Lãi suất huy động thấp nhất 2,25%
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) giảm lãi suất liên tiếp trong 2 ngày (14 và 15/12).
Lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng giảm xuống còn 3,9%/năm; kỳ hạn 4 và 5 tháng về mức 3,9%/năm; kỳ hạn 9-11 tháng còn 5%/năm; kỳ hạn 15-18 tháng còn 5,4%/năm; 24-36 là 5,6%/năm. Ngân hàng này giữ nguyên lãi suất với tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng là 3,8%/năm; 6-8 tháng là 5%/năm.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank) giảm lãi suất huy động 0,2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn tiền gửi. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 1 và 3 tháng lần lượt là 3,4 và 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 4,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng 5,15%/năm; 18 tháng là 5,5%/năm; kỳ hạn 24 và 36 tháng 5,8%/năm.
SCB, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt do liên quan Vạn Thịnh Phát, từ việc áp dụng lãi suất huy động cao nhất vào đầu năm 2023 (có thời điểm lên đến 12%/năm) đã giảm xuống mức lãi suất thấp nhất 2,25%/năm.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng còn 2,25%/năm; lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng còn 2,55%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng lãi suất còn 3,55%/năm; kỳ hạn 12-36 tháng còn 4,85%/năm.
Nhóm ngân hàng quốc doanh gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử.
BIDV liên tiếp điều chỉnh trong 3 ngày, lãi suất hiện tại áp dụng kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 2,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng còn 3,1%/năm; 6-11 tháng còn 4,1%/năm; kỳ hạn 12-18 tháng còn 5%/năm.
VietinBank áp dụng lãi suất kỳ hạn 3%/năm đối với kỳ hạn 3-5 tháng; kỳ hạn 6-11 tháng còn 4%/năm; kỳ hạn 12-18 tháng còn 5%/năm; kỳ hạn từ 24 tháng trở lên được VietinBank giữ nguyên mức 5,5%/năm.
Agribank giảm lãi suất huy động đối với mức giảm 0,3%-0,5%/năm. Theo đó, kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 2,6%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng còn 3,0%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng còn 4,0%/năm; 12-18 tháng giảm còn 5%/năm. Agribank cũng giữ nguyên mức lãi suất các kỳ hạn dài từ 24 tháng trở lên ở mức 5,3%/năm.
Trước đó, Vietcombank cũng giảm 0,2%/năm các kỳ hạn từ 1-11 tháng. Hiện, lãi suất tại Vietcombank thấp nhất nhóm các ngân hàng có vốn Nhà nước, cũng như hệ thống ngân hàng, với kỳ hạn 1-2 tháng là 2,2%/năm; 3-5 tháng là 2,5%/năm; 6-11 tháng là 3,5%/năm; 12-18 tháng là 4,8%/năm.
Lãi suất nên giữ ở mức an toàn, hấp dẫn
Kể từ đầu tháng 12 đến nay, 16 ngân hàng giảm lãi suất huy động là HDBank, Techcombank, Eximbank, KienLongBank, SCB, PGBank, MB, MSB, NamA Bank, ABBank, Vietcombank, BIDV, VIB, VPBank, TPBank. Trong đó, MB, VIB, BIDV, Eximbank, SCB là những ngân hàng đã giảm lãi suất hai lần kể từ đầu tháng.
Theo các chuyên gia tài chính, việc giảm lãi suất sẽ tăng tính thanh khoản nguồn vốn, thúc đẩy quá trình đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15%. Song, việc giảm thấp quá sẽ mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng.
PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng giảm lãi suất tiền gửi xuống thấp hơn nữa sẽ khiến chính sách tiền tệ bị vô hiệu hóa. Nói cách khác, khi đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ còn cách duy nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, muốn nới lỏng thêm nữa cũng không được.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng không nên giảm tiếp lãi suất. Nên cố gắng giữ ở mức tương đối hấp dẫn để cho bộ phận người dân như nông dân, công nhân, người lao động… gửi tiền. Khi đồng tiền rẻ quá, buộc người dân phải đẩy tiền vào kênh đầu tư khác.
"Theo tôi, ngân hàng trung bình lãi suất 6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng là hợp lý. Đối với ngân hàng nhỏ, lãi suất ở mức 5,5%/năm với lạm phát khoảng 4% thì mới giữ được lãi suất thực dương", ông Hiển nói.
Còn chuyên gia Phạm Xuân Hoè nhìn nhận lãi suất hạ đến thời điểm hiện tại phù hợp với mức lạm phát 4%. Hiện lãi suất thực âm ở kỳ hạn ngắn, còn kỳ hạn dài vẫn dương có lợi cho người gửi tiền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận