Những chiếc xe khách giường nằm kiểu cabin "cung điện di động" ngang nhiên len lỏi vào các tuyến phố nhỏ ở bến xe Mỹ Đình để đón trả, khách ngay trước văn phòng nhà xe, chẳng khác gì những "bến cóc".
Nhà xe Quang Nghị sử dụng xe trung chuyển trái phép đưa khách từ văn phòng ở phía sau bến xe Mỹ Đình ra xe chính BKS 23F - 000.42 đỗ trên đường bên hông nhà hàng Hoa An Viên để đi Hà Giang trưa 9/12
Lập “bến cóc”, gom khách chạy “dù”
Ngày 9/12, PV Báo Giao thông liên hệ số điện thoại 0946.744.7xx của nhà xe Quang Nghị đặt xe từ Hà Nội - Hà Giang, tuy nhiên, thay vì hẹn khách vào bến xe Mỹ Đình, nhân viên nhà xe này lại đề nghị hành khách đến văn phòng tại số 1 đường Mỹ Đình (ngay cạnh bến xe).
Theo lịch hẹn, khoảng 12h30, PV có mặt tại đây, bên trong văn phòng đơn sơ chỉ có một chiếc bàn làm việc nhỏ đặt ở góc, dưới đất ngổn ngang những kiện hàng và khoảng gần chục khách khác đang ngồi chờ xe đón.
Một người đàn ông cầm tờ giấy ghi dòng chữ Nhà xe Quang Nghị, BKS 23F - 000.42, cùng một bảng kẻ sơ đồ các giường trên xe cũng như số điện thoại khách hàng, rồi liên tục cầm điện thoại gọi giục khách tới vì sắp đến giờ xe chạy.
Chừng 10 phút sau, thay vì chiếc xe khách giường nằm như giới thiệu, một chiếc xe 16 chỗ BKS 29F - 003.83 đỗ xịch phía trước văn phòng này, tài xế “lùa” khách lên xe và cho biết đây là xe trung chuyển dùng để chở khách đến xe chính đi Hà Giang ở gần đây.
Tuy nhiên, theo quan sát, chiếc xe này chưa được cấp phù hiệu xe trung chuyển, cũng không niêm yết thông tin nhà xe bên ngoài thân xe theo đúng quy định.
Văn phòng nhà xe ở số 1 đường Mỹ Đình như một "bến cóc" đơn sơ với hàng hoá cồng kềnh và khách ngồi chờ đến giờ lên xe
Sau khi đón hết khách đang chờ cũng như hàng hoá cần vận chuyển, tài xế cho xe này chạy lòng vòng trên đường Mỹ Đình rồi ra đường Lê Đức Thọ, rẽ vào con phố nhỏ bên hông nhà hàng Hoa An Viên (trên đường Lê Đức Thọ), rồi dừng lại phía sau chiếc xe “Cung điện di động” BKS 23F - 000.42 để xếp khách lên từng khoang cabin.
Ghi nhận của PV, chiếc xe này không dán phù hiệu xe tuyến cố định mà thay vào đó là xe hợp đồng nhưng lạ thay, lại gom chở khách lẻ theo tuyến cố định từ Hà Nội - Hà Giang.
Bên trong khoang hành khách được thiết kế theo dạng cabin “riêng tư” có rèm và giường nằm dạng đơn. Đáng chú ý, thay vì xếp mỗi khách một giường, nhân viên nhà xe “vô tư” xếp 2 người 1 cabin với những người đi đôi, quen biết nhau và thu giá vé 350.000 đồng/cabin/người hoặc 550.000 đồng/cabin/2 người.
Quãng đường di chuyển từ Hà Nội - Hà Giang, chiếc xe này cũng nhiều lần dừng giữa đường đón thêm khách khác lên xe, thậm chí có lần dừng gần 10 phút trên đường Phạm Văn Đồng trên cao để đón khách đã hẹn trước.
Khoảng 19h tối cùng ngày, chiếc xe về tới TP Hà Giang, tuy nhiên, cũng như ở Hà Nội, xe khách này dừng trước một văn phòng nhỏ trên QL2, cách trung tâm thành phố khoảng 2km, rồi tiếp tục “lùa” khách lên chiếc xe trung chuyển “trái phép” khác vận chuyển khách lòng vòng các con phố ở TP Hà Giang đưa về tận nhà.
Nhà xe Ngọc Cường cũng sử dụng xe trung chuyển đón khách về văn phòng ở Cầu Mè (TP Hà Giang) thay vì vào bến để bắt đầu hành trình đi Hà Nội mặc dù có phù hiệu xe tuyến cố định
Cũng với cách thức tương tự, tối 10/12, PV đặt xe khách Ngọc Cường Tuyền Hà Giang - Hà Nội, khoảng 20h30 tối cùng ngày, một chiếc xe 29 chỗ ngồi BKS 29B - 171.58, phía trước xe in dòng chữ “Ngọc Cường”, trên xe đã có khoảng 6 người. Sau đó, chiếc xe tiếp tục lòng vòng qua đường Nguyễn Thái Học và đường Nguyễn Du đón thêm nhiều khách khác và đi thẳng ra văn phòng nhà xe tại khu vực cầu Mè (bên cạnh bến xe TP Hà Giang) để lên xe “Cung điện di động” đi Hà Nội.
Khác với chiếc xe Quang Nghị, xe “Cung điện di động” của nhà xe Ngọc Cường BKS 23F - 000.81 có phù hiệu xe tuyến cố định, tuy nhiên, chiếc xe này cũng bỏ bến, đón khách và xuất phát bắt đầu hành trình tại văn phòng riêng.
Với thiết kế khoang hành khách kiểu cabin, nhà xe này vẫn xếp 2 người/cabin sai quy định và thu giá vé tương tự xe Quang Nghị.
Khoảng 0h56, xe BKS 23F - 000.81 dừng nghỉ tại trạm dừng nghỉ Ngọc Cường trên QL2, lúc này, một chiếc xe “Cung điện di động” khác BKS 23F - 000.32 của nhà xe này cũng về tới đây với hành trình ngược lên Hà Giang.
Khoảng 20 phút sau, cả 2 xe rời trạm dừng nghỉ, đến 4h sáng, xe BKS 23F - 000.81 về tới Hà Nội và dừng ngay trước văn phòng tại số 1 đường Nguyễn Hoàng (ngay cổng bến xe Mỹ Đình) trả khách và dỡ hàng hoá, thay vì vào bến theo quy định.
Hai chiếc xe cung điện di động của nhà xe Ngọc Cường dừng tại trạm dừng nghỉ lúc gần 1h sáng ngày 10/12
Cạnh tranh không lành mạnh
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết, xe khách BKS 23F - 000.42 (xe Quang Nghị) không ký hợp đồng với bến xe.
Còn xe khách BKS 23F - 000.81 và 23F. 000.32 (xe Ngọc Cường) của Hợp tác xã vận tải Thành Công có ký hợp đồng với bến xe nhưng tần suất vào bến thưa thớt, không đều đặn, tháng ít vài chuyến, tháng cao thì hơn chục chuyến.
Ông Sơn cho biết, so với thời điểm trước dịch Covid-19, lượng xe khách tuyến cố định vào bến giảm mạnh, có một số tuyến còn bỏ hẳn. Trong khi đó, tình trạng xe dù bến cóc đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến kinh doanh của các đơn vị vận tải đang thực hiện nghiêm túc cũng như hoạt động của bến xe.
Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, tình trạng xe dù đang phát triển ngày càng nhiều, đã làm cho quy hoạch luồng tuyến, quy hoạch bến xe bị phá vỡ, gây ra ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, do cạnh tranh không bình đẳng của xe dù nên nhiều xe tuyến cố định đã bị dừng, nhiều tuyến phải giảm tần suất và doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thua lỗ.
Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, sản lượng của các tuyến cố định đã giảm từ 35-40%, công suất của bến xe giảm từ 18-30%. Nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch bỏ tuyến và chuyển sang chạy dù như trên nếu như tình trạng này không được giải quyết triệt để.
Thực chất, ghi nhận của PV những ngày qua cho thấy việc này không còn nằm trong kế hoạch mà đã xảy ra, tồn tại, khi nhà xe có phù hiệu tuyến cố định như xe Ngọc Cường lại bỏ bến ra chạy “dù” đón, trả khách tại văn phòng như một “bến cóc”, ngay ở con phố nhỏ, chật chội bên cạnh bến xe Mỹ Đình, làm mất mỹ quan, gây ùn tắc giao thông.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên viên cao cấp JICA nhìn nhận, tại các văn bản QPPL hiện hành còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, chưa có quy định trách nhiệm quản lý đối với các phường xã để xảy ra tình trạng bến cóc xe dù trên địa bàn, trong khi lực lượng chức năng như CSGT chỉ có thể tuần tra kiểm soát trên đường.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND cấp tỉnh cần vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, “xe trá hình tuyến cố định”, “xe ghép, xe tiện chuyến” trên địa bàn; kiểm tra, xử lý đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm, tự phát trên địa bàn; nếu phát hiện có tổ chức đón, trả khách, cò khách thì kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay, tình trạng trên vẫn đang gây nhức nhối tại nhiều địa bàn, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận