Thời sự Quốc tế

Lo ngại Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng, lần đầu tiên Mỹ làm điều này

Ngày 29/9, Mỹ lần đầu tiên ra cam kết phối hợp cùng đồng minh và đối tác để đáp ứng nhu cầu của các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung được Mỹ và các lãnh đạo, đại diện từ 14 đảo quốc Thái Bình Dương công bố sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày nhằm đẩy mạnh hợp tác trong khu vực.
Đây là lần đầu tiên Mỹ tổ chức sự kiện thượng đỉnh với sự tham gia của lãnh đạo của các quốc đảo ở Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Kinh đã và đang có những bước tiến ngoại giao vững chắc tại đây.

Trong số các lãnh đạo, đại diện quốc đảo Thái Bình Dương ký tuyên bố chung có cả Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare dù trước đó Chính phủ quần đảo này ẩn ý sẽ không ký thỏa thuận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ hợp tác hiệu quả cùng đối tác và đồng minh trên thế giới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trên khu vực Thái Bình Dương. Trong đó, ông Biden nêu bật cam kết ưu tiên củng cố quan hệ đối tác giữa Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương trong vấn đề đe dọa tồn vong và cũng là ưu tiên hàng đầu của các đảo quốc này - đó chính là thảm họa khí hậu.

“An ninh của Mỹ và của cả thế giới phụ thuộc vào an ninh của các quốc đảo Thái Bình Dương”, ông Biden nhấn mạnh

img

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh - Reuters

Theo nội dung tuyên bố chung, Mỹ sẽ hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương qua Diễn đàn các Đảo Thái Bình Dương mà Mỹ là đối tác đối thoại và khẳng định nhóm các quốc đảo này có vai trò quan trọng trong đoàn kết khu vực.

Trước đó 1 ngày, Mỹ cũng công bố Chiến lược Mỹ - Quốc đảo Thái Bình Dương, chiến lược đầu tiên của Mỹ về quan hệ với các quốc đảo trong khu vực. Trong đó, Mỹ nhận định sức ép và cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc có nguy cơ phá hoại hòa bình, thịnh vượng và an ninh của khu vực, mở rộng hơn là của cả Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc cho biết quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc đảo Thái Bình Dương dựa trên tinh thần hợp tác lẫn nhau, khẳng định khu vực này không phải sân sau của bất cứ quốc gia nào và nỗ lực của Washington nhằm khuấy động sự phản đối tại khu vực này đối với Bắc Kinh sẽ thất bại.

Nhà Trắng cho biết trong thập kỷ qua, Mỹ đã hỗ trợ 1,5 tỷ USD cho khu vực này và sẽ đầu tư 810 triệu USD để hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương trong chương trình mở rộng.

Khoản đầu tư mới gồm khoản viện trợ trị giá 600 triệu USD trong 10 năm đã được trình lên Quốc hội Mỹ trước đó để giúp các quốc đảo Thái Bình Dương đối phó với thảm họa khí hậu và tăng cường an ninh hàng hải.

Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ sẽ sớm đối thoại với Papua New Guinea về thỏa thuận hợp tác quốc phòng.

Washington cũng cam kết cung cấp 2,8 tỷ USD nhằm đẩy mạnh hoạt động huấn luyện của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại các quốc đảo Thái Bình Dương, bao gồm hoạt động huấn luyện tại Quần đảo Solomon trong năm 2022.

Ngoài ra, Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quốc phòng và ngoại giao trong khu vực, hỗ trợ các quốc đảo Thái Bình Dương trong các vấn đề ô nhiễm biển, đánh bắt trái phép, vận chuyển buôn bán ma túy, an ninh cảng biển, phối hợp với đối tác về nâng cấp hệ thống cáp ngầm dưới biển, đẩy mạnh quan hệ đối tác trong lĩnh vực viễn thông. Mỹ cũng có kế hoạch mở đại sứ quán tại Kiribati, Tonga và Quần đảo Solomon trong thời gian tới.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Đáng chú ý, hồi đầu năm, Quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, cho phép cảnh sát Trung Quốc hỗ trợ duy trì trật tự xã hội, làm dấy lên quan ngại trong khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.