Phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu
Ngay từ những tháng đầu quý I, ngành ngân hàng đã đón nhiều tin vui khi một loạt nhà băng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt kế hoạch tăng vốn.
Theo đó, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) đã được chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng. NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 20.576 lên hơn 25.576 tỷ đồng. Ngân hàng này sẽ phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19%, đồng thời, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị tương đương 5.000 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, một ngân hàng khác là PGBank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành cổ phiếu. Theo kế hoạch, PGBank sẽ phát hành 200 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10:4.
Ngoài ra, PGBank còn có kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ động hiện hữu theo tỷ lệ phân phối là 15:4. Khi thực hiện thành công phương án trên, vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.
Khiêm tốn hơn so với 3 ngân hàng trên, trong năm 2024, Vietbank cũng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 1.003 tỷ đồng sau khi chào bán thành công 100,3 triệu cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu) cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới).
Đặc biệt, theo kế hoạch được phê duyệt vào năm 2023, một số ngân hàng khác cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm nay, bao gồm: Vietcombank có kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 6,5% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; BIDV với kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 9% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức; MBB cũng tiếp tục tiến hành kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu (1,3% số cổ phiếu trước thực hiện) cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Chia cổ tức bằng tiền mặt
Bên cạnh các ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, nhiều nhà băng cũng đã và đang lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.
Cuối tháng 1/2024, Techcombank đã hé lộ kế hoạch sẽ trình đại hội đồng cổ đông mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/tổng lợi nhuận sau thuế, tương đương 4-5% vốn chủ sở hữu của ngân hàng tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024.
Sau 10 năm, Techcombank dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024.
Trước đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt từng nhiều lần được cổ đông ngân hàng này chất vấn suốt 10 năm qua. Gần nhất, tại kỳ đại hội hồi tháng 4/2023, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết ngân hàng có thể sẽ thay đổi và 2023 là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Không chỉ Techcombank, ngân hàng VIB cũng quyết định chi 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 22/2/2024.
Còn VPBank, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông. Riêng trong năm 2023, VPBank đã chi ra gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Một cái tên tiềm năng khác có thể sẽ sớm chia cổ tức bằng tiền mặt là ngân hàng ACB. Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ACB đã hé lộ về kế hoạch chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10% và cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đã chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 cũng được kỳ vọng tiếp tục duy trì việc này trong năm 2024 như TPBank (tỷ lệ 25%), HDBank (10%) và MB Bank (5%).
Lãi suất giảm, lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu?
Theo báo cáo của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặt bằng lãi suất thấp ở thời điểm cuối năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay, từ đó tạo động lực thúc đẩy tín dụng và cải thiện chi phí vốn cho các ngân hàng.
Đối với rủi ro ngành, KBSV lưu ý diễn biến suy yếu trong chất lượng tài sản từ giữa năm 2024 sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Bên cạnh đó, rủi ro phục hồi chậm của thị trường trái phiếu và bất động sản cũng tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán MBS dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ đạt 13-14% sau khi Chính phủ ban hành những chính sách tháo gỡ vướng mắc pháp lý các dự án bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, còn hoạt động cho vay bán lẻ được kích cầu mạnh mẽ trong môi trường lãi suất thấp.
Cùng nhận định lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ cải thiện so với năm 2023, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lợi nhuận năm 2024, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, sẽ tăng trưởng 18,9%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, 2024 vẫn là năm tương đối khó cho ngân hàng khi nguồn thu không còn đa dạng như các năm trước và chủ yếu phụ thuộc vào lãi thuần. Lý do là Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) năm nay gần như sẽ không thực hiện được do sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Trái phiếu dù tốt lên nhưng không quá thuận lợi và chỉ có một vài ngân hàng lớn có nguồn thu từ đây.
Nhìn chung, nguồn thu từ lãi của các ngân hàng là chủ yếu nhưng rủi ro lãi suất huy động không còn dư địa giảm mà có thể phải sớm tăng trở lại vào khoảng tháng 5, 6 do thanh khoản bớt dồi dào. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm xuống khiến biên lãi ròng của các ngân hàng bị thu hẹp.
Ông Minh nhận định tiền gửi không kỳ hạn có thể mang lại lợi nhuận năm 2024. Tuy nhiên, chỉ một số ngân hàng lớn có lợi thế này (chủ yếu là nhóm ngân hàng lớn và quốc doanh), còn lại đa số ngân hàng sẽ có mức lợi nhuận đi ngang so với 2023.
Trên thị trường chứng khoán, vị chuyên gia này cho rằng sau một thời gian liên tục tăng giá, định giá của ngành ngân hàng đã không còn rẻ. Cổ phiếu nhóm này cần có thời gian để cân bằng lại định giá và được dự báo có những con sóng vào cuối quý II/2024.
Thanh Thắng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận