Trung Quốc: Trạm dừng nghỉ hút khách không kém điểm du lịch
Trên toàn mạng lưới cao tốc dài hơn 160.000km của Trung Quốc hiện nay đã phát triển hàng ngàn trạm dừng nghỉ được bố trí cách nhau từ 50 - 60km.
Trạm dừng nghỉ Hồ Dương Trừng có cảnh quan nổi bật với phía trước sảnh, khu nội viên với lối đi có mái che, hồ nước và vườn cây xanh.
Không chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản như nhà vệ sinh, bãi đỗ xe và trạm xăng dầu, các trạm được mở rộng với các tiện ích đa dạng bao gồm: khu vực phục vụ ăn uống, mua sắm, khu vui chơi giải trí, khu vực chăm sóc trẻ nhỏ và hệ thống wifi miễn phí.
Đặc biệt, hầu hết các trạm dừng nghỉ còn được trang bị phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, trạm sạc xe điện và xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông.
Môi trường nghỉ ngơi tại các trạm được thiết kế rộng rãi, sạch sẽ và an ninh được đảm bảo 24/24h bởi đội ngũ an ninh địa phương.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tham gia giao thông, hệ thống trạm dừng nghỉ còn góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến cao tốc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và du lịch địa phương.
Toạ lạc trên tuyến đường cao tốc thuộc thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, trạm dừng nghỉ Hồ Dương Trừng được khánh thành vào năm 2019, nhanh chóng trở thành một trong những trạm dừng hiện đại bậc nhất tại Trung Quốc.
Trạm này có diện tích tổng thể lên đến 27ha, gồm hai khu vực chính là Trạm Bắc và Trạm Nam. Trong đó, Trạm Bắc là nơi diễn ra các hoạt động chính, nổi bật với khu thương mại và dịch vụ đầy đủ, thiết kế thẩm mỹ và quy hoạch hợp lý.
Được lấy cảm hứng từ những bức tranh thủy mặc nổi tiếng của họa sĩ Wu Guanzhong, trạm Hồ Dương Trừng khôi phục lại sức hấp dẫn thẩm mỹ và nét quyến rũ lịch sử của các thị trấn ven sông ở vùng đồng bằng sông Dương Tử với thiết kế cảnh quan nước, mái vòm tròn, tường trắng và gạch đen.
Sự kết hợp này mang lại không gian nghỉ ngơi lý tưởng, thu hút đông đảo du khách và lái xe dừng chân tham quan trải nghiệm, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.
Một trong những điểm nổi bật của trạm dừng nghỉ Hồ Dương Trừng là bãi đỗ xe rộng, tiện lợi cho các phương tiện giao thông.
Khu vực trước trạm có hai hồ nước lớn, tạo không gian cảnh quan thoáng đãng và là nơi lý tưởng cho việc nghỉ ngơi, thư giãn.
Trạm dừng nghỉ Hồ Dương Trừng còn có khu vực bán đồ đặc sản và nhiều gian hàng ẩm thực, trái cây, hàng hóa, cửa hàng tiện lợi, và khu vui chơi trẻ em.
Tất cả đều được bố trí một cách hợp lý, có hướng dẫn thuận tiện cho việc tìm kiếm và trải nghiệm các dịch vụ. Việc kinh doanh tại trạm được đánh giá là sôi động, với lượng khách lớn bao gồm cả khách xe hơi và xe tải.
Với sự quan tâm đầu tư ngày càng cao, áp dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển đi trước để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, các trạm dừng nghỉ tại Trung Quốc trở thành những điểm dừng chân an toàn và tiện nghi của người dân và du khách.
Điều này không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến cao tốc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch địa phương, biến mỗi trạm dừng nghỉ thành một điểm đến hấp dẫn.
Hàn Quốc: Trạm dừng nghỉ mang về hơn 1 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm
Theo thống kê, trên mạng lưới đường cao tốc rộng lớn của Hàn Quốc có tới 189 trạm dừng nghỉ, không chỉ là nơi để lái xe nghỉ ngơi mà còn là điểm đến đáng để khám phá văn hóa và ẩm thực địa phương.
Mỗi năm, các trạm dừng nghỉ góp phần mang về hơn 1 tỷ USD lợi nhuận. Con số này phần nào cho thấy vai trò quan trọng của chúng trong du lịch và kinh tế địa phương.
Các tuyến đường cao tốc ở Hàn Quốc thường quy hoạch xây dựng 3 loại trạm dừng nghỉ.
Trong đó, lớn nhất là những trung tâm dịch vụ đa chức năng, thứ hai là trạm dừng nghỉ cơ bản và thứ ba là các trạm dừng nhỏ chỉ đơn thuần cho phép lái xe dừng chân nghỉ ngơi khoảng 15 - 20 phút, hạn chế tình trạng mệt mỏi do lái xe quá lâu.
Một số trạm dừng nghỉ vận hành không khác gì một trung tâm thương mại hay resort khi cung cấp nhiều dịch vụ như khu mua sắm, khu vui chơi trẻ em, thậm chí có cả nơi ngủ nghỉ, cắm trại, xông hơi…
Đây cũng là nơi để đưa các sản vật, đặc sản nổi tiếng của địa phương vào phục vụ du khách, từ đó quảng bá mạnh mẽ cho hình ảnh địa phương nơi đặt trạm.
Có thể kể tới trạm dừng nghỉ sinh thái Deokpyeong. Đây được xem là trạm dừng chân hàng đầu Hàn Quốc cả về mặt quy mô lẫn cơ sở vật chất, nơi du khách có thể trải nghiệm không gian thư giãn, hoà mình vào thiên nhiên.
Ngoài ra còn là trạm dừng nghỉ Seoul Underground Rendezvous, nơi luôn đông đúc với dòng người dài xếp hàng để thưởng thức món cơm canh bò Maljuk - một trong những món ăn truyền thống được yêu thích nhất có thể tìm thấy ở các quầy ăn bên đường cao tốc.
Nhật Bản: Biến trạm dừng nghỉ thành nơi quảng bá bản sắc địa phương
Với hơn 800 trạm dừng nghỉ trải dọc hệ thống đường cao tốc sau 30 năm phát triển, Nhật Bản khẳng định vai trò quan trọng của các trạm này trong việc đảm bảo phát triển kinh tế, thương mại và xã hội, tạo ra cơ hội kinh doanh, việc làm và các hoạt động văn hóa, giáo dục... cho cư dân địa phương.
Chính phủ Nhật Bản đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, yêu cầu mỗi khoảng cách 50km phải có trạm dừng nghỉ với đầy đủ dịch vụ như: trạm xăng, nơi ăn uống và nghỉ ngơi; mỗi 20km phải có trạm để giải quyết nhu cầu vệ sinh, đảm bảo an toàn và tiện lợi cho người dân khi sử dụng đường cao tốc.
Ngoài việc đảm bảo tiện ích cơ bản, các trạm dừng nghỉ ở Nhật Bản còn là điểm nhấn trong việc quảng bá bản sắc địa phương.
Tại đây, du khách có thể nhìn thấy các bảng thông tin, quầy tạp chí, không gian quảng cáo du lịch vùng miền.
Những quầy bày bán sản vật, đồ lưu niệm địa phương cũng là phần không thể thiếu và thường đông khách ra vào. Thường kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt, tại nhiều trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc còn diễn ra các hội chợ, triển lãm đồ thủ công, đồ mỹ nghệ, trưng bày các sản vật đặc trưng cho địa phương đặt trạm…
Nhìn vào kinh nghiệm thành công các quốc gia phát triển tại châu Á đã áp dụng, có thể thấy, triển khai đồng bộ trạm dừng nghỉ với công trình cao tốc cùng với quy hoạch, thiết kế phù hợp, lựa chọn được các nhà đầu tư có tầm nhìn, đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai các công trình trạm dừng nghỉ là hướng đi cần thiết và đúng đắn để phát huy tối ưu hiệu quả các tuyến đường cao tốc tại Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận