Cập nhật tình hình thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, thời điểm hiện tại, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 14% giá trị các hợp đồng.
Trong đó, dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 1.157/6.845 tỷ đồng, đạt 17% theo hợp đồng; Đoạn Hậu Giang – Cà Mau đạt 1.485/11.957 tỷ đồng, đạt 12,5%.
Theo đại diện ban QLDA, bám đuổi tiến độ thi công, thời gian qua, chủ đầu tư đã có nhiều văn bản chấn chỉnh, đôn đốc tiến độ, kiểm điểm ngay tại công trường, song, tính đến ngày 22/11, nhiều nhà thầu vẫn chưa đáp ứng kế hoạch yêu cầu.
Cụ thể, tại đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, vướng mặt bằng cơ bản đã được giải quyết, nhà thầu Tân Nam vẫn chậm huy động 2 máy đóng cọc thi công 2 cầu; Tổng công ty 36 chậm huy động 1 máy đóng cọc thi công 1 cầu.
Cùng đó, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C chậm huy động 1 máy đóng cọc thi công 1 cầu; Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) chậm huy động 1 máy đóng cọc thi công 1 cầu.
Đối với dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau, tại gói thầu XL01, Công ty CP Xây dựng Tân Nam đang thi công 3/5 cầu, trong đó có Cầu Kênh Ba Tảu và Cống Chùa dù có mặt từ tháng 9/2023, nhưng việc thi công còn chậm, chưa chủ động cung ứng vật tư, chậm thi công sản xuất dầm và đóng cọc.
Tại gói thầu XL02, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 đang thi công 7 cầu. Đối với 2 Cầu Km96, Thủy Lợi 2 dù có mặt bằng từ tháng 8, tháng 9/2023 nhưng chưa huy động thiết bị, nhân công để triển khai thi công. Đây cũng là đơn vị ban điều hành dự án thường xuyên theo dõi, nhắc nhở.
Tại gói thầu XL03, CC1 đang triển khai 2 cầu. Trong đó, cầu Rạch Rập đã có mặt bằng từ tháng 7, tuy nhiên, công tác huy động thiết bị chậm và chưa triển khai tổ chức thi công.
Theo lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận, khắc phục tình trạng trên, đơn vị đã chỉ đạo sát sao, yêu cầu các đơn vị bị chậm phải huy động đầy đủ máy móc thiết bị, đặc biệt là hạng mục thi công cầu trong tháng 11/2023.
Các chuyên viên ban điều hành được giao phụ trách phải đôn đốc nhà thầu lập, trình hồ sơ thanh toán để đảm bảo đủ nguồn tài chính cho việc huy động và thi công hiện trường.
"Riêng dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau, Ban QLDA đã chỉ đạo, yêu cầu nhà thầu Tân Nam tăng cường thiết bị vận chuyển và thi công đắp cát nền đường cho cầu Cống Chùa, tiến hành đóng cọc trước 25/11/2023; Huy động thiết bị đóng cọc và thêm đội công nhân để triển khai thi công cầu Kênh Ba Tẩu trước 2/12/2023.
Với nhà thầu 620, trước ngày 30/11/2023 phải hoàn thiện mặt bằng và đẩy nhanh việc tập kết cọc về công trường để thi công ngay cầu Cầu Km96, Thủy Lợi 2.
Nhà thầu CC1 được yêu cầu huy động ngay 1 máy đóng cọc, 1 cẩu phục vụ và 1 đội nhân công, kỹ sư để thi công ngay việc đóng cọc cầu Rạch Rập trước ngày 25/11/2023", lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận thông tin.
Cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có tổng chiều dài tuyến chính gần 38km; Chiều dài tuyến nối qua địa bàn TP Cần Thơ hơn 9km. Tổng mức đầu tư gần 10.400 tỷ đồng.
Cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài tuyến chính hơn 73km và chiều dài tuyến nối hơn 16km. Tổng mức đầu tư trên 17.152 tỷ đồng.
Giai đoạn phân kỳ, hai tuyến cao tốc được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô nền đường hai cao tốc sẽ được nâng lên 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận