Theo hãng tin AP, nghị quyết do Mỹ khởi xướng sau những cáo buộc từ Ukraine và phương Tây về vụ việc sát hại dân thường tại Bucha, thuộc vùng Kiev, Ukraine.
Bất chấp phản bác từ các cấp của Nga, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã chỉ trích Nga vì cho rằng binh lính nước này đã gây nên tình trạng hàng trăm dân thường tại Bucha bị sát hại, xác nằm la liệt trên đường hoặc chôn trong những hố chôn tập thể.
Người phát ngôn của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) Paulina Kubiak cho biết, phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ sẽ diễn ra trong sáng nay 7/4 theo giờ New York (Mỹ). Trong đó, nghị quyết về quyền thành viên của Liên bang Nga tại Hội đồng Nhân quyền sẽ được đưa ra bỏ phiếu.
Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu về nghị quyết để loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền vì những cáo buộc về tình hình tại Bucha. Ảnh - AFP
Hội đồng Nhân quyền có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ với 47 thành viên do 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ bầu chọn, thời gian nhiệm kỳ 3 năm.
Nghị quyết hồi tháng 3/2006 của Hội đồng này nêu rõ ĐHĐ LHQ có thể đình chỉ quyền thành viên của một quốc gia nếu nước này vi phạm nhân quyền một cách thô bạo và có hệ thống.
Bà Paulina Kubiak cho biết: "Nghị quyết sẽ được bỏ phiếu để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân quyền, nhân đạo tại Ukraine, đặc biệt trước những báo cáo cáo buộc vi phạm, lạm dụng nhân quyền, vi phạm luật nhân đạo quốc tế của Liên bang Nga".
Quyết định sẽ được đưa ra nếu có 2/3 trong tổng số thành viên của ĐHĐ LHQ bỏ phiếu đồng ý.
Về phía Nga, Moscow bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến các vụ sát hại thường dân, kể cả ở Bucha. Đặc phái viên của Nga tại Liên hợp quốc, Vasily Nebenzya, cho biết Nga sẽ trình bày "bằng chứng thực nghiệm" trước Hội đồng Bảo an để chứng minh cho thấy lực lượng của họ không tham gia vào sự việc trên.
Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ những cáo buộc của Ukraine, cho rằng những hình ảnh và video tại hiện trường đã được dàn dựng nhằm phát tán trên truyền thông phương Tây, theo Sputnik.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận