Nhiều vi phạm được chỉ ra
Ngày 28/10, ông Võ Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đắk Nông cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Giao thông, Sở TN-MT chủ trì phối hợp với UBND huyện Tuy Đức và UBND xã Đắk Ngo tiến hành kiểm tra, xác minh đối với mỏ đá Sơn Trung Kim (thôn 1, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức), thuộc Công ty TNHH Sơn Trung Kim.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và chỉ ra nhiều vi phạm tại mỏ đá Sơn Trung Kim. Ảnh: Ngọc Hùng
Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận mỏ đá chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác, chưa lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa theo quy định. Sau đó, Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Đối với nội dung phản ánh tại khu vực mỏ này có dấu hiệu khai thác, vận chuyển đá cây trái phép. Qua quan sát, tại vách moong khai thác có dấu hiệu đá bazan dạng trụ, cột có khả năng thu hồi trong quá trình khai thác. Kiểm tra tại xưởng cưa xẻ đá (của Công ty TNHH Sơn Trung Kim) cách mỏ đá khoảng 1km, có khối lượng khoảng 40m3 đá bazan dạng khối.
Đoàn kiểm tra phát hiện tại vách moong khai thác có dấu hiệu đá bazan dạng trụ. Đồng thời, kiểm tra tại xưởng cưa xẻ, có khoảng 40m3 đá bazan dạng khối. Ảnh: Ngọc Hùng
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty quản lý, bảo vệ khối lượng đá bazan dạng khối nêu trên tại xưởng và chỉ được đưa vào sử dụng khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cũng theo Sở TN-MT, đối với nội dung phản ánh “đá từ cối xay đổ tràn xuống lòng suối, vùi lấp, làm thu hẹp dòng chảy, khiến dòng suối bị biến dạng, gây xói lở đất”, qua kết quả kiểm tra tại vị trí suối có hiện tượng sạt lở một phần ở bờ suối và đổ đá tràn xuống dòng suối.
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, công ty đã khắc phục việc khơi thông dòng chảy, nhưng vẫn còn một lượng đá tràn xuống dòng suối chưa xử lý.
Khu vực suối bị đất, đá vùi lấp. Ảnh: Ngọc Hùng
Ngoài ra, với nội dung phản ánh về bụi bặm làm ảnh hưởng đến cây trồng, tại thời điểm kiểm tra, do đang là mùa mưa nên Đoàn không phát hiện có hiện tượng bụi làm ảnh hưởng đến cây trồng.
“Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty chấp hành các nội dung theo Giấy phép khai thác khoáng sản đã được cấp, Luật khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ. Trong quá trình khai thác phải có phương án khai thác phù hợp, tránh gây sạt lở bờ suối, đảm bảo về môi trường, tránh gây ảnh hưởng đến cây trồng của người dân”, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông khẳng định.
Chủ mỏ đá nói gì?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lâm Văn Hảo (người quản lý mỏ) cho biết: “Trước đây tôi và một người khác góp cổ phần để khai thác mỏ đá trên. Sau đó, người này không làm nữa nên sang lại cho tôi, hiện tôi đang đổi pháp nhân nhưng đang vướng thuế nên chưa đổi được.
Mỏ đá Sơn Trung Kim không thực hiện lắp đặt trạm cân những vẫn hoạt động bán đá không đúng quy định. Ảnh: Ngọc Hùng
Trong quá trình hoạt động có nhiều khó khăn nên mỏ đá tạm nhưng, mỏ mới hoạt động lại từ cuối tháng 10/2020. Đường sá hư hỏng từ mỏ đá ra Quảng Tín (huyện Đắk R’lấp) hư hỏng là có nhưng xe mỏ đá chạy một số ít. Trong khi đó, năm nào doanh nghiệp cũng hỗ trợ đổ, vá đường để bà con vận chuyển cà phê.
Mỏ đá khai thác gần như không ảnh hưởng đến người dân. Việc phản ánh của người dân, mỏ sẽ khắc phục tất cả. Còn việc đổ đất, đá lấp suối là không có, tôi không bao giờ làm. Ở dòng suối đó, khi nước chảy mạnh làm xói mòn cống nên tôi chở đá đổ xuống để kè lại. Đá đổ xuống lấp suối, qua mùa mưa công ty lại nạo vét”.
Theo ông Lâm Văn Hảo, chủ mỏ đá đang "gồng mình" hoạt động vì khó khăn, đang tìm người chuyển nhượng. Ảnh: Ngọc Hùng
Cũng theo ông Hảo, mỏ đá được cấp phép khai thác 5ha, đơn vị đã nộp thuế cấp quyền khai thác đầy đủ. Ngoài ra, còn có hơn 2ha để đổ tầng phủ (đất, đá mặt phong hóa -PV). Việc khai thác đá cây cũng chở lên bãi đổ, cục nào lớn thì tiết kiệm chở đi xẻ.
“Trạm cân mỏ cũng đã làm rồi nhưng do sai thiết kế nên trạm mới chuyển đi chỗ khác. Hiện do trời mưa nên không lắp được. Mỏ đang cố gắng gồng qua thời gian khó khăn, duy trì cho mỏ sống rồi tìm người nào đó có khả năng sang nhượng. Thật sự tôi làm không nổi nữa”, ông Hảo chia sẻ.
Như Báo Giao thông đã phản ánh, tại mỏ đá Sơn Trung Kim (thôn 1, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) Quá trình khai thác, chủ mỏ đá cho bốc lớp đất, đá phong hóa đổ thẳng xuống dòng suối, xay nghiền đá gây bụi bặm ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt tại khu vực này có dấu hiệu khai thác, vận chuyển đá cây trái phép và không lắp đặt trạm cân theo quy định nhưng vẫn không bị xử lý hoặc cho dừng hoạt động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận