Hai xe “đấu đít” sang tải trước cổng cảng Đà Nẵng (chụp ngày 7/5) - Ảnh: Duy Lợi |
Thâm nhập "đường dây" sang tải
Từ phản ánh qua đường dây nóng, PV Báo Giao thông vào cuộc tìm hiểu, phát hiện “đường dây” bốc vác thuê, sang tải ngang nhiên tồn tại, nhằm đối phó với quy định siết tải trọng xe ra, vào cảng Tiên Sa.
Mới đây nhất, khoảng 8h30 ngày 18/5, xe tải BKS 82C-013.84 chở hàng rời đầy thùng “có ngọn”, chạy về phía đầu đường Yết Kiêu (quận Sơn Trà). Đến cách cổng cảng Tiên Sa hơn 100m, xe này bất ngờ tấp lại bên lề. Chừng 10 phút sau, một xe tải khác BKS 43C-048.16 với thùng hàng rỗng từ cảng Tiên Sa chạy ra rồi nhanh chóng “đấu thùng” vào chiếc xe tải BKS 82C-013.84. Giữa trời nắng gắt, một đội quân bốc vác khoảng chục người đã chờ sẵn trong các bụi cây ven đường, nhanh chóng leo lên phía thùng xe 82C-013.84, hì hục bốc dỡ các bao tải nặng trịch từ xe này sang xe 43C-048.16.
Sau khi nhận khoảng 1/3 số bao tải từ xe 82C, tài xế xe 43C nổ máy chạy thẳng vào cảng Tiên Sa “xả hàng”. Đội quân bốc vác được lệnh chia số hàng còn lại đều đặn trên thùng xe 82C trước khi xe này chuyển bánh về phía cảng Tiên Sa. Chủ một quán nước giải khát khu vực gần cổng cảng Tiên Sa cho hay: “Tình trạng các xe quá tải sang tải diễn ra thường xuyên tại khu vực này. “Hầu như ngày nào mấy xe này cũng đỗ đấu đuôi nhau rồi bốc dỡ hàng từ xe này qua xe khác. Nhiều lúc giữa buổi trưa mà họ bốc hàng làm bụi bay mù mịt rất khó chịu”, người này cho biết.
Theo cánh tài xế, từ lúc cảng Tiên Sa thực hiện siết chặt tải trọng, các xe chở quá số hàng quy định đều không được ra vào cảng nên nhiều chủ xe tiến hành sang tải. Có cầu ắt có cung. Một đội quân bốc vác tự phát hình thành. Mỗi lần các xe chở hàng rời ra khỏi cảng, hầu hết đều vơi thùng sẽ được “tăng bo”, dồn hàng thêm từ một vài xe khác. Tương tự, những xe chuẩn bị vào cảng “xả hàng”, nếu quá tải sẽ được “dịch vụ” này dồn hàng, hạ tải đều để vào cảng Tiên Sa đúng tải trọng quy định.
Trong vai một người đang tìm kiếm công việc bốc vác, PV Báo Giao thông được cánh bốc vác giới thiệu gặp một “sếp” có số điện thoại 0943.9184... Liên hệ theo số máy này, giọng một người đàn ông đầu dây bên kia xác nhận “đã đủ người” nhưng vẫn lưu lại số để khi thiếu sẽ gọi. Một trong số phu bốc vác cho hay, trung bình mỗi tháng, họ có việc làm khoảng 20 ngày. Hôm nào nhiều xe nhờ sang tải, mỗi người kiếm được gần 1 triệu đồng. Hôm ít cũng được hơn 100 nghìn. Mọi hoạt động do “sếp” trên điều hành.
Trước đó, ngày 7/5, PV Báo Giao thông trực tiếp ghi nhận hai chiếc xe tải BKS 43C - 050.71 và 43H - 7366 đấu đuôi nhau, khoảng chục nhân công đang hì hục bốc xếp hàng san tải từ chiếc xe 43H - 7366 sang xe tải 43C - 050.71. Ngay sau đó, một chiếc xe tải khác cũng mang BKS của Đà Nẵng đã mở cửa thùng xe ung dung chờ sang tải.
Chiếc xe này tiến vào cảng Tiên Sa sau khi sang tải (chụp ngày 18/5) |
Dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng?
Tình trạng dồn hàng, sang tải trên tuyến đường vào cổng cảng Tiên Sa trước đó diễn ra khá nhức nhối. Trước đó, ghi nhận của PV Báo Giao thông, liên tục những ngày cuối tuần từ ngày 6 đến 9/2, khu vực đầu đường Yết Kiêu, chỉ cách cổng cảng Tiên Sa vài chục mét trở thành các bãi tăng, hạ tải hoạt động tấp nập. “Chợ sang tải” phổ biến, với đội quân bốc vác tập trung chủ yếu vào các giờ chiều. Hàng loạt xe tải tham gia dồn hàng như xe BKS 43C-033.34, 43H-7386, 43C-050.71…
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết, cảng thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát tải trọng đối với tất cả các xe ra vào cảng. Tuy nhiên, thẩm quyền của cảng chỉ trong phạm vi địa giới của mình. Các hành vi dồn hàng, sang tải bên ngoài do cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Đơn vị cũng nhiều lần phản ánh, kiến nghị về vấn đề này để tạo sự bình đẳng trong vận tải hàng hóa.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng cho biết: “TTGT phối hợp Công an huyện Hòa Vang, Chi cục QLĐB III.1 để kiểm tra xử lý vi phạm quá tải trên địa bàn. Phía khu vực các cảng Tiên Sa, cảng Hải Sơn… có các đội TTGT địa bàn cơ động tuần tra, xử lý tải trọng”.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Đội TTGT này vẫn “chưa phát hiện” trường hợp vi phạm. Câu hỏi đặt ra, liệu hành vi dồn hàng sang tải ngay giữa thanh thiên bạch nhật, tồn tại ngang nhiên nhiều tháng nay có phải vì dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng.
Năm 2014, Đà Nẵng từng triển khai mô hình Tổ cân tải trọng lưu động do CSGT phối hợp TTGT kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi chở hàng quá tải, dồn hàng, sang tải, đảm bảo trật tự vận tải khu vực cảng… Tuy nhiên, những tháng gần đây, mô hình này bất ngờ tạm ngưng hoạt động. Từ đó, tình trạng dồn hàng, sang tải tái diễn phổ biến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận