ngày ấy, những năm tháng trực tiếp cầm súng ở nhiều chiến trường ác liệt đã giúp ông có những trải nghiệm quý giá, để tạo nên hơn 20 tác phẩm viết về đề tài chiến tranh được bạn đọc yêu thích như: “Tấm chăn màu huyết dụ”, “Lời hứa của chiến tranh”, “Vô danh trận mạc”, “Người Hà Nội”, “Thằng Phoóng em tôi”, “Vàng xưa”, “Mùi thuốc súng”…
“Đến bây giờ, nhắm mắt lại tôi cũng mường tượng rõ cả cánh rừng trơ trụi vì mưa bom của giặc, cả tiểu đội nằm xuống vì bom từ B52 trút xuống. Và tiếng kêu của những con gà rừng còn sống sót, lần theo xe chở lương thực tìm nhặt gạo bị đánh tung tóe trên đường mòn giao liên…”, nhà văn xúc động kể lại.
Những khoảnh khắc có một không hai
Nhà văn Ngô Thảo
Khoảnh khắc hai xe tăng 843 và 390 của lực lượng quân giải phóng tiến vào hất tung cổng Dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975 là giây phút đã đi vào lịch sử.
Với người lính Nguyễn Văn Thọ, khoảnh khắc lịch sử ấy là ký ức không bao giờ quên trong suốt cuộc đời cầm súng và cầm bút. Ông kể, ngày 29/4/1975, Đại đội ông đánh vào Đồng Dù, ông được tham mưu trưởng trung đoàn chọn vào đội trinh sát. Lần ấy ông đeo băng tang ra trận - mẹ ông mất, nhưng lá thư báo tử mãi tận ba năm sau mới đến tay.
“Chúng tôi ùa vào Sài Gòn lúc quân địch tan rã từng mảng. Tôi đến gần sân bay Tân Sơn Nhất đúng lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên sóng phát thanh. Sinh viên từ đâu ùa ra nhiều lắm. Những nữ sinh mặc áo dài trắng đứng hai bên đường phát bánh mì kẹp dưa chuột và thịt cho chúng tôi.
Khi đi lính, tôi 16 tuổi, 10 năm chinh chiến, tôi nào biết con gái, phụ nữ. Một nữ sinh đưa bánh mì, tôi không lấy bánh, mà chìa tay ra: “Chào em gái Sài Gòn, tôi là trai Hà Nội đây!”. Trong một tiệm bán thuốc, tôi đọc mấy câu thơ miền Nam, họ ùa ra, cởi mở hơn. Họ ngạc nghiên hỏi, sao lại biết thơ miền Nam, rồi mời chúng tôi ăn cháo. Một bà má miền Nam còn kéo tôi đi mua cho cả cây thuốc lá.
Nếu như ban ngày hân hoan, thì đêm hôm ấy tôi có chút suy tư. Tự nhiên bấy giờ tôi nhớ nhà kinh khủng. Tôi nhớ ngôi nhà với vỉa hè lát đá hoa, giàn hoa tigon mình trồng còn nhiều hoa tim vỡ không? Cây bàng mình trồng năm 1960 còn không? Cô bạn cùng lớp rất thân đã lấy chồng chưa? Lớp tôi có hơn 10 đứa đã viết thư bằng máu xin vào chiến trường, thằng nào còn, thằng nào mất…”, Nguyễn Văn Thọ kể về miền ký ức.
Còn với chàng lính Khuất Quang Thụy, vào trưa 30/4, trung đoàn của ông vào tới Dinh Độc Lập. Thế nhưng, điều ông tiếc nuối nhất là khi để mất bản thảo viết tại đây.
“Anh em làm báo bên Thông tấn xã Việt Nam biết tôi đi hướng Đồng Dù vào liền đề nghị tường thuật cuộc hành quân. Tôi về hậu dinh, vào văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa lấy luôn tập giấy tiêu đề còn nguyên mấy chữ Việt Nam cộng hòa đầu trang viết bài lược thuật trận Đồng Dù.
Sợ đồng nghiệp khó đọc, tôi cố tình viết chữ rất to. Có lẽ tôi là người duy nhất viết tin bằng giấy của văn phòng Phủ Tổng thống Dương Văn Minh. Tiếc rằng các đồng chí cầm bản thảo đó, ngoài tin về một hướng tiến quân, còn lại họ vứt đi đâu đó rồi. Sau Bảo tàng Hội Nhà văn muốn sưu tầm, đến hỏi mình chẳng còn mà đưa”, nhà văn Khuất Quang Thụy tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận