Đường sắt

Lỗ nghìn tỷ, đường sắt đề xuất sớm tái cơ cấu

21/01/2021, 06:38

Nếu vận tải tiếp tục lỗ nặng, trong khi không có cơ chế tháo gỡ, hết năm 2022, TCT Đường sắt VN sẽ “mất” toàn bộ vốn chủ sở hữu 3.250 tỷ đồng.

img

Xếp hàng lưu huỳnh lên tàu hỏa tại cảng Hải Phòng

Lỗ hơn 1.300 tỷ đồng năm 2020, TCT Đường sắt VN lo mất hơn 3.200 tỷ vốn chủ sở hữu nên đề xuất sớm được tái cơ cấu và khai thác hạ tầng. Bởi, đề án tái cơ cấu đã chậm ba năm chưa được phê duyệt; Đề án khai thác, kinh doanh hạ tầng cũng đang chờ.

Nguy cơ mất hơn 3.200 tỷ vốn chủ sở hữu

Tin từ TCT Đường sắt VN, năm 2020, lượng hành khách đi tàu chỉ bằng 47,5% năm ngoái, doanh thu vận tải hành khách giảm 51,7% cùng kỳ.

Kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất toàn tổng công ty vì thế cũng đạt rất thấp. Sản lượng chỉ đạt 6.828,6 tỷ đồng, bằng 79% so với cùng kỳ. Doanh thu 6.565,1 tỷ đồng, bằng 78,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng doanh thu công ty mẹ đạt 1.713 tỷ đồng, bằng 81,6% so với kế hoạch và bằng 66,6% so với cùng kỳ. Dự kiến lỗ hơn 1.324 tỷ đồng.

Kết quả bi đát trên, ngoài nguyên nhân do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và bão lũ khu vực miền Trung còn do việc triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng gói 7.000 tỷ đồng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải khiến sản lượng vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng.

“Nếu vận tải tiếp tục lỗ nặng, trong khi không có cơ chế tháo gỡ, hết năm 2022, TCT Đường sắt VN sẽ “mất” toàn bộ vốn chủ sở hữu 3.250 tỷ đồng. Toàn bộ nỗ lực của TCT trong suốt những năm qua sẽ bị xóa sạch”, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho hay.

Cụ thể, theo ông Minh, vốn điều lệ của tổng công ty là 3.250 tỷ đồng. Năm 2020, công ty mẹ thua lỗ 1.324 tỷ, bao gồm cả khoản đầu tư vào công ty con. Khi các công ty con thua lỗ, công ty mẹ phải trích lập dự phòng theo quy định tài chính. Do đó, trong 1.324 tỷ thua lỗ có lỗ vận tải hơn 400 tỷ vì trích lập dự phòng.

Ngoài ra, còn có trích lập dự phòng đối với các khoản khác như: Khoản nợ tiền thuê đất ở khu đất Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (đang kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng cách tính giá thuê hợp lý để giảm khó khăn cho doanh nghiệp - PV) khoảng hơn 200 tỷ; Khoản 53 tỷ trả lãi vay dự án mua ray của Áo mà nhiều năm qua tổng công ty đã báo cáo nhưng chưa được giải quyết…

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, gói 7.000 tỷ triển khai thi công nhiều hơn, nhiều điểm phải phong tỏa, chạy chậm hơn thì kịch bản xấu là hai công ty vận tải Hà Nội, Sài Gòn dự kiến lỗ 700 - 800 tỷ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc công ty mẹ cũng phải trích lập dự phòng con số tương ứng.

Mặt khác, do sản lượng vận tải sụt giảm nên sản xuất kinh doanh vận tải của công ty mẹ là cung cấp sức kéo, điều hành GTVT đường sắt… cũng lỗ theo, dự kiến khoảng 800 tỷ đồng trong năm 2021. Nếu năm 2022, tình hình kinh doanh không sáng sủa hơn, 3.250 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của TCT sẽ bị “đánh bay”.

Tái cơ cấu vận tải để hút vốn xã hội hóa

img

Xếp container lên tàu tại ga Đông Anh, để vận chuyển đến ga Đồng Đăng, từ đó đi tiếp bằng đường sắt sang Trung Quốc, sang châu Âu

Ở kịch bản lạc quan hơn, ông Minh cho rằng, nếu dịch kết thúc trong năm 2021, gói 7.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm nay, sang năm 2022, chất lượng hạ tầng đường sắt tốt hơn, năng lực thông qua được nâng lên sẽ có dư địa để đẩy mạnh khai thác vận tải.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông Minh khẳng định vẫn phải tái cơ cấu lại vận tải. Cùng đó, Nhà nước cần có cơ chế để đường sắt khai thác, kinh doanh hạ tầng đường sắt như đất khu ga, kho bãi…, qua đó công ty mẹ có nguồn thu bù đắp sang nguồn thu từ vận tải, giảm giá thành vận tải.

“Chúng tôi đã trình cấp có thẩm quyền Đề án tái cơ cấu TCT Đường sắt VN, kiến nghị phương án sáp nhập hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn. Sau đó, từ công ty hợp nhất, thực hiện phân chia, bóc tách tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con cổ phần chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt và thực hiện kêu gọi vốn góp xã hội hóa. Phần còn lại sẽ chuyên về vận tải hành khách và có lộ trình thoái tỷ lệ vốn góp Nhà nước.

“Nếu tái cơ cấu vận tải thành công, chắc chắn sẽ thu hút được vốn đầu tư bên ngoài, đồng thời cũng minh bạch hơn, từ đó thu hút được nguồn lực để phát triển mạnh hơn”, ông Minh nói và cho biết thêm, hiện đề án tái cơ cấu đã chậm 3 năm chưa được phê duyệt. Đề án khai thác, kinh doanh hạ tầng cũng đang chờ.

Khẳng định cần có giải pháp căn cơ để phát triển vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh, hoạt động của đường sắt phải xoay quanh trục vận tải. Vận tải đường sắt có lợi thế riêng, ví dụ như vận chuyển hàng khối lượng lớn, siêu trường siêu trọng, vì vậy cần phải đẩy mạnh các lợi thế này.

Cùng đó, phải giải quyết được các bất cập hiện nay của đường sắt là không vận chuyển “door to door” (từ cửa tới cửa) thông qua hợp tác, liên kết trong vận tải. Bản thân đường sắt cũng phải cải tổ ngay từ nội bộ.

Theo Thứ trưởng Đông, thực hiện tái cơ cấu đường sắt, quan trọng là phải sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và thích ứng kinh doanh, làm thế nào để hoạt động có tính chất thị trường, để cạnh tranh được. Mặt khác, quản trị doanh nghiệp từ trên xuống dưới phải đổi mới, trong đó chú ý cả yếu tố con người.

“Phải rà lại chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận sao cho gọn, không chồng chéo và phải tiếp cận thị trường thông qua cơ chế khoán hoặc cơ chế khác. Tái cơ cấu phải làm sao giải phóng nhiều nhất cho vận tải, phải có lãi thì mới thu hút được vốn xã hội hóa”, Thứ trưởng Đông nói.

Ông Nguyễn Ân, chuyên gia GTVT cho rằng, mô hình vận tải đường sắt trong khoảng hơn 10 năm nay hết tách ra lại nhập vào. Do đó, việc sắp xếp mô hình bộ máy chỉ là hình thức, quan trọng nhất là phải tách được vận tải hàng hóa riêng, vận tải khách riêng cho rõ ràng, chuyên môn hóa.

“Khi vận tải hàng hóa phát triển, có thể bù đắp cho vận tải hành khách, từ đó thu hút được hành khách bằng cách tăng tiện nghi, giảm giá vé, khuyến mại… Chứ như hiện nay doanh nghiệp vận tải đường sắt lấy gì ra để triển khai các giải pháp này khi mà doanh thu đang là con số âm”, ông Ân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.