Bảo trì đường bộ trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Ninh Bình - Ảnh: Tạ Tôn |
Thêm lãng phí, mất ATGT
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 60/2017 thay thế Thông tư liên bộ 230 về hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/8/2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017 cho phần kinh phí quản lý, bảo trì quốc lộ do Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương thực hiện.
Theo đó, nguồn kinh phí của quỹ Trung ương, gồm: Ngân sách Trung ương cấp từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Trung ương (65% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước); Ngân sách Trung ương cấp bổ sung cho quỹ Trung ương; Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
"Trước đây nếu vượt thu, Hội đồng quỹ cũng sẽ quyết định được ngay việc sử dụng con số vượt thu để bổ sung vào kế hoạch bảo trì kịp thời sửa chữa đường. Nhưng khi vào ngân sách, thu chi do Nghị quyết Quốc hội ban hành. Năm nay con số vượt thu lại không được sử dụng mà quỹ phải báo với Bộ Tài chính, Bộ này trình Chính phủ, Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội để quyết định có tăng chi hay không. Việc tăng hay giảm thu hàng năm quỹ không điều chỉnh được, không đáp ứng được tính kịp thời của nguồn vốn”. Ông Lê Hoàng Minh |
Nguồn kinh phí của quỹ địa phương, gồm: Ngân sách Trung ương cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Trung ương (35% tổng số dự toán thu phí sử dụng đường bộ cả nước); Ngân sách địa phương cấp bổ sung cho quỹ địa phương; Các nguồn thu liên quan đến sử dụng đường bộ và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, Thông tư 60 có sự thay đổi lớn, khi quỹ đã nộp vào ngân sách thì việc hướng dẫn chi cho nguồn 65% và nguồn 35% phải theo đúng Luật Ngân sách. Theo ông Minh, đối với nguồn 35%, Bộ Tài chính cho biết, tháng 11 hàng năm, Bộ này sẽ giao dự toán thu chi cho các địa phương, trong đó có dự toán Quỹ Bảo trì đường bộ. “Chỉ khi Bộ Tài chính chấp nhận phương án chốt thông số bảo trì trước đó một năm để tính toán cho kế hoạch bảo trì cho năm sau, nguồn vốn mới không bị chậm. Bộ Tài chính cũng cần chuyển tiền 1 lần từ đầu năm cho các địa phương thay vì theo từng quý như trước đây”, ông Minh nói.
Tuy nhiên theo ông Minh, đối với nguồn 65%, khả năng chậm rất dễ xảy ra. Trước đây, khi nguồn thu này không nằm trong ngân sách, trên cơ sở số thu tạm giao cho Cục Đăng kiểm VN, vào tháng 8, Hội đồng Quỹ sẽ tạm giao số chi cho Tổng cục Đường bộ VN. Đến tháng 9, cơ quan này sẽ phê duyệt dự án sửa chữa, tổ chức đấu thầu và đến 31/12 sẽ kết thúc toàn bộ khâu về thủ tục. Từ 1/1 năm sau, nhà thầu bắt đầu thi công. Với cách làm này, các dự án sửa chữa sẽ được hoàn thành trước mùa mưa vào cuối tháng 6 hàng năm.
“Hiện, nguồn vốn này được nộp vào ngân sách. Hội đồng quỹ không còn được tạm giao chi nữa. Đến đầu tháng 12 mới thông báo dự toán ngân sách về Bộ GTVT, sau đó Bộ mới thông báo về quỹ. Nhanh nhất, đến đầu tháng 1 năm sau mới hoàn thiện được giao chi. Khi đó, Tổng cục Đường bộ mới tổ chức đấu thầu mất trên dưới 3 tháng. Đến tháng 4 mới triển khai thi công cũng đã bắt đầu vào mùa mưa. Còn chờ qua mùa mưa, tháng 10 mới thi công, như vậy toàn bộ từ tháng 1-10 tiền không dùng vào việc gì”, ông Minh lý giải.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT Gia Lai cho biết, so với các năm trước, năm nay nguồn vốn rất chậm, năm kế hoạch 2017 đã gần hết, nguồn 35% địa phương vẫn chưa nhận được. Qua mùa mưa mới bố trí vốn, khi đó hiện trạng tuyến đường đã hư hỏng phát sinh nhiều hơn so với ban đầu lập kế hoạch khảo sát đầu năm, không đảm bảo giao thông được êm thuận.
Không phải lần đầu tính hòa Quỹ vào ngân sách
Thực tế, khi Quỹ Bảo trì đường bộ mới thành lập, Pháp lệnh Phí và lệ phí đã quy định Phí Bảo trì đường bộ phải nộp vào ngân sách. Nhưng khi thành lập quỹ, Quốc hội và Chính phủ đều cho rằng, quỹ mang tính chất đặc thù nên không phải nộp về ngân sách. Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 18 về Quỹ Bảo trì đường bộ đều hướng dẫn theo hướng này.
“Khi Pháp lệnh Phí và lệ phí được nâng lên thành Luật vẫn giữ nguyên quy định phí bảo trì phải nộp về ngân sách. Tuy nhiên, trong Luật Phí và lệ phí và Nghị định 120 quy định, nếu các loại phí do các cơ quan được giao nhiệm vụ thu phí mà số thu không đủ bù chi sẽ được giữ lại một phần hoặc toàn bộ loại phí này”, ông Minh cho biết và khẳng định: “Phí Bảo trì đường bộ hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Hàng năm ngân sách vẫn phải cấp bù, rõ ràng đây là phí thu không đủ bù chi nên vẫn có thể nằm ngoài ngân sách và được quản lý như ngân sách”.
Ông Nguyễn Hữu Quế cũng cho rằng, phải có cơ chế đặc thù cho quỹ bảo trì, đảm bảo được khi cầu đường hư hỏng sẽ được cấp phát ngay. Một đồng bỏ ra ngay khi mặt đường có hiện tượng hư hỏng hiệu quả bằng 3 đồng xây mới hay để đường nát mới sửa chữa.
Ông Nguyễn Đình Đại, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cũng cho rằng, trước đây khi chưa có quỹ bảo trì, Nhà nước cũng dùng vốn ngân sách để quản lý bảo trì đường bộ. Khi đó, có trường hợp hết năm kế hoạch vẫn chưa hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. “Không nên tạo thêm đường đi vòng vèo của nguồn quỹ bảo trì, sẽ gây thêm sự lãng phí, không đảm bảo tính kịp thời của công tác bảo trì”, ông Đại nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận